• Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Văn hóa - Nghệ thuật
  • Hội nhập quốc tế
  • Du lịch
  • Tòa soạn - Bạn đọc
  • Tấm gương HCM
  • Biển đảo quê hương
  • Báo in
EnglishEnglish
Quốc Hội|Quốc phòng toàn dân|Xây dựng Đảng - Chính quyền|Hội - đoàn thể
Giáo dục|Sức khỏe|Hôn nhân - Gia đình|
An ninh - Trật tự|Pháp Luật
Giải trí|Sáng tác
Bạn đọc viết|Nhịp cầu nhân ái
Sáng tác

Ngôi nhà nhỏ có tiếng chim

● Truyện ngắn của LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

Người ta bảo họa mi rất hay hót và là loài chim có giọng hót thanh tân nhất. Tôi vẫn thường hay nghe con họa mi nhà ông tôi cất tiếng hót trong veo bất kể thời gian, cứ khi thấy ai đó đi ngang qua là nó lại rướn cả người dạo lên một khúc nhạc véo von. Ông tôi bảo, nó muốn nhắc người ta nhớ đến nó. Ông không mê nuôi chim vì trong nhà chỉ có mỗi một con họa mi ấy. Nhưng khi nghe ông nhắc đến nó, người ta luôn cảm nhận được tình thương dành cho con mi nhiều đến nhường nào…

Tác phẩm Thiếu nữ và con họa mi đang hót. Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG

Bà tôi mất đã ngót tám năm, nghe bảo hồi trẻ ông thích nuôi chim lắm nhưng bà dị ứng cảnh chim lồng cá chậu nên chiều ý bà, ông không nuôi nữa. Khi bà mất ngay ngày hôm sau, không hiểu sao con mi này lại đậu ở tán bưởi trước sân nhà. Nó hót. Thả một tràng dài báo hiệu sự có mặt của mình rồi ở lại. Thấy vậy ông làm một chiếc lồng không cửa để nuôi nó. Lồng mở, nó có thể bay đi bất cứ lúc nào, nhưng con mi cứ lẩn quẩn ở bên ông, không ngừng gảy lên trong tim ông những tiếng véo von. Ông vẫn hay nói với tôi ông nghĩ con mi ấy mang linh hồn của bà, bà không nỡ để ông cô quạnh nên không siêu thoát mà quay về ở cạnh ông, sớm hôm khuya tối an ủi ông.

Nó ở cạnh ông tám năm rồi như bà luôn ở cạnh ông lúc sinh thời, nó dường như biết khi nào ông buồn để an ủi.

Khi ấy ông là một anh lính chiến còn bà là một cô giáo trường làng. Hai người phải lòng nhau và hứa hẹn sẽ cưới nhau khi đất nước hòa bình. Chỉ trao nhau một lời ước hẹn, không ai ngờ cuộc hẹn ấy kéo dài ngót hai mươi năm. Cũng không ai ngờ khói lửa chiến tranh chẳng vùi lấp nổi một lời ước hẹn ngỡ mong manh mà sâu nặng biển trời. Khi ông quay lại ngôi làng khi xưa từng hành quân qua, đồn trú một thời gian ngắn, nơi ông trao lời hẹn cho một cô gái nhỏ ông cũng không ngờ được người phụ nữ trước mặt ông đã trải qua nửa đời người vẫn là một cô giáo son sắt đợi chờ.

Ngày gặp lại ông và bà vẫn như lứa tuổi đôi mươi, cũng ngại ngùng vì thời gian xa nhau nhiều gấp bao nhiêu lần ở cạnh. Mà bà khi ấy cũng… chảnh lắm nhé, nhất quyết không chịu thừa nhận suốt từng ấy năm vẫn đợi ông nên không lấy chồng. Mỗi khi ông kể chuyện đó, con mi già phủ trên mình một lớp lông nâu tuyền lại rướn người trổ một tràng véo von lảnh lót, viền trắng xung quanh mắt khẽ rung rung cứ như đang hưởng ứng với câu chuyện. Ông kể rằng cuộc đời hai người là những chuỗi ngày biến cố, phải muộn lắm bà mới có thai rồi sinh ra mẹ tôi, vì tuổi đã cao nên khi mẹ tôi ra đời tưởng chừng bà không qua khỏi… Nhưng ông lại là độc đinh trong nhà, các cụ lại bắt ông lấy vợ khác để sinh cháu đích tôn, không muốn ông vướng bận vì hai mẹ con lại vì biết ông sẽ vì yêu bà mà gạt bỏ tất cả nên bà đã ôm con ra đi…

Mãi sau khi tôi đã lững chững lớp i tờ ông mới tìm được bà. Cả hai không khỏi đau lòng, mẹ tôi nhận ra ông phần vì bức hình khi bỏ đi bà luôn mang theo trong túi, phần vì linh cảm huyết thống. Bà tôi đau lòng khi biết ông vừa bước ra khỏi chiến tranh đã phải bước vào một cuộc chiến tranh khác trong chính lồng ngực mình. Ông hết lời khuyên can và chứng minh nhiều thứ, ông đau lòng đến thấm thía nỗi vất vả khi bà một mình nuôi con để ông hoàn thành hiếu tử. Nhưng ông có đóng được vai hiếu tử đâu. Ông không nghe lời các cụ, ông đi tìm người đã chờ đợi mình hơn hai mươi năm. 

