“Tàu 67” mắc kẹt vì bảo hiểm
Từ tháng 7.2019 đến nay, nhiều chủ tàu cá “khóc dở, mếu dở” khi tàu cá vỏ thép phải nằm bờ với lý do... không mua được bảo hiểm tàu cá.
Sở NN&PTNT cho biết, toàn tỉnh có 61 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (tàu 67), bao gồm: 48 tàu vỏ thép, 8 tàu composite, 5 tàu vỏ gỗ. Trong số đó, 54/61 tàu hoạt động khai thác thủy sản, 3 tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần nhưng hầu như nằm bờ vì hoạt động không hiệu quả.
Tàu cá vỏ thép của ngư dân trong tỉnh neo đậu tại cảng cá Đề Gi.
Bỗng dưng phải… nằm bờ!
Nhiều tháng qua, 5 tàu cá vỏ thép của ngư dân ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) phải nằm bờ tại cảng cá Đề Gi vì không mua được bảo hiểm tàu cá, gồm tàu của hộ ông Thái Văn Duyệt (tàu BĐ 99160 TS), Lê Văn Thãi (tàu BĐ 99016), Nguyễn Ngọc Châu (tàu BĐ 99169 TS), Đinh Công Khánh (tàu BĐ 99086 TS), Lê Ngô Hát (BĐ 99168 TS).
“Giữa ngư dân, ngân hàng, công ty bảo hiểm vẫn chưa có tiếng nói chung. Nhiều ngư dân tàu 67 làm ăn có lãi, nhưng không trả lãi cho ngân hàng vì quan niệm sai lầm là tàu của Nhà nước. Còn phía bảo hiểm nghi ngờ sự trung thực của ngư dân trong chuyện tàu bị chìm, nên dè dặt bán bảo hiểm, dẫn đến ngư dân khó khăn, ngân hàng không thu hồi được nợ”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN CHÂU
Chỉ tay về phía con tàu của mình, ông Nguyễn Ngọc Châu- chủ tàu BĐ 99169 TS, bức xúc: “Nhờ hoạt động có hiệu quả nên tôi trả nợ vay cho ngân hàng đều đặn hơn 2 tỷ đồng. Nhưng từ tháng 7.2019, bảo hiểm tàu cá hết hạn, liên hệ Công ty CP Bảo hiểm Pjico Bình Định để mua thì không được bán nữa. Họ bảo kinh doanh bị lỗ, phải chờ ý kiến trả lời của cấp trên. Không có bảo hiểm, ngân hàng và ngành chức năng không cho ra khơi, tàu nằm bờ nhiều tháng dần bị hoen rỉ!”.
Còn ngư dân Thái Văn Duyệt- chủ tàu vỏ thép BĐ 99160 TS, tâm tư: “Hơn 4 tháng tàu nằm bờ, số nợ vay gần 19 tỷ đồng, tôi chẳng biết lấy gì mà trả! Thuyền viên cũng chuyển sang đi cho các tàu khác để kiếm sống. Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị lên các cấp, nhưng chưa được giải quyết”.
Nhiều chủ tàu vỏ thép khác cũng chung nỗi lo lắng vì bảo hiểm tàu sắp hết hạn. “Tàu của tôi hoạt động hiệu quả, nhờ đó trả nợ vay được hơn 1,2 tỷ đồng. Đang yên đang lành, giờ công ty bảo hiểm không bán bảo hiểm nữa, tôi đang rối bời vì cuối tháng 12 năm nay bảo hiểm tàu hết hạn”, ngư dân Võ Thế Dư, ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát), chủ tàu vỏ thép BĐ 99252 TS chia sẻ.
Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh tỉnh Bình Định cho hay, theo quy định đối với tàu 67, các chủ tàu phải cam kết mua đầy đủ bảo hiểm mới được hoạt động. Tàu vỏ thép là tài sản hình thành từ vốn vay, ngân hàng không cho tàu ra khơi khi không có bảo hiểm, bởi nếu gặp rủi ro trên biển, ngân hàng sẽ không thu hồi được giá trị con tàu.
Tàu cá vỏ thép của ngư dân Nguyễn Ngọc Châu (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) nằm bờ nhiều tháng liền vì không mua được bảo hiểm.
Cần sớm giải quyết
Theo chỉ định của Bộ Tài chính, Pjico thực hiện bán bảo hiểm tàu cá của ngư dân Bình Định. Liên quan đến vấn đề này, theo ông Nguyễn Hướng Nam, Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định, từ đầu năm đến nay, đã có 1 tàu vỏ thép, 2 tàu composite, 6 tàu vỏ gỗ của ngư dân bị chìm. Nhiều con tàu vỏ thép đóng mới trị giá 20 tỷ đồng nhưng thu phí bảo hiểm chưa đến 200 triệu đồng, tàu chìm khiến chúng tôi tổn thất nặng. Sau 4 năm kinh doanh bảo hiểm tàu cá, công ty lỗ nặng, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Pjico phải tạm dừng để đánh giá lại. Tổng công ty cũng đã làm việc với Bộ Tài chính, song đến nay vẫn chưa có chỉ đạo mới.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ thông tin: “Không mua được bảo hiểm, tàu vỏ thép nằm bờ sẽ nhanh hư hỏng, ngư dân không có thu nhập trả nợ cho ngân hàng. Ngoài 5 tàu ở xã Cát Khánh, đến cuối năm 2019, thêm 23 tàu vỏ thép khác hết hạn bảo hiểm. Chúng tôi đã làm việc với các công ty bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, nhưng các đơn vị này chỉ bán bảo hiểm tàu cá vỏ gỗ, còn bảo hiểm tàu vỏ thép giá trị cao họ không tham gia”.
Ngày 19.11, trao đổi với PV Báo Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, cho biết: “Tỉnh đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Pjico, nhưng vẫn chưa có trả lời. Chúng tôi chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp ngành ngân hàng, các ngành liên quan đánh giá lại chất lượng, giá trị các tàu 67 hiện tại để mời các công ty bảo hiểm thực hiện bán bảo hiểm cho ngư dân. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, sớm có giải pháp tháo gỡ để các chủ tàu vỏ thép thực sự có hoạt động được tiếp tục mua bảo hiểm, vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN