Kiểng ăn trái - Một xu hướng mới
16:6', 10/10/ 2003 (GMT+7)

Cây mãng cầu mini

Như để khẳng định khả năng sáng tạo trong nghệ thuật bonsai là vô tận, người trồng kiểng ở Bình Định gần đây đã trình làng một số tác phẩm bonsai mà chất liệu sáng tạo là những giống cây ăn trái. Kiểng ăn trái với giá trị kinh tế cao đang phát triển khá mạnh.

Trong giới chơi kiểng bonsai, nhiều người đã từng chiêm ngưỡng một cây phượng vĩ chiều cao 7 tấc nở hoa màu rực đỏ trong chậu đã làm cho ta có cảm giác như chủ nhân của nó muốn "bê" cả mùa hè của thế gian đưa vào trong phòng! Đưa cả "một mùa hè" vào trong chậu kiểng con con, có đủ đế, chi cành, tàng... đã là tài. Khiển sao cho cây ra hoa còn tài hơn. Nhưng đẩy thêm một bước nữa với các loại cây ăn trái (ra hoa, kết trái) thì có thể nói những nghệ nhân bonsai đang đưa biên giới sáng tạo lên một đẳng cấp mới. Ban đầu các nghệ nhân sử dụng các loại cây dễ tạo dáng thân, cành đẹp như: mãng cầu, vú sữa, mận, nhãn… Gần đây một số người đã "sờ" đến các loại cây khó hơn như sam-bu-chê, xoài, chôm chôm, và phát triển cây dừa theo hướng đa thân sau khi đã đưa được cây đơn thân vào chậu! Một nghệ nhân kiểng bonsai phân tích: "Với mai, sanh, sung, quế... người ta có thể tốn công một chút là có thể tạo ra những bộ đế đẹp, tán tàng, chi chủ hoàn chỉnh, cây nào chơi lá, dáng thì cứ thế mà chơi; nếu chơi hoa thì chăm sóc công phu một chút và cứ thế đến mùa hoa sẽ đơm như một lẽ tự nhiên. Cây ăn trái lại khác, trừ một vài cây quen thuộc như ổi, khế, me, những loại cây như: mận, vú sữa, dừa... rất khó tạo được một bộ đế đẹp, rất khó khiển cho nó ra hoa, kết trái. Nhưng chính vì những cái khó ấy mà giới nghệ nhân lại hăm hở tìm cách chinh phục. Thú vị là ở chỗ đó."

Thật ra trồng cây ăn quả trong chậu không phải là loại hình nghệ thuật mới phát triển. Nhưng ở địa phương có truyền thống trồng hoa như Bình Định, đây thật sự là một nét mới. Chúng tôi có dịp dạo qua và tiếp xúc với các miền đất có "chuyên canh" cây kiểng và nhận thấy nuôi cây ăn trái trong chậu quả là lĩnh vực đòi hỏi nhiều công phu chăm sóc. Ngoài những kỹ thuật thông thường của người biết tạo dưỡng cây đẹp từ gốc rễ đến thân cành và chiều cao (nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ lá), người nuôi trồng còn cần am tường về "sợi dây vô hình" giữa mùa màng với thời tiết, tuổi tác hay sức khỏe của cây với thích nghi thời điểm bón phân, ổn định số lá với phòng trừ sâu bệnh, v.v… Và nguyên lý "xuân sinh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàn" vẫn luôn là yếu tố bất dịch được người trồng kiểng kết hợp quan tâm hài hòa.

Ông Huỳnh Thế - chủ nhân một vườn kiểng trên đường Trần Phú (Quy Nhơn) giới thiệu: "Nuôi làm sao để một cây ăn trái vốn to lớn dềnh dàng phải bó mình trong chậu kiểng nhỏ xíu, sau đó lại đơm bông kết trái là chuyện cực khó. Tôi đang o bế một cây mãng cầu mini, "luyện" để nó có được tàn lá đẹp, chi chủ đầy đủ, cân đối và ra hoa đã là chuyện khó. Khiển làm sao để những chùm hoa đó kết thành trái và trái lớn, dĩ nhiên không phải chuyện dễ dàng. Bởi thế, cây kiểng ăn trái giá trị đã cao, nhưng nếu bán lúc nó đang kết trái thì giá còn cao bội phần.". Người viết bài này đã được chiêm ngưỡng một "bộ sưu tập" hiếm thấy về cây dừa. Ở Quy Nhơn, dừa kiểng đang được nhiều người hâm mộ. Giới sưu tầm của Quy Nhơn hiện đã đưa về những cây dừa 1 thân, dừa 2 thân và gần đây có cả dừa 3 thân… Dừa kiểng thường được trồng trong đĩa mỏng, dáng cây thấp, nhỏ nhắn và đẹp bồi hồi như một hoài niệm của quê hương tuổi thơ… Anh Lâm Khánh - một chuyên gia về kiểng ăn trái của Bình Định cho biết: "Thử hình dung một cây vú sữa với lớp da nứt nẻ được trồng theo dạng bonsai, trưng bày trong dịp lễ hội hoặc tết nhất, đang cho trái lúc lỉu và căng tròn trong ngôi nhà nhỏ của bạn... Đó quả là một ấn tượng phát đạt, sung mãn khó phai. Dù đã đạt được một số thành công nhất định nhưng trong lĩnh vực kiểng ăn trái, giới sinh vật cảnh Quy Nhơn vẫn còn khá thận trọng, nhiều người đang tìm tòi nghiên cứu để tìm ra bí quyết riêng."

Tạo ra những chậu kiểng ăn trái thật đẹp hoàn toàn không đơn giản nhưng đây là lĩnh vực có nhiều hứa hẹn đối với giới sinh vật cảnh Bình Định vì lẽ, lợi ích kinh tế của nhóm kiểng này rất cao.

. Trần Hoàng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngành Kiểm tra Đảng Bình Định: Những chặng đường lịch sử   (09/10/2003)
Càng tự hào với truyền thống tốt đẹp, càng phải nghiêm túc với những thiếu sót   (09/10/2003)
Quá tải tại các bệnh viện - bài toán chưa có lời giải   (08/10/2003)
Vì sao ngư dân Huỳnh Giản phá rừng?   (07/10/2003)
Nghề giữ trẻ   (06/10/2003)
"Một cửa": Người dân sẽ thuận lợi hơn   (06/10/2003)
Vì sao mô hình "Trung tâm học tập cộng đồng" ở Bình Định chậm triển khai thực hiện?   (05/10/2003)
Chuyện cộng đồng người Bình Định ở Long Khánh   (05/10/2003)
Một cách "hút" hội viên của Hội phụ nữ xã An Vinh   (03/10/2003)
Hội Khuyến học Phù Mỹ với những cách làm mới   (02/10/2003)
Đời gánh   (01/10/2003)
Tuổi cao chí càng cao   (30/09/2003)
Hội viên trẻ nghĩ về Hội của mình   (29/09/2003)
Sẽ có trường Đại học Quy Nhơn đào tạo đa ngành   (29/09/2003)
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh: Nỗ lực vượt khó vươn lên   (28/09/2003)