Nghề gặt lúa thuê
16:14', 12/10/ 2003 (GMT+7)

. Phóng sự của Nguyễn Phúc

Họ có cùng hoàn cảnh, sinh ra và lớn lên ở đồng quê, cùng khó khăn như nhau, tập trung lại thành một nhóm 8-10 người chuyên đi gặt lúa thuê ở khắp nơi trong tỉnh. Với người khác, đây có thể không phải là nghề nhưng với họ, đó là cái nghề để mưu sinh.

Những cái tên như chị Chín, chị Tuyền, chị Lưu, anh Thịnh, anh Trí, anh Khai… (cùng ngụ ở thôn Lộc Ngãi, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) được nhiều gia đình ở nông thôn luôn nhớ đến. Bởi họ không những gặt nhanh, mà còn có trách nhiệm với những đám ruộng gặt mà chủ ruộng đã thuê với thái độ làm việc lúc nào cũng vui vẻ.

Phút giải lao giữa vụ gặt - ảnh: Ngọc Tuấn

Chị Nguyễn Thị Chín, 48 tuổi, người được cả thôn Lộc Ngãi (Phước Quang, Tuy Phước) coi là có thâm niên nhất với nghề đi gặt lúa thuê, với địa bàn "hoạt động" khắp cả tỉnh, thậm chí nhiều đồng lúa ở các tỉnh lân cận cũng ít nhiều lưu dấu chân của chị - kể: Từ hồi 14-15 tuổi tôi đã theo chân mẹ đi khắp nơi để gặt lúa thuê, thời đó làm lúa còn vất vả hơn bây giờ nhiều, tiền công chẳng được bao nhiêu. Lúc đó tôi còn quá nhỏ chỉ lo gặt thôi, còn khâu gánh lúa đã có đám trai tráng. Có năm nhiều cánh đồng xuống giống cùng một lúc, đến khi lúa chín một lượt, thế là tôi cùng mọi người phải gặt từ tờ mờ sáng cho đến tối. Nếu chậm trễ đã có nhóm gặt thuê khác, đến cuối vụ tổng kết lại gặt không được bao nhiêu, nên tiền công cũng không nhiều. Giờ đây tôi đã là người gặt nhanh nhất trong nhóm.

Chứng kiến cảnh họ đội mưa, lội nước để gặt lúa trong những ngày mưa đầu tháng 10-2003 vừa qua mới thấy những người gặt lúa thuê vất vả như thế nào? Đưa được 3 sào lúa ngập nước của anh Thông ở đội 6, HTX nông nghiệp thị trấn Bình Định (An Nhơn), lên bờ thì mọi người ai cũng tím rịm cả môi, tay chân trắng bệch do dầm trong nước mấy tiếng đồng hồ liền. Vất vả là vậy, cực nhọc là vậy nhưng họ lại vui ra trò. Họ vừa làm việc vừa ca hát, kể chuyện tiếu lâm, hò đối đáp… để phần nào vơi đi nỗi vất vả của công việc. Anh Thịnh cũng là người có thâm niên đi gặt thuê trong nhóm nói: "Gặt lúa trong lúc trời mưa như thế này tuy có vất vả hơn nhiều, nhưng được cái tiền công cao hơn. Nếu trời nắng tụi tôi nhận khoán 50 ngàn đồng/sào, còn khi trời mưa giá tăng thêm 10-20 ngàn đồng/sào, tùy theo ruộng nằm gần hay xa. Mỗi ngày, nhóm 8 người tụi tôi cũng gặt được 5-7 sào ruộng. Bình quân thu nhập 30-40 ngàn đồng/ngày. Còn làm công nhật thì chỉ 15- 20 ngàn đồng/ngày, mà phải làm từ sáng đến chiều".

Anh Hoàng ở đội 7, HTX nông nghiệp Nhơn Hưng (An Nhơn), chủ của 5 sào ruộng vừa được nhóm chị Chín, anh Thịnh gặt xong, nhận xét: "Theo tui, có thể gọi họ là những người gặt lúa thuê "chuyên nghiệp". Anh thấy đấy, chỉ trong vòng 9 giờ đồng hồ mà 5 sào ruộng của tôi đã được họ vô bao chở về nhà gọn lỏn."

Từ ngày có máy gặt lúa, những người gặt thuê đỡ vất vả hơn. Nhưng máy gặt có hiện đại mấy vẫn không thể nào gặt được những diện tích ruộng do mưa ngập nước hoặc những đám ruộng bị lún. Do vậy, chỉ còn cách nhờ những người gặt lúa thuê.

Những người gặt lúa thuê cũng là người chủ của những đám ruộng nhưng ruộng của họ ít, lại không có một nghề nào phụ thêm. Cứ thế gặt xong ruộng nhà là họ "vác" liềm đi gặt thuê mọi nơi để gom góp từng đồng. Anh Khai, một người trong nhóm gặt lúa thuê ở Lộc Ngãi, cho biết: "Gia đình tôi có tất cả lớn nhỏ 4 người nhưng chỉ có 2 sào ruộng, làm sao đủ ăn nếu không đi gặt thuê kiếm thêm tiền. Vợ chồng tôi không có nghề gì khác ngoài nghề làm ruộng, thôi thì cứ theo cái nghề gặt lúa mà mình đã quen tay cho chắc ăn." Có lẽ trong nhóm gặt lúa thuê ở Lộc Ngãi, khó khăn nhất là vợ chồng anh Trí, chị Tuyền. Đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau cách đây chưa đầy 2 tháng nhưng đã thâm niên trong nghề gặt lúa thuê 7- 8 năm. Họ nên duyên cũng từ những ngày gặt lúa thuê với nhau. Do gia đình 2 bên quá nghèo, khi cưới nhau, nhà chồng cho đôi vợ chồng trẻ 1,5 sào ruộng làm của "hồi môn" rồi họ ra riêng. Cả hai không có nghề ngỗng gì, không thể chỉ trông chờ vào 1,5 sào ruộng kia, thế là họ tiếp tục gắn cuộc đời với nghề gặt lúa thuê từ đó đến giờ.

Nhưng gặt lúa thuê không phải là công việc thường xuyên. Mỗi năm có 3 vụ gặt, mỗi vụ chỉ gặt trong vòng 10-15 ngày là sạch ruộng, bởi vậy nhiều người đã tính "chuyển nghề" khác ổn định hơn nhưng rồi quanh