Quá tải tại các bệnh viện - bài toán chưa có lời giải
17:1', 8/10/ 2003 (GMT+7)

Các BS đang siêu âm chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân

Ôm chặt chiếc túi xách nhỏ đựng vài ba vật dụng cần thiết, bà Bảy Trọng (Định Quang, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh) bồn chồn, đi lại ngoài hành lang bệnh viện (BV). Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Bảy bức xúc: "Tôi đưa con xuống BV đã 2 ngày rồi mà vẫn chưa được bác sĩ (BS) mổ lấy nẹp ra. Trời nóng, BV chật chội. Nhìn thấy cảnh con nhỏ khổ sở không dám trở mình vì sợ đụng người cùng giường, tôi sốt ruột quá".

Nỗi niềm của bà Bảy Trọng cũng chính là thực tế chung của các BV trên địa bàn tỉnh khi phải thường xuyên đối mặt với tình trạng quá tải bệnh nhân.

* Chỗ nào cũng quá tải

Vừa đến cổng BV Đa khoa tỉnh, một cảnh tượng lộn xộn đập vào mắt chúng tôi. Càng đi sâu vào khu điều trị, người ra vào càng đông. Một người bệnh có đến 2-3 người nuôi, chưa kể người vào thăm. Hành lang BV người đứng, ngồi la liệt. Khoảng sân trống phía trước, giường xếp bên dưới, võng dù bên trên. Bí quá, có người còn trải mấy tấm ni lông xuống sàn nhà cho qua cơn "mỏi". Nhiều người ở xa đến còn mang theo túi xách, xoong nồi, mùng màn lỉnh kỉnh trông chẳng khác gì bến xe hay nhà ga thời... bao cấp.

- Ngành y tế tỉnh hiện có 1.149 BS (trong đó, có 168 BS chuyên khoa I, 1 BS chuyên khoa II, 24 thạc sĩ và 1 tiến sĩ); 1.231 điều dưỡng; 100% xã có trạm y tế với 90 BS (tỉ lệ 50,08%).

- Từ đầu năm đến nay, tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh có khoảng 2,8 triệu lượt người đến khám bệnh và hơn 81 ngàn người đang điều trị nội trú. Tổng số giường bệnh là 2.195 với công suất sử dụng lên đến 127%. Một số BV nằm trong diện quá tải cao như: BV Đa khoa tỉnh (118%), BV Đa khoa Bồng Sơn (122%), BV Lao (118%), BV Tâm thần (107%), Trung tâm y tế thành phố (110-120%), Trung tâm y tế huyện Hoài Nhơn (160%)…

Vừa mới nghe chúng tôi đề cập đến tình hình quá tải của BV, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Giám đốc BV, khẳng định: Đây không chỉ là chuyện riêng của BV nào, ngành y tế tỉnh nào mà đã trở thành một vấn đề chung của cả nước làm cho các ngành chức năng phải đau đầu.

Tại các khoa phòng, giường bệnh không còn một chỗ trống. Dù đã tăng cường thêm khá nhiều giường nhưng ngoại trừ một số khoa được xây dựng mới, còn lại các khoa khác vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Theo một BS khoa ngoại, vào ngày thường số người bệnh đã "lấp đầy" 25 giường, thế nhưng bệnh nhân vẫn vào viện liên tục, Khoa phải luôn trong tình thế sẵn sàng tiếp nhận thêm trong khi số giường thực kê hiện đã lên đến 35/25 giường. Tuy nhiên, con số này vẫn còn chưa thấm tháp vào đâu so với các ca bệnh "nảy sinh" vào dịp lễ, Tết. Hiện chỉ tiêu của BV là 600 giường nhưng con số thực tế đã vượt lên quá 700.

Trong khi đó, tại BV Chuyên khoa Lao có 120 giường bệnh nhưng hiện có tới 142 bệnh nhân. Để khắc phục tình trạng quá tải, BV đã phải rút bớt giường ở khoa AIDS, đồng thời mua giường xếp bố trí bệnh nhân nằm thêm ở... câu lạc bộ sinh hoạt dành cho người bệnh và người nhà. Bà Cai Thị Sinh, điều dưỡng trưởng BV cho biết, mỗi lần vào thăm khám, các điều dưỡng phải di chuyển xe tiêm rất khó khăn. Ấy là chưa kể phòng cấp cứu có diện tích rất nhỏ với 4 giường bệnh thì buộc phải kê đến 6 giường. Còn tại Trung tâm Y tế thành phố , chỉ tiêu có 230 giường bệnh nhưng phải kê đến 300 giường. Vì thế, chỉ vừa mới qua cơn nguy kịch, người bệnh buộc phải thuyên chuyển về các khoa khác hoặc về nhà sớm.

Không riêng các BV tuyến tỉnh và thành phố, tại các BV tuyến huyện, cảnh quá tải cũng "sôi động" không kém.

* Đối mặt cùng những nỗi lo

Những năm gần đây, ngoài số ca bệnh vượt tuyến từ các huyện, các BV đóng trên địa bàn Quy Nhơn còn tiếp nhận một lượng lớn người bệnh từ các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên... Thực tế này khiến cho ngành y tế Bình Định luôn trong tình trạng đối mặt với khó khăn.

