Đời gánh
16:44', 1/10/ 2003 (GMT+7)

Bữa cơm đạm bạc sau một ngày gồng gánh

Bẵng đi một thời gian, trở lại Cảng cá Quy Nhơn lần này, trước mắt chúng tôi đã là cảnh tượng khác. Cầu cảng mới, rồi tường rào, cổng ngõ... tất cả mang một diện mạo mới. Tuy vậy, với những người đàn bà gánh cá thuê thì những vất vả vẫn chưa cất khỏi đôi vai họ…  

* Nặng nhọc đời gánh

Vẫn phải len người qua con hẻm nhỏ, ngập ngụa bùn nước của chợ khu Một, xộc vào mũi, vẫn một mùi tanh của cá, nước đen ngòm, tôi lại tìm đến với những người đàn bà gánh cá thuê vào lúc giữa trưa. Vào thời điểm này, lúc trước những người đàn bà gánh cá thuê thường tụm lại nghỉ ngơi sau một buổi làm việc mệt nhoài. Vậy mà nay, chỉ có hai người phụ nữ đang mải miết vo vội nồi cơm trưa. Hỏi ra mới biết, những người khác đã tranh thủ khi ngơi việc gánh cá đi làm cá cho những chủ vựa xung quanh. Một chị phân trần: "Hai năm nay, công việc ít quá, người làm lại nhiều, nên thu nhập thấp hẳn. Chúng tôi lại tranh thủ làm thêm chứ không thì cuối tháng, chẳng tích cóp được mấy đồng".

Hóa ra, từ ngày Cảng cá Quy Nhơn được xây dựng, những chiếc cộ (xe đẩy chở hàng) được chủ hàng đặt chở cá hàng ngày nên những chiếc gióng tre đâm ra thất nghiệp, số người làm nghề này vơi dần. Chị Trần Thị Châu, người xã Cát Thắng (Phù Cát) cho biết: "Nếu trước đây, có lúc, ở cả Cảng cá và khu vực chợ, có gần trăm người làm nghề gánh cá thuê thì nay chỉ còn đâu chừng dăm, sáu chục, vậy mà cũng đã vất vả để kiếm ra việc. Mỗi ngày, tụi tui chỉ gánh khoảng hai chục gánh, gánh nhiều được 1.000 đồng/gánh, gánh ít thì chỉ 500 đồng/gánh. Tính ra, mỗi ngày cũng chỉ kiếm được hai, ba chục ngàn đồng. Sau khi ăn uống, chủ yếu bằng tự nấu nướng, chúng tôi còn gom góp, tháng đem về chừng năm, sáu trăm ngàn đồng. Đó đã là tiết kiệm hết mức". "Tại sao các chị không mua những chiếc cộ để nhận đẩy thuê?"- tôi hỏi. Chị Châu cho biết: "Những người mua cộ là người ta đã có mối sẵn, làm thường xuyên. Còn tụi tui, lâu lâu, xộc ra một vài tháng, rồi lại về, nên ai dám đặt chở hàng ngày".

Trừ những người gánh cá thuê là dân phường Hải Cảng, các địa phương lân cận đi - về trong ngày, và những người ở nhờ nhà người quen, còn lại khoảng trên dưới chục người gánh cá thuê quây cuối con hẻm nhỏ, nơi góc chợ khu Một này, lấy đó vừa làm nơi sinh hoạt, vừa là nơi ngủ nghỉ hàng ngày. Vật dụng của họ rất đơn giản. Gạo được đựng trong những chiếc can nhựa vì sợ… chuột, ba hòn gạch kê lên làm bếp, chiếc xoong treo lủng lẳng trên vách tường, những vật dụng sinh hoạt cá nhân, quần áo đùm túm một góc hiên, nước tắm giặt xách từ giếng trong xóm, nước nấu thì ngày ngày đi xin hai gàu của nhà chị Hương làm nước đá gần đó. Đêm đêm, lấy mái hiên làm nhà.

Chị Trần Thị Kim Nhung, người xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tâm sự: "Ăn hết nhiều, chứ ngủ bao nhiêu. Với lại tụi tui cũng chỉ ngủ nửa giấc, còn thì đi làm thì thuê trọ làm gì". Từ hai năm nay, khi nhà chị Hương dựng lên mái hiên để chứa mấy chiếc tủ đá, mấy chị em có chỗ giăng được chiếc màn mà ngủ. Và mái hiên này đã như một mái nhà của họ, một nơi chốn để họ đi - về.

Mỗi ngày, công việc của họ bắt đầu từ khi trời hãy còn tối mịt. Cỡ 1-2 giờ sáng, khi những chuyến xe cá ầm ì ngoài góc chợ, khi những mạn thuyền cập cảng, ấy là lúc công việc của họ bắt đầu. Những bờ vai vênh theo chiếc đòn gánh và đôi gióng nặng trĩu. Bấu lấy mặt đất, mặc những giọt mồ hôi túa ra trên khuôn mặt, họ lầm lũi bước thoăn thoăn, cất vội những gánh cá đã được ngã giá qua cuộc bán mua của chủ hàng. Hết gánh nọ đến gánh kia, công việc cứ thế tiếp diễn cho đến trời sáng. 

