Trở về miền đất tuổi thơ

Mùa gặt

Xuân này, An Nhơn, Đạ Tẻh, một vùng quê kinh tế mới của Lâm Đồng, đã tròn hai mươi mốt tuổi, sức sống dâng đầy. Những người con của đất Bình Định đến đây mở đất và gắn bó. Giữa hương lúa, rừng xanh, mênh mông sông nước, miền ký ức tuổi thơ của tôi lại thấp thoáng hiện về…

Hồi đó tôi quên sao được những buổi tiễn đưa người dân An Nhơn quê tôi hừng hực khí thế đi xây dựng vùng kinh tế mới Lâm Đồng. Từ xã lên huyện, chính quyền tổ chức từng buổi lễ long trọng, bố trí phương tiện đưa đón chu đáo từng gia đình. Nụ cười chan hòa cả nỗi niềm lưu luyến, tiễn những người tiên phong xây dựng quê mới. Những vùng đất mới ở Lâm Đồng như An Nhơn, Đạ Tẻh ngày nay, trong tâm trí tôi bấy giờ chỉ góp nhặt trên vài trang địa lý học trò, cơ hồ biền biệt một nơi nào đó của rừng sâu, núi thẳm, ít dấu chân người. Cứ nghĩ mà thương nhớ quay quắt những người dân quê tôi.

Sau này mới hiểu ra những người dân quê tôi đi vào Lâm Đồng xây dựng kinh tế mới khi ấy là đi theo diện “có kế hoạch”. Nhà nước không có chủ trương ép buộc ai phải rời quê hương cả, chỉ có những hộ dân tình nguyện mới được “xét”. Được “xét” tập trung nhất là trong hai năm 1982 và 1983. Trong đám bạn “nối khố” của tôi cùng học lớp cuối cấp 3, có chàng trai tên Nguyễn Hữu Hiền cũng được “xét” trong đợt này. Khi biết được tin, cả lớp học ngỡ ngàng. Còn Hiền thì tự tin nói rằng, vùng đất mới là nơi lựa chọn lý tưởng nhất của Hiền để rèn luyện, thử thách với sức vóc tuổi mười tám. Như cánh chim tung trời, mỗi đứa bạn chúng tôi tha hồ bay về những khoảng trời mơ ước tươi xanh. Có ai ngờ đâu số phận cuộc đời lại bắt gặp một “duyên kỳ ngộ” hết sức đặc biệt: Tôi cũng được về Lâm Đồng công tác và gặp Hiền. Hiện nay thì Hiền đã là Phó Chủ tịch xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.

Cứ nhìn Hiền thành đạt hôm nay, lại nghĩ về một “thằng bạn” ngày xưa sau buổi học lại chân trần, đội mưa, đội nắng lam lũ trên những đôi gánh lúa, gánh phân oằn vai; có lúc lại bập bềnh trên sông chăn vịt, thả trâu để phụ giúp kinh tế cho gia đình thời còn kham khổ. Hai mươi năm đã vụt qua như trong thoáng hiện. Hiền kể: Ngày đầu đến đất lạ còn thưa thớt bóng người. Đất mênh mông um tùm lau sậy. Mỗi hộ gia đình dựng lên một căn nhà vách nứa, lồ ô, mái lợp cỏ tranh. Đêm, tiếng gió rít từ rừng thâm u dội về, tiếng con sông Đồng Nai rào rào tuôn chảy từ suối nguồn và tiếng thú hoang gọi bầy, nghe sao mà não nuột nỗi nhớ quê xa. Nhưng bằng nghị lực và bản tính kiên trì chế ngự thiên nhiên đã giúp cho người dân An Nhơn vượt qua những chặng đường nhọc nhằn, gian khó. Bây giờ thì điện, đường, trường, trạm đã đến trung tâm xã. Nhà xây mái ngói mọc lên san sát. Cả xã đã hình thành nên một vùng nông nghiệp rộng lớn với hơn 1.700 ha. Đến cuối năm 2002, tổng sản lượng quy thóc của xã đạt gần 6.000 tấn, tăng hơn khoảng 400 kg/người/năm so với năm 1996 (Hiện toàn xã có 806 hộ với gần 4.000 nhân khẩu; dự báo đến năm 2005, bình quân lương thực đầu người của xã đạt 1600kg). Các công trình thủy lợi lớn như đập thủy lợi Đạ Hàm, Đạ Tẻh được Nhà nước quan tâm đầu tư lớn hàng năm, đảm bảo năng lực tưới tiêu trên toàn vùng. Giao thông trên địa bàn liên thôn, liên xóm trong xã đã xóa bỏ vĩnh viễn tình trạng ngăn sông cách núi. Hàng tỷ đồng Nhà nước đã đầu tư trên lĩnh vực này trong nhiều năm qua, đã tạo thêm một vùng nông thôn mới của An Nhơn sáng đẹp hơn, văn minh hơn…

“Mái nhà” An Nhơn có 6 dân tộc anh em cùng chung lưng đấu cật xây dựng quê hương. Sát cánh với người dân tộc thiểu số bản địa Châu Mạ là người An Nhơn cùng với người Tày, Nùng, Mường, Dao nhập cư về từ giữa những năm ’90 của thế kỷ trước. Trong sắc thái văn hóa đa dân tộc đặc trưng của An Nhơn, Đạ Tẻh, có cả những hồn quê sâu lắng của người dân An Nhơn, Bình Định.

Khi xuân về, tết đến, mỗi người đều có một quê hương rạo rực nỗi nhớ, niềm thương. Riêng tôi có một An Nhơn ở Bình Định, nơi chôn nhau cắt rốn và bầu sữa mẹ chắt chiu nuôi nấng tôi nên dáng, nên hình. Sống ở Lâm Đồng mười sáu năm, cũng có một An Nhơn của huyện Đạ Tẻh với những điều kỳ diệu diễn ra từng giờ, tôi luôn tìm thấy cả hồi ức một quãng đời thơ ấu ngọt ngào quanh năm đầy nắng gió ở quê xa.
 

Văn Việt
(Báo Lâm Đồng)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>