Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định họp mặt với SV tỉnh nhà đang theo học tại Đại học Nông Lâm TPHCM:
Ấm áp và tin tưởng

Sáng 18-1-2003, ông Phạm Văn Thanh, Phó chủ tịch (PCT) UBND tỉnh Bình Định dẫn đầu đoàn cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh đã đến thăm và họp mặt với các sinh viên (SV) tỉnh nhà đang theo học tại Đại học Nông Lâm TPHCM. Trong những ngày giáp Tết, buổi họp mặt lần đầu tiên của lãnh đạo tỉnh với SV không phải ở quê nhà mà ở ngay nơi các SV đang học tập và sinh sống có thật nhiều ý nghĩa.

Theo đúng kế hoạch, buổi họp mặt sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ nhưng mới khoảng 8 giờ đã có trên 200 SV đến hội trường. 8 giờ 30 phút, một chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” làm nóng cho buổi họp mặt được khởi xướng. Ban đầu các bạn còn khá rụt rè nhưng khi người dẫn chương trình mách nhỏ “Mình nghĩ SV Bình Định không thua kém SV các tỉnh khác ở mặt nào, nhất là văn nghệ…” thì không khí thực sự sôi động. Nhiều bài hát về miền Trung, về Bình Định được các bạn hát say sưa, được cả hội trường tán thưởng nồng nhiệt.

Đúng 9 giờ, ông Phạm văn Thanh, PCT UBND tỉnh, cùng đoàn lãnh đạo, các thầy cô trường Đại học Nông Lâm, đặc biệt là những thầy cô có quê quán Bình Định tiến vào hội trường. Các bạn SV không ai bảo ai đồng loạt đứng dậy, ông PCT tỉnh đưa tay chào SV trong những tràng pháo tay rộn rã. Tham dự buổi họp mặt, về phía lãnh đạo tỉnh còn có ông Trần Minh Sang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định. Phía trường Đại học Nông Lâm có Tiến sĩ Hoàng Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng, cô Lê Thị Kim Hoàn - Phó trưởng Phòng đào tạo, Thạc sĩ Bùi Ngọc Hùng - Bí thư Đoàn trường, thầy Phạm Văn Bon - Trưởng phòng Công tác chính trị.

Mở đầu buổi họp mặt, Tiến sĩ Hoàng Thanh Hùng, đại diện trường Đại học Nông Lâm gửi lời chào mừng đến đoàn lãnh đạo UBND tỉnh và SV Bình Định. Tiến sĩ Hùng cũng gửi lời chúc mừng đến buổi họp mặt và báo cáo với đoàn lãnh đạo UBND tỉnh về những khó khăn, thuận lợi và tình hình học tập, điều kiện ăn ở của SV Bình Định đang theo học tại trường. Tiến sĩ cho biết đây là lần đầu tiên có một đoàn lãnh đạo UBND tỉnh đến thăm hỏi và gặp gỡ SV của tỉnh mình đang theo học tại trường và mong muốn buổi họp mặt này sẽ trở thành buổi họp mặt truyền thống hàng năm của UBND tỉnh Bình Định và SV tỉnh nhà.

Thay mặt UBND tỉnh Bình Định, ông Phạm Văn Thanh đã trao tặng lẵng hoa và quà của UBND tỉnh cho Tiến sĩ Hùng, thay mặt trường Đại học Nông lâm, và gửi lời cảm ơn đến Ban Giám hiệu trường Đại học Nông Lâm về buổi họp mặt này và về công lao của cán bộ, giảng viên của trường trong việc đào tạo đội ngũ trí thức trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp cho tỉnh. Ông Phạm Văn Thanh cũng báo cáo với Ban Giám hiệu trường Đại học Nông Lâm và SV về những khó khăn, thuận lợi và thành tựu kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Nhiều thành tựu trong việc phát triển nông, lâm, ngư nghiệp được SV tỉnh nhà quan tâm và dành những tràng pháo tay biểu dương không ngớt như: GDP tăng 7,7%, phát triển nông nghiệp tăng 6,6% - cao nhất từ trước đến nay, có ngành chế biến gỗ xuất khẩu đứng đầu cả nước, có nhà máy đường là một trong 4 nhà máy đường làm ăn có hiệu quả nhất nước. Mỗi năm tỉnh cũng sản xuất được hàng triệu con tôm giống và ngay cả đàn bò sữa cũng đang phát triển rất nhanh cả về số lượng và chất lượng… Với tình hình phát triển như hiện nay, ông Phạm Văn Thanh cho rằng “quê nhà đang là đất dụng võ” với những SV muốn đóng góp tri thức cho sự phát triển của tỉnh nhà. Tất nhiên tỉnh cũng sẽ có nhiều hỗ trợ để tạo đều kiện cho SV mới ra trường yên tâm về tỉnh làm việc. Trao đổi với SV, ông Phạm Văn Thanh cũng cho biết tỉnh và trường Đại học Nông Lâm đang trao đổi để nhà trường có thể cấp mặt bằng và tỉnh sẽ sớm đầu tư xây dựng KTX cho SV tỉnh nhà đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng tại TPHCM.

