Phóng sự của Nguyên Sương
|
Bà Sáu Việt đang chăm sóc trẻ (ảnh: N.S) |
9 giờ tối, "nhà trẻ" 190 - Nguyễn Thị Minh Khai (TP Quy Nhơn) chỉ còn lại bé Nhật (3 tuổi) và Duy (2 tuổi) chơi với nhau. "Bà ngoại" (lũ trẻ vẫn gọi bà Sáu Việt, người trông nom chúng như vậy) cho biết: Cha mẹ bé Nhật và Duy gởi con đến tận tối vì bận buôn bán. Một lúc sau thì mẹ bé Nhật đến đón con. Chị lấy 6 ngàn đồng đưa cho bà Sáu Việt rồi dắt cu Nhật về. Nhà trẻ tư (hay còn được gọi là nhóm trẻ gia đình - NTGĐ) và những người trông trẻ như bà Sáu Việt ngày càng nhiều ở Quy Nhơn. Năm học 2003-2004, ước tính ở Quy Nhơn có 94 NTGĐ với chừng 570 cháu.
* Giữ trẻ - nghề cũ mà mới
Sát bên nhà bà Sáu Việt là một NTGĐ khác của bà Chín. Nhà trẻ là một căn phòng nhỏ, nền lát gạch men, tường dán simili, cửa trước có một khung gỗ chắn ngang để lũ trẻ khỏi chạy ra đường. Với bà Chín, công việc chăm sóc 12 đứa trẻ, mà đứa nhỏ nhất mới lẫm chẫm biết đi và đứa lớn nhất đã 5 tuổi, phải cần đến 3 người, gồm bà, con gái và con dâu. Chị Hiền, con gái bà Chín, kể về công việc của họ: "Sáng sớm phải đi chợ để nấu cho trẻ ăn sáng. 7 giờ, cho trẻ ăn sáng, dọn dẹp và đi chợ chuẩn bị cho bữa trưa. 10 giờ rưỡi cho trẻ ăn trưa, ngủ, 2 giờ chiều ăn xế và 4 giờ thì ăn chiều. Thời gian còn lại trong ngày cho trẻ chơi đùa, tập hát, xem phim hoạt hình".
Có nhiều người làm nghề giữ trẻ, song tập trung chính vào 2 nhóm sau: những phụ nữ ở lứa tuổi trung niên, còn sức lao động nhưng không có việc làm ổn định và những phụ nữ về hưu. Bà Sáu Việt cho hay: "Hồi trước tôi làm nghề may, thu nhập thấp nên chuyển sang giữ trẻ được 4 năm rồi". Còn bà Nhãn, một người giữ trẻ ở đường Biên Cương, thì cho biết: "Tuy công việc có hơi vất vả nhưng bù lại có thêm được chút ít tiền phụ vào lương hưu, với lại có tiếng trẻ con trong nhà cũng vui hơn". Theo một cán bộ của Phòng GD-ĐT Quy Nhơn, trong số những người giữ trẻ về hưu có một số từng là cô nuôi dạy trẻ có trình độ trung cấp, sơ cấp mầm non (MN).
* Thế mạnh của NTGĐ
Một trong những thế mạnh của NTGĐ so với các loại hình MN khác là nhận trẻ khi còn rất nhỏ và giờ giấc gởi, đón trẻ thoải mái. Chị Quỳnh Hoa, nhà ở tổ 52, KV 9, phường Nguyễn Văn Cừ, cho biết: "Khi cháu mới được 4 tháng, tôi phải gởi cho một nhà trẻ tư gần nhà để đi làm. Phải gởi tư là vì các nhà trẻ bán công, tư thục chỉ nhận trẻ đã biết đi. Hơn nữa, người giữ trẻ là một bác đã về hưu và chỉ nhận có 4 cháu nên tôi cũng yên tâm vì con mình được chăm sóc chu đáo". Chị Hiền, người giữ trẻ ở 194 Nguyễn Thị Minh Khai cho biết thêm: "Có khi phụ huynh bận việc, mới 4 giờ sáng đã đến kêu cửa gởi con. Hoặc phụ huynh đi làm ca, 9, 10 giờ trưa mới đem tới gởi và 9 giờ tối đón về cũng có. Nói chung, giờ giấc ở nhà trẻ tư là vô chừng".
Chính vì ưu điểm này mà phụ huynh gởi trẻ ở các NTGĐ, ngoài các công chức còn là công nhân, người lao động, buôn bán - những người có thời gian biểu làm việc hàng ngày không cố định. Hơn nữa, "học phí" (bao gồm tiền công giữ trẻ và tiền ăn) ở các NTGĐ cũng mềm hơn so với trường MN. Giá bình quân là 150.000đ/trẻ/tháng (trừ chủ nhật) với 4 bữa ăn sáng, trưa, xế, chiều. Nếu trẻ ở luôn ngày chủ nhật hoặc ở đến 9 giờ tối thì mức học phí dao động từ 180.000đ – 200.000đ/trẻ/tháng. Ngoài ra, có NTGĐ chỉ nhận giữ trẻ, còn thức ăn thì phụ huynh mang đến. Cách thu học phí ở NTGĐ cũng rất linh động: thu từng tháng hoặc trẻ đi học ngày nào thì đóng tiền ngày đó nên phù hợp với những người có thu nhập thấp hoặc thu nhập không ổn định.
Cũng có khi người giữ trẻ kiêm luôn cả vai trò bảo mẫu. Chị Hương - một tiểu thương ở chợ Lớn, nhà ở phường Ngô Mây - vì bận việc buôn bán nên khi con mới 4 tháng chị phải gởi cho một NTGĐ. Khi cháu bé đến tuổi đi mẫu giáo, chị vẫn tiếp tục gởi con cho nhà trẻ đó và nhờ họ đưa đón cháu đi học trường mẫu giáo dân lập, cho ăn uống và tắm rửa, đến tối, dọn hàng xong chị mới đến đón con về.
* Những khoảng cách còn lại
Ở các NTGĐ có nhiều trẻ, trẻ được dồn chung lại thành một nhóm từ mới biết đi cho đến 4-5 tuổi để chăm sóc chứ không phân biệt từng lứa tuổi "mầm, chồi, lá" như nhà trẻ. Vì thế, điều kiện nuôi dạy trẻ ở đây không bằng trường MN cũng là điều dễ hiểu. Trong khi trẻ ở trường MN được dạy các môn phát triển ngôn ngữ, phát triển trí tuệ như hát, vẽ, xếp hình… thì trẻ ở NTGĐ chỉ được chơi đồ hàng, xe, bóng nhựa, xem phim hoạt hình và học hát qua băng video ca nhạc thiếu nhi. Từ đó cũng dẫn đến khó khăn cho chính người giữ trẻ, như lời chị M.H, một người giữ trẻ ở đường Nguyễn Thái Học: "Khi cho trẻ ăn, tôi phải vừa đút cho đứa nhỏ ăn, vừa hối đứa lớn ăn nhanh, đến khi cho trẻ chơi thì phải coi sóc để chúng khỏi chạy lung tung và đứa lớn giành đồ chơi của đứa bé…".
Tuy vậy, có một điều không thể phủ nhận là các NTGĐ đang đáp ứng nhu cầu chăm sóc con nhỏ của một bộ phận phụ huynh và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cùng với hệ thống MN bán công, dân lập, tư thục, các NTGĐ cũng góp phần vào việc xã hội hóa giáo dục bậc học MN.
N.S
|