* Và những mảnh đời

Vừa ngồi nhặt vội mớ rau mua rẻ tàn buổi chợ trưa, chị Nhung vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời chị. Chồng mất từ cách đây hơn hai chục năm, mình chị lầm lũi nuôi hai đứa con nhỏ và mẹ già. Chị Nhung kể "Nhà chỉ có ba sào ruộng, nếu chỉ bám lấy nghề nông, biết lấy gì để đút vào mồm. Vậy là tui để hai đứa con lại nhà cho bà ngoại, vào Quy Nhơn kiếm việc, rồi lần hồi xuống tới Cảng cá này, làm nghề gánh tính ra đến nay đã trên hai chục năm".

Rồi chị nhớ lại: "Hồi tui mới xuống, người làm thì đông thật đấy, nhưng được cái hồi đó cá tôm nhiều, nên tụi tui cũng kiếm được cái ăn, lại dành dụm chút ít. Nay hai đứa con, dựng vợ gả chồng xong xuôi, có cháu rồi, tui vẫn không bỏ được nghề. Chẳng phải tôi thích chi cái nghề cực như vầy, cái chính là muốn có đồng tiền, đỡ con được đồng nào hay đồng ấy, rồi lại tính đến ngày già cả, không làm chi được. Chứ cậu tính, tuổi như tui, ở nhà quê kiếm đâu ra ngày hai, ba chục ngàn bạc?". 

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hưng Trị, xã Cát Thắng, lại có một hoàn cảnh khác. Chị tâm sự: "Gia đình tôi tới bảy người, trong đó, có 4 đứa con, lại chỉ có bốn sào ruộng, không kiếm nghề khác, lấy chi ăn. Vậy là theo người quen, tui xuống đây. Đến nay, cũng đã tròm trèm 4 năm rồi". Chị Hương kể rằng ngày có mang đứa con út, sắp đến ngày sinh, chị vẫn đi làm. "Tui nghĩ, kiếm thêm được ít tiền bù cho mấy tháng phải nằm không ở nhà. Đến ngày gần sinh, tui mới nghỉ làm. Vậy mà may, mẹ tròn con vuông cả". Đứa nhỏ tròn năm, chị đã xuống Cảng cá đi gánh lại. Chị tâm sự: "Những ngày đó, ngày đi làm vất vả thì thôi, chớ đêm nhớ con buồn thúi ruột". Nay thì chỉ nửa tháng, chị lại theo xe về một lần, dù quê chị mãi Cát Thắng. Chị cho biết: "Mỗi nửa tháng tui lại gom đâu được chừng hai, ba trăm chi đó, gọi là kiếm tiền chợ, đỡ cho sắp nhỏ ở nhà mà chú".

* Thay lời kết

Trước khi dừng câu chuyện với tôi để lại bắt đầu một buổi chiều tất bật, chị Nhung nói: "Kể ra tui cũng vào loại lâu năm trong nghề này, chứng kiến không biết bao nhiêu lớp người gánh cá thuê. Người cực quá, không chịu xiết, về quê, người làm mướn nghề khác, lại có người ở quê lên bổ sung. Chỉ còn tui trụ lại, mà thấy ngày càng khó quá". Riêng tôi, tôi mong họ sẽ được tạo điều kiện, được tổ chức lại thành một bộ phận phục vụ cho cảng cá.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tuổi cao chí càng cao   (30/09/2003)
Hội viên trẻ nghĩ về Hội của mình   (29/09/2003)
Sẽ có trường Đại học Quy Nhơn đào tạo đa ngành   (29/09/2003)
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh: Nỗ lực vượt khó vươn lên   (28/09/2003)
Trường chuyên Lê Quý Đôn: Vườn ươm của những tài năng   (26/09/2003)
Sức sống của "thời trang sida"   (26/09/2003)
Những khát vọng vượt qua số phận   (25/09/2003)
Vẫn cần sự "tiếp sức" của Nhà nước   (24/09/2003)
Ghi nhận qua Hội thi Giảng viên lý luận chính trị   (23/09/2003)
Những người lang thang hồi hương sống ra sao?   (22/09/2003)
Làm gì để quản lý tốt dịch vụ Internet công cộng?   (21/09/2003)
Nông dân sắm nhiều xe máy: Niềm vui và nỗi lo   (19/09/2003)
"Du lịch Bình Định - Tiềm năng và triển vọng đầu tư": Một ấn phẩm có nhiều sai sót   (18/09/2003)
Trên đường vươn tới đỉnh Olympia  (17/09/2003)
Công tác xây dựng Đảng ở Trường THPT Nguyễn Huệ   (16/09/2003)