Vì sao mô hình "Trung tâm học tập cộng đồng" ở Bình Định chậm triển khai thực hiện?
16:23', 5/10/ 2003 (GMT+7)

Thực hiện chủ trương của Trung ương, thời gian qua mô hình xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) được nhiều tỉnh, thành trong cả nước triển khai thực hiện. Theo thống kê của ngành chức năng, toàn quốc hiện có trên 1.500 TTHTCĐ đã ra đời và đang hoạt động. Vậy mà cho đến nay tỉnh Bình Định vẫn chưa thành lập được một TTHTCĐ nào (?). Điều đáng buồn là trong số 15 tỉnh chưa thành lập được TTHTCĐ (đa số là các tỉnh miền núi) lại có tỉnh Bình Định (!). Vì sao?

* Chủ trương đúng, đề án hay

Thực hiện chủ trương và hướng dẫn của Trung ương cũng như Bộ GD-ĐT và Trung ương Hội Khuyến học (HKH) Việt Nam, ngành GD-ĐT Bình Định và HKH tỉnh đã sớm lập kế hoạch và xây dựng Đề án "Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, hình thành và phát triển TTHTCĐ xã, phường, thị trấn". Ngày 19-9-2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 08/CT-TU về "Phát huy sức mạnh toàn dân xây dựng xã hội học tập từ cơ sở". Chỉ thị gồm 4 nội dung, trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, Thủ trưởng các cơ quan sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện. Ngày 31-12-2002, UBND tỉnh có Thông báo đồng ý chủ trương xây dựng TTHTCĐ xã, phường. Qua Thông báo, UBND tỉnh cũng yêu cầu HKH tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm mô hình TTHTCĐ ở 2 xã, phường thuộc những địa bàn có điều kiện ở TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước, trình UBND tỉnh xét duyệt. Ngày 7-5-2003, HKH Bình Định đã trình UBND tỉnh kế hoạch triển khai thí điểm mô hình TTHTCĐ, trong đó nêu cụ thể đơn vị được chọn thí điểm thực hiện xây dựng TTHTCĐ là xã Phước Sơn (Tuy Phước) và phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn). Ngay sau đó, là hàng loạt những chỉ thị, thông báo của UBND, Sở GD-ĐT, HKH tỉnh về việc làm sao phải thực hiện thành công việc xây dựng thí điểm 2 TTHTCĐ đã được chọn.

* … nhưng thực hiện dở!

Chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc xây dựng TTHTCĐ là một chủ trương đúng đắn và cấp thiết. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã quan tâm triển khai thực hiện xây dựng mô hình TTHTCĐ. Theo đánh giá của Trung ương HKH Việt Nam, toàn quốc hiện có trên 1.500 TTHTCĐ được xây dựng và đang hoạt động có hiệu quả. Trong đó có nhiều tỉnh, thành đã phát triển được TTHTCĐ khá như: Hà Nội (66), Bắc Ninh (48), Bắc Giang (86), Hà Nam (94), Nam Định (60), Phú Thọ (80), Thái Bình (285), Thanh Hóa (104)… Hoặc chỉ tính riêng khu vực miền Trung cũng có nhiều tỉnh, thành phát triển mạnh mô hình TTHTCĐ. Tiêu biểu trong số này là các tỉnh, thành: Hà Tĩnh (55), Quảng Bình (157), Quảng Trị (27), Thừa Thiên - Huế (36), Đà Nẵng (21), Khánh Hòa (10)…

Cũng theo thống kê của Trung ương HKH Việt Nam thì cả nước hiện chỉ còn khoảng 15 tỉnh (trong đó đa phần là những tỉnh miền núi) chưa thành lập được TTHTCĐ, trong đó có Bình Định. Đáng buồn hơn là đã 1 năm trôi qua mà tỉnh Bình Định vẫn chưa xây dựng được một TTHTCĐ nào. Trong suốt gần 1 năm qua, mô hình TTHTCĐ ở Bình Định mới chỉ được triển khai trên… giấy. Nghĩa là mới chỉ dừng lại ở các văn bản, quyết định, đề án… Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra đời từ tháng 9-2002 nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được Ban Chỉ đạo để có thể triển khai thực hiện (?). Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành đã thành lập hẳn Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng mô hình TTHTCĐ do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: nguyên nhân sâu xa của sự chậm trễ triển khai thực hiện việc xây dựng TTHTCĐ ở Bình Định là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Trong đó, đáng tiếc nhất là trường hợp của TP. Quy Nhơn. Mãi đến gần đây, nhờ sự "đốc thúc" của Sở GD-ĐT và HKH tỉnh, xã Phước Sơn (Tuy Phước) mới xây dựng xong Đề án xây dựng TTHTCĐ, trình UBND huyện xét duyệt. Riêng phường Nhơn Phú (TP. Quy Nhơn) thì đến nay vẫn gần như "án binh bất động". Lý do mà việc triển khai xây dựng mô hình TTHTCĐ ở phường Nhơn Phú chậm triển khai là do… chưa có hướng dẫn của Phòng GD-ĐT thành phố Quy Nhơn. Hỏi phòng GD-ĐT thành phố thì được biết Phòng GD-ĐT thành phố đang… chờ "chỉ đạo" của Thành ủy, UBND thành phố.