Ngày bà còn sống ông làm đủ thứ nghề, đi biển, làm thợ xây, chạy xe ôm, xe ba gác. Những khi trở trời vết thương chiến tranh khiến ông đau nhức, bà khi bận rộn với công việc đi dạy, tối lại nhận chạy thêm đủ việc vặt trang trải bữa ăn trong gia đình. Vậy mà bà vẫn nhận ra những cơn đau của ông, bà bảo chỉ cần thấy ông không cười là bà biết. Thế thôi. Cứ thế bà lại lo cho ông từng chút một, hết quán xuyến việc trong nhà ngoài ngõ. Đến khi bà nghỉ hưu, tưởng như được chút thơi thả ngơi tay thì nhận ra ông đã bước qua tuổi thất thập. Ông hay hỏi bà có hối hận khi ở bên ông không, bà chỉ cười: Thời gian trước đợi ông là hạnh phúc của tui, khi về sống với nhau, thương ông là tất cả những gì sung sướng của tui. Nếu mất đi cái sự thương đó, tui có làm tui chi nữa đâu. Ông cười rung bần bật vì hạnh phúc nhưng nước mắt rơi ra trên đôi gò má nhăn nheo. Bà luôn muốn ông hiểu bà hạnh phúc khi ở cạnh ông, nên khi bà mất niềm hạnh phúc ấy cũng đi theo bà.

Ngôi nhà của ông luôn có tiếng chim véo von dù những năm tháng sau này chú mi già ấy bắt đầu bị thời gian đánh cắp đi tiếng hót. Những âm thanh của nó sau này không còn trong trẻo như năm đó nhưng ông cần nó, cốt là chính nó chứ không phải tiếng hót.

Ít năm sau ông tôi qua đời, cả nhà tôi bàn chuyện đem chú mi già về nuôi như những năm tháng ông yêu thương chăm bẵm nhưng khi lo xong mọi thứ quay lại đã thấy chiếc lồng trống không. Có lẽ con mi ấy cũng ra đi,  bay về nơi có ông…

email
email
Chia sẻ:
Images/bookmark/facebook_48.png Images/bookmark/yahoo.jpg Images/bookmark/twitter_48.png Images/bookmark/google_48.png
top
(0)
(*) Đề nghị bạn đọc sử dụng tiếng Việt có dấu và ghi rõ địa chỉ email để Tòa soạn liên hệ khi cần thiết. Tòa soạn cảm ơn và xin tiếp thu tất cả các ý kiến mang tính xây dựng của bạn đọc.
(*)
Các tin bài khác
Hoa tím sầu đâu  (14/3/2021)  
Quê xưa…  (7/3/2021)  
Biên độ mùa  (7/3/2021)  
Chiều bên mẹ  (7/3/2021)  
Uống rượu quán vô danh trên núi  (7/3/2021)  
Khổ qua…  (7/3/2021)  
Trò chuyện với cây xương rồng  (21/2/2021)  
Chị  (21/2/2021)  
Vẫn hoài mẹ ta  (21/2/2021)  
Một dấu nằm  (21/2/2021)  
BẦU CỬ ĐBQH KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021-2026
ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG
Kế hoạch khám sàng lọc và truyền thông nhân ngày thị giác thế giới tại Bình Định năm 2020
Liên hệ quảng cáo
bidiphar
Tuyển dụng công chức, viên chức
Đầu tư vào Bình Định
Công báo
Tuyển dụng FLC Quy Nhơn
 
Chính trị | Kinh tế | Xã hội | Thể thao | Pháp luật | Văn hóa - Nghệ thuật | Du lịch | Khoa học - Công nghệ | Trong nước | Thế giới | Đất nước - Con người
Góp ý - Liên hệ
Đặt Báo Bình Định làm trang chủ
Font Unicode
[ Back to top ]
Bản quyền thuộc về Báo Bình Định
Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 96/GP-BTTTT của Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 25.2.2016
Tổng biên tập: TRẦN THANH HẢI
Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP.Quy Nhơn
Điện thoại: 0256.3821867 - 3813573 - 3818664
E-mail:baobinhdinh1@gmail.com. Website:http://baobinhdinh.vn