Tiếp đó, ông Phạm Văn Thanh đã trao 16 phần thưởng cho các SV của tỉnh đang theo học tại trường Đại học Nông Lâm. Đây là những SV đã có nhiều thành tích trong học tập, rèn luyện và các hoạt động phong trào, tiêu biểu cho những SV Bình Định chịu khó, học giỏi…

Không khí của buổi họp mặt thực sự trở nên ấm áp hơn khi ông Phạm Văn Thanh tâm sự: “Vào những ngày gần Tết, ở một nơi xa quê hương mà được gặp nhiều người đồng hương như thế này tôi vui lắm. Chúng ta là người trong một nhà…”. Cả hội trường lại đồng loạt rộ lên những tràng pháo tay hưởng ứng. Thế rồi hàng loạt những tâm sự về việc học, về cuộc sống của SV được chính các SV mạnh dạn nêu lên. Đặc biệt các câu hỏi chi tiết về tình hình phát triển kinh tế, nhất là các ngành nông, lâm, ngư nghiệp (liên quan đến ngành học của SV) được các bạn SV gởi lên tới tấp. Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đã trả lời từng câu hỏi của SV. Ông cho biết trong hướng phát triển kinh tế của tỉnh, phát triển nông lâm, ngư nghiệp được lãnh đạo tỉnh xem là một trong những trọng tâm chính. Hiện tỉnh đang có rất nhiều biện pháp đầu tư để phát triển các ngành này trong đó đặc biệt chú trọng đến yếu tố nhân lực. Các ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, quản lý đất đai, cơ khí nông lâm… đang có nhiều hứa hẹn phát triển và đang rất cần những cán bộ có đủ trình độ và năng lực…

Kết thúc buổi gặp mặt, cả hội trường cùng đồng loạt vỗ tay hát bài “Khúc ca Bình Định”, trong mắt mỗi người thể hiện sự trìu mến và hạnh phúc khi được trao đổi, trò chuyện, tâm sự với những người đồng hương, cùng chí hướng và niềm tin xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp. Sau khi lãnh đạo tỉnh, đại diện trường Đại học Nông Lâm cùng toàn thể SV đã chụp hình lưu niệm chung, nhiều SV còn nán lại thật lâu để trò chuyện, tâm sự trực tiếp với lãnh đạo tỉnh nhà, trong đó có cả những SV quê Bình Định đang theo học tại các trường Đại học khác tại TPHCM như Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM.
 

Minh Hồng
(Đặc phái viên Báo Bình Định tại TPHCM)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ"  (21/02/2003)
Những người mưu sinh trong đêm  (28/02/2003)
Chất thải rắn và nỗi bức xúc của môi trường đô thị   (28/02/2003)
Giỗ chạp ở quê  (28/02/2003)
Nghề trồng hoa cúc xuân  (28/02/2003)
Một cụ bà cứu 4 cháu nhỏ khỏi bị chết đuối  (28/02/2003)
Đào tạo lao động khu công nghiệp - Nhu cầu bức xúc  (28/02/2003)
Làm giàu ở tuổi cổ lai hy  (28/02/2003)
Khuyến học ở Bình Định: Nếp mới đã thành  (28/02/2003)
Cùng “chat” với tài năng trẻ Trương Quang Huy   (28/02/2003)
Đất lành, nhưng chim… chưa đậu?   (28/02/2003)
Báo động về tai nạn lao động   (21/02/2003)
Truyền hình cáp Quy Nhơn sẽ đem đến cho nhân dân những món ăn tinh thần bổ ích   (28/02/2003)
Nhiều bức xúc của cử tri đã được giải trình thỏa đáng   (28/02/2003)
Gặp lại Bình Định  (28/02/2003)