Một cách "hút" hội viên của Hội phụ nữ xã An Vinh
15:40', 3/10/ 2003 (GMT+7)

Dệt thổ cẩm, một việc làm thu hút nhiều phụ nữ vùng cao tham gia

An Vinh là một xã vùng cao, xa xôi của huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định. Đây là địa bàn sinh sống của hơn 300 hộ dân người dân tộc Hơre. Đi từ trung tâm huyện lỵ An Lão đến trung tâm xã An Vinh là 30 km đường đèo dốc, rồi từ trung tâm xã đến thôn xa nhất của xã lại mất hơn một ngày đi bộ, trong khi phương tiện đi lại duy nhất chỉ là đôi chân của con người. Vậy mà chưa hết, ở cùng trong một thôn mà muốn đi từ làng này đến làng kia cũng khó khăn bởi sự ngăn cách của những con sông, con suối.

Trong điều kiện sống và sinh hoạt của phụ nữ vùng cao như vậy, làm thế nào tập hợp được phụ nữ vào tổ chức hội và tổ chức sinh hoạt hội để phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những chương trình công tác của Hội cho chị em? Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã An Vinh hết sức băn khoăn, trăn trở.

An Vinh có 7 thôn thì 7 thôn đều có chi hội phụ nữ với 274 hội viên. Hội viên ít lại sống rải rác, nếu cứ sinh hoạt theo chi hội thì rất khó tập trung được chị em. Ban chấp hành phụ nữ xã đã đi đến thống nhất chia mỗi chi hội ra thành từng nhóm nhỏ. Đầu tiên, các chị thực hiện thí điểm tại chi hội thôn 2. Đây là thôn có số lượng hội viên đông nhất xã với 53 chị. Các chị được chia làm 6 nhóm, nhóm nhiều nhất là 10 chị, nhóm ít nhất là 7 chị. Mỗi nhóm đều có nhóm trưởng, nhóm phó do các chị trong nhóm bầu ra. Trong thời gian ngắn, hiệu quả của việc phân nhóm đã được thực tế chứng minh là đúng. 53 hội viên của thôn đều được tham gia sinh hoạt một cách thuận lợi, không một chị nào bỏ sinh hoạt. Nhờ sinh hoạt nhóm, mỗi khi có hội viên nào gặp khó khăn, đau ốm là cả nhóm kịp thời hỗ trợ. Tâm tư nguyện vọng của chị em được phản ảnh thông qua chị nhóm trưởng đến với hội nhanh và sát nhất. Mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hay nhiệm vụ công tác hội được thông tin trực tiếp đến từng hội viên. Điều đáng nói là qua đó, từng nhóm lại nỗ lực thi đua với nhau nên phong trào Hội ở đây phát triển khá mạnh mẽ.

Năm 2000, Ban chấp hành phụ nữ xã đã quyết định nhân rộng mô hình phân nhóm trong toàn xã. Thế là 7 thôn được chia làm 29 nhóm. Định kỳ, từ ngày 12 đến 15 hàng tháng các nhóm tổ chức sinh hoạt. Ngoài ra, nếu có công việc đột xuất, các nhóm dễ dàng tập trung chị em lại để triển khai kịp thời. Nhờ phân nhóm, chi hội dễ dàng điều hành công việc thông qua các chị nhóm trưởng. Vì vậy mọi nhiệm vụ công tác Hội đều được tiến hành nhanh chóng, các phong trào do Hội tổ chức đều được chị em hăng hái tham gia. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động cũng cao hơn. Mặc dù điều kiện sống ở một xã miền núi còn nhiều khó khăn, phụ nữ xã An Vinh vẫn phát triển mạnh được phong trào xây dựng quỹ hội. Qua đó, chị em đã tham gia nộp hội phí rất đầy đủ và đều đặn. 29 nhóm đều lập được quỹ hội bằng cách huy động chị em trồng mì, chuối hay lao động lấy ngày công cho các công trường đang thi công tại xã để lấy tiền lập quỹ… Hiện nay, quỹ của mỗi chi hội bình quân có 1,6 triệu đồng/ năm, quỹ của mỗi nhóm có 900 ngàn đồng/năm, cá biệt có chi hội 2 xây dựng quỹ được 3 triệu đồng/năm.

Xây dựng được quỹ hội, các chi hội và nhóm có điều kiện giúp đỡ kịp thời những chị gặp khó khăn, đau ốm và tổ chức được các hoạt động khác như sinh hoạt câu lạc bộ, hái hoa dân chủ… từ đó, chị em ngày càng gắn bó với Hội hơn. Năm 2002, 100% số hội viên (274/274) trong xã đã đăng ký thực hiện các nội dung phong trào thi đua yêu nước "phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc." Cuối năm, Hội bình xét có 194 chị đạt xuất sắc. Phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình được chị em hội viên hưởng ứng mạnh mẽ. Điển hình có chị Đinh Thị Đương đã giúp cho hàng chục chị em trong xã với số tiền gần 20 triệu đồng, 9 con bò giống, 16 con heo, 35 con gà… Ban chấp hành phụ nữ xã cũng đã vận động chị em có điều kiện đóng góp 2 triệu đồng để thành lập quỹ cho chị em nghèo mượn không lấy lãi trong vòng 1 năm, sau đó trả lại vốn để chị em khác mượn. Năm 2003, Hội kết hợp với cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa ở địa phương, đưa tiêu chí của cuộc vận động này vào việc xét hội viên đạt 4 tiêu chuẩn "no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc". Hiện đã có 100% hội viên đăng ký thực hiện cuộc vận động này.

Với những kết quả trên, Hội phụ nữ xã An Vinh đã 6 năm liền được Hội LHPN tỉnh công nhận là đơn vị thi đua xuất sắc, được UBND tỉnh và Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen. Mới đây, Hội còn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích hoạt động hội xuất sắc trong năm 2002.

. Minh Ngọc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hội Khuyến học Phù Mỹ với những cách làm mới   (02/10/2003)
Đời gánh   (01/10/2003)
Tuổi cao chí càng cao   (30/09/2003)
Hội viên trẻ nghĩ về Hội của mình   (29/09/2003)
Sẽ có trường Đại học Quy Nhơn đào tạo đa ngành   (29/09/2003)
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh: Nỗ lực vượt khó vươn lên   (28/09/2003)
Trường chuyên Lê Quý Đôn: Vườn ươm của những tài năng   (26/09/2003)
Sức sống của "thời trang sida"   (26/09/2003)
Những khát vọng vượt qua số phận   (25/09/2003)
Vẫn cần sự "tiếp sức" của Nhà nước   (24/09/2003)
Ghi nhận qua Hội thi Giảng viên lý luận chính trị   (23/09/2003)
Những người lang thang hồi hương sống ra sao?   (22/09/2003)
Làm gì để quản lý tốt dịch vụ Internet công cộng?   (21/09/2003)
Nông dân sắm nhiều xe máy: Niềm vui và nỗi lo   (19/09/2003)
"Du lịch Bình Định - Tiềm năng và triển vọng đầu tư": Một ấn phẩm có nhiều sai sót   (18/09/2003)