* Lời giải nào cho bài toán xây dựng TTHTCĐ ở Bình Định?

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã rất quan tâm đến việc thực hiện chủ trương xây dựng TTHTCĐ. Trong số trên 1.500 TTHTCĐ của cả nước hiện có đều do cấp ủy, chính quyền trực tiếp thành lập và chỉ đạo. Nhiều tỉnh, thành đưa vấn đề xây dựng TTHTCĐ thành Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, hoặc có Chỉ thị phát triển TTHTCĐ của UBND tỉnh. Tiêu biểu trong số này là các tỉnh, thành: Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình… Chẳng hạn như tỉnh Vĩnh Phúc, hưởng ứng lời kêu gọi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự HKH Việt Nam, tỉnh này đã quyết tâm thực hiện việc xây dựng TTHTCĐ trong thời gian 56 ngày theo tinh thần "Khí thế Điện Biên Phủ". Đến ngày thứ 55 thì Vĩnh Phúc hoàn thành chỉ tiêu 100% xã, phường có TTHTCĐ và họ tiến hành mở Hội nghị tổng kết, bàn biện pháp duy trì, phát triển, nhân rộng mô hình.

Ông Nguyễn Trác, Chủ tịch HKH tỉnh Bình Định, cho biết, vừa qua, các ban Đảng của Tỉnh ủy phối hợp với Sở GD-ĐT và HKH tỉnh tiến hành kiểm tra một số huyện, thành phố về việc thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng thấy rằng Chỉ thị 08 chưa được cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương quan tâm. Ông Trác tỏ ra bức xúc: "Thấy các tỉnh bạn trong cả nước phát triển, chúng tôi cảm thấy xấu hổ. Chúng tôi nghĩ, phải chăng do vai trò tham mưu bất lực, hay là tại lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức?". Qua tiếp xúc, trao đổi với một số cán bộ, chuyên viên của ngành GD-ĐT và HKH tỉnh, thành phố, chúng tôi được biết đa số đều thống nhất cho rằng: muốn triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì không thể giao "chung chung" cho các ngành, đoàn thể, mà cần phải học tập kinh nghiệm của các tỉnh bạn; cần phải thành lập một Ban Chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể và có sự hỗ trợ, đầu tư, hỗ trợ kinh phí.

Được biết, ngày 30-9 vừa qua, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với HKH tỉnh về vấn đề triển khai xây dựng TTHTCĐ xã, phường. Theo đó, UBND tỉnh đã nhất trí: Việc xây dựng TTHTCĐ xã, phường là cần thiết; địa phương nào có điều kiện thành lập TTHTCĐ thì đăng ký lên huyện, tỉnh để tỉnh có cơ sở cân đối ngân sách hỗ trợ ban đầu.

Hy vọng rằng từ tín hiệu vui này "bài toán" xây dựng mô hình TTHTCĐ xã, phường ở Bình Định sẽ sớm có lời giải và mô hình này sẽ từng bước được nhân rộng.

. Viết Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện cộng đồng người Bình Định ở Long Khánh   (05/10/2003)
Một cách "hút" hội viên của Hội phụ nữ xã An Vinh   (03/10/2003)
Hội Khuyến học Phù Mỹ với những cách làm mới   (02/10/2003)
Đời gánh   (01/10/2003)
Tuổi cao chí càng cao   (30/09/2003)
Hội viên trẻ nghĩ về Hội của mình   (29/09/2003)
Sẽ có trường Đại học Quy Nhơn đào tạo đa ngành   (29/09/2003)
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh: Nỗ lực vượt khó vươn lên   (28/09/2003)
Trường chuyên Lê Quý Đôn: Vườn ươm của những tài năng   (26/09/2003)
Sức sống của "thời trang sida"   (26/09/2003)
Những khát vọng vượt qua số phận   (25/09/2003)
Vẫn cần sự "tiếp sức" của Nhà nước   (24/09/2003)
Ghi nhận qua Hội thi Giảng viên lý luận chính trị   (23/09/2003)
Những người lang thang hồi hương sống ra sao?   (22/09/2003)
Làm gì để quản lý tốt dịch vụ Internet công cộng?   (21/09/2003)