"Một cửa": Người dân sẽ thuận lợi hơn
16:32', 6/10/ 2003 (GMT+7)

Bộ phận công chứng, chứng thực tại Phòng tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ của UBND TP Quy Nhơn. (ảnh: V.T)

Từ ngày 11-8, cơ chế "một cửa" chính thức được triển khai thí điểm tại TP Quy Nhơn. Sau hơn một tháng thực hiện, cơ chế này đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân. Sau TP Quy Nhơn, từ ngày 15-10, cơ chế này tiếp tục được triển khai ở ba huyện: An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước.

* Lề lối làm việc đã được cải tiến

Triển khai cơ chế này, UBND thành phố đã thành lập tổ tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ gồm 6 người lấy từ các phòng chức năng và Văn phòng UBND thành phố và bộ phận công chứng - chứng thực gồm 3 người ở Phòng Tư pháp thành phố. Các khoản thu tiền phí - lệ phí của từng loại hồ sơ, từng loại chứng thực đã được niêm yết công khai trước phòng tiếp nhận rất thuận tiện cho người dân. Vấn đề này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn vì trên thực tế, đây là một trong những khâu làm mất nhiều thời gian nhất. Nhưng khi có cơ chế "một cửa", các thủ tục không chỉ được công khai hóa mà người dân nếu có nhu cầu, sẽ được các thành viên trong tổ hướng dẫn cách hình thành một hồ sơ. Các hồ sơ được thu nhận đều qua kiểm tra và hướng dẫn cụ thể nếu hồ sơ có sai sót. Đồng thời, thời gian trả kết quả được ghi rõ trong phiếu tiếp nhận hồ sơ. Việc công chứng - chứng thực đã được tập trung một đầu mối, rất nhanh, gọn, từ khâu kiểm tra đến việc chứng thực, thu phí, lệ phí, đóng dấu, tạo thuận lợi cho người dân.

Ngay tháng đầu tiên thực hiện, UBND thành phố đã tiếp nhận 190 hồ sơ hành chính trên các lĩnh vực đất đai, đô thị và đăng ký kinh doanh. Trung bình một ngày, phòng tiếp nhận và giao trả hồ sơ tiếp nhận khoảng 8 hồ sơ hành chính các loại. Kết quả, đã có 100 hồ sơ được hoàn trả kết quả giải quyết cho công dân. Nhìn chung, thời gian thực hiện các thủ tục đều nhanh hơn nếu với cách làm việc cũ. Chẳng hạn, với giấy phép đăng ký kinh doanh 7 ngày, giấy phép xây dựng 20-25 ngày, các thủ tục về đất đai 20-30 ngày. Theo ông Phan Thanh Đạm, tổ trưởng tổ tiếp nhận và trả kết quả (Văn phòng UBND TP Quy Nhơn): "Hiện chưa có hồ sơ nào hoàn trả vượt quá thời gian ghi trong phiếu hẹn". Ngoài ra, cũng trong thời gian này, bộ phận công chứng, chứng thực đã thực hiện cho 1.010 lượt công dân.

* Vẫn ở giai đoạn đầu

Qua thực tế triển khai tại UBND TP Quy Nhơn, cho thấy cơ chế "một cửa" đã tạo thuận lợi hơn với người dân, được nhân dân đồng tình, tin tưởng.

Bước đầu thực hiện cơ chế "một cửa" cũng cho thấy với biên chế hành chính ở các phòng cấp huyện, thành phố hiện ít người, nên việc bố trí cán bộ tại tổ tiếp nhận và trả kết quả trong tương lai sẽ dẫn đến thiếu người làm việc tại các phòng này.

Bên cạnh đó, cơ chế "một cửa" như hiện nay vẫn dừng ở giai đoạn cán bộ công chức tiếp nhận hồ sơ cho đầy đủ, viết biên nhận, phiếu hẹn ngày trả lời, nghiên cứu, đề xuất, và "kính chuyển". Còn việc sau đó, ai ký lại là chuyện khác. Việc triển khai cơ chế này ở mức độ cao hơn, đòi hỏi thẩm quyền và năng lực của cán bộ công chức cũng phải cao hơn, đủ khả năng xử lý trực tiếp công việc. Muốn vậy, mỗi cán bộ công chức phải tự nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn. Hơn nữa, theo Quy chế thực hiện cơ chế một cửa tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành vào đầu tháng 9: Nếu trong quá trình giải quyết mà phát sinh vấn đề khiến cho phải thay đổi thời hạn trả lời người dân thì phải liên hệ lại với người dân. Điều này lại đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức hiện nay phải năng động hơn.

* Mở rộng thí điểm

Sau TP Quy Nhơn, từ ngày 15-10, cơ chế "một cửa" sẽ tiếp tục được triển khai tại ba huyện An Nhơn, Tuy Phước và Hoài Nhơn. Hiện nay, các huyện này đang tích cực chuẩn bị đề án thực hiện, trình UBND tỉnh phê duyệt. Các huyện, sẽ được trang bị một số trang thiết bị cơ sở vật chất và tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ để thực hiện việc triển khai cơ chế này. Như vậy, từ ngày 15-10, sẽ có 4 huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện cơ chế "một cửa". Đây chính là một bước tiến tới thực hiện cơ chế "một cửa" tại các cơ quan hành chính cấp huyện từ 1-1-2004 cũng như triển khai cơ chế này đến cấp xã từ 1-1-2005 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Dù vậy, việc triển khai ở cấp huyện và đặc biệt là cấp xã, cũng sẽ gặp nhiều khó khăn mà trước hết vẫn là vấn đề nhân lực. Với đội ngũ cán bộ xã hiện nay, mà trong đó, không ít cán bộ cấp xã chưa đảm bảo tiêu chuẩn, việc triển khai cơ chế "một cửa" mà không gắn với việc đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ sẽ rất khó thực hiện.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vì sao mô hình "Trung tâm học tập cộng đồng" ở Bình Định chậm triển khai thực hiện?   (05/10/2003)
Chuyện cộng đồng người Bình Định ở Long Khánh   (05/10/2003)
Một cách "hút" hội viên của Hội phụ nữ xã An Vinh   (03/10/2003)
Hội Khuyến học Phù Mỹ với những cách làm mới   (02/10/2003)
Đời gánh   (01/10/2003)
Tuổi cao chí càng cao   (30/09/2003)
Hội viên trẻ nghĩ về Hội của mình   (29/09/2003)
Sẽ có trường Đại học Quy Nhơn đào tạo đa ngành   (29/09/2003)
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh: Nỗ lực vượt khó vươn lên   (28/09/2003)
Trường chuyên Lê Quý Đôn: Vườn ươm của những tài năng   (26/09/2003)
Sức sống của "thời trang sida"   (26/09/2003)
Những khát vọng vượt qua số phận   (25/09/2003)
Vẫn cần sự "tiếp sức" của Nhà nước   (24/09/2003)
Ghi nhận qua Hội thi Giảng viên lý luận chính trị   (23/09/2003)
Những người lang thang hồi hương sống ra sao?   (22/09/2003)