Khó khăn trước mắt có thể thấy rõ là giường bệnh thiếu nghiêm trọng. Sở Y tế Bình Định đã chỉ đạo cho các BV một số giải pháp trong việc điều chỉnh số người và giường nằm cho phù hợp với tình hình thực tế: Dựa trên tình trạng bệnh lý của từng người, các phòng khám của cơ sở điều trị sẽ chọn lọc những người được điều trị nội trú; với BV có điều kiện sẽ mở các dịch vụ theo yêu cầu; quy đổi giường ngoại trú thành nội trú với tỉ lệ 3/1 (3 ngoại trú/1 nội trú); cho ra viện sớm và điều trị ngoại trú những người đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, những giải pháp này không thể áp dụng về lâu dài được. Với việc mở dịch vụ theo yêu cầu, ngành y tế rất thận trọng và mới chỉ thử nghiệm cho 3 BV có cơ sở hạ tầng tốt và nguồn kinh phí tương đối cao là BV Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế thành phố, BV Đa khoa Bồng Sơn.

Bệnh nhân tăng nhưng nguồn nhân lực tại các BV lại mỏng nên không đủ đáp ứng với khối lượng công việc gấp 2-3 lần. Điều này đã tạo sự chênh lệch trong chăm sóc và điều trị. Bên cạnh đó, môi trường BV, nhiễm khuẩn BV cũng là vấn đề khá bức xúc hiện nay. Hiện tại, các BV vẫn chưa có khoa chống nhiễm khuẩn riêng biệt (ngoại trừ BV Đa khoa tỉnh, BV Đa khoa Bồng Sơn) còn lại là tổ chuyên trách và người chuyên trách. Hệ thống xử lý bằng vi sinh chất thải lỏng chỉ mới tới được BV tuyến tỉnh, còn BV tuyến huyện vẫn làm theo quy trình cũ bằng hầm rút tự ngấm, ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Mặt khác, tình trạng nhiễm khuẩn BV cũng không được nhìn nhận đúng mực. Nhân viên y tế tại các khoa truyền nhiễm thường xuyên tiếp xúc với người bệnh luôn bị đe dọa nhiễm khuẩn. Quy định BV chỉ cho 1 người vào thăm nuôi nhưng thường không quản lý được. Nhiều người ở xa hoặc các tỉnh khác cùng ăn ở, sinh hoạt trong khu vực người bệnh điều trị. Khi đó mọi thứ đều trở thành khu công cộng. Vô tình họ cũng bị nhiễm khuẩn BV và cứ thế bắt đầu luẩn quẩn.

* Đi tìm lời giải cho bài toán quá tải?

Khi đặt câu hỏi này, một cán bộ Sở Y tế bộc bạch: "Cuộc họp nào các cơ sở cũng "kêu" với Sở chuyện này. Chúng tôi cũng biết rõ họ cần gì nhưng kinh phí hằng năm dành cho ngành lại không tăng lên được chút nào. Vốn ngân sách không có, vốn vay lại rất ít. Trong khi đó, để mua được một trang thiết bị y tế phải tốn nhiều tiền, vậy thì ngành đào đâu cho ra?". Được biết, mỗi năm ngành y tế được vay 2 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư và phát triển của tỉnh để mua sắm trang thiết bị. Tuy nhiên, số tiền trên chỉ như một hạt cát ném vào sa mạc. Theo tiêu chuẩn danh mục các trang thiết bị cần phải có của một BV tuyến tỉnh do Bộ Y tế đề ra thì số danh mục trang thiết bị mà BVĐK tỉnh chưa trang bị lên đến hàng trăm. Trong đó có rất nhiều danh mục cần thiết cho nhu cầu khám chữa bệnh. Ngoài ra, cơ sở điều trị được đầu tư theo kiểu chắp vá nên cơ sở hạ tầng của nhiều BV hầu như đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Do vậy, các BV đã quá tải lại càng quá tải hơn.

Tình trạng quá tải người bệnh ở các BV đã đến mức báo động khẩn nhưng bài toán "quá tải" này dường như vẫn chưa tìm ra đáp số.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vì sao ngư dân Huỳnh Giản phá rừng?   (07/10/2003)
Nghề giữ trẻ   (06/10/2003)
"Một cửa": Người dân sẽ thuận lợi hơn   (06/10/2003)
Vì sao mô hình "Trung tâm học tập cộng đồng" ở Bình Định chậm triển khai thực hiện?   (05/10/2003)
Chuyện cộng đồng người Bình Định ở Long Khánh   (05/10/2003)
Một cách "hút" hội viên của Hội phụ nữ xã An Vinh   (03/10/2003)
Hội Khuyến học Phù Mỹ với những cách làm mới   (02/10/2003)
Đời gánh   (01/10/2003)
Tuổi cao chí càng cao   (30/09/2003)
Hội viên trẻ nghĩ về Hội của mình   (29/09/2003)
Sẽ có trường Đại học Quy Nhơn đào tạo đa ngành   (29/09/2003)
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh: Nỗ lực vượt khó vươn lên   (28/09/2003)
Trường chuyên Lê Quý Đôn: Vườn ươm của những tài năng   (26/09/2003)
Sức sống của "thời trang sida"   (26/09/2003)
Những khát vọng vượt qua số phận   (25/09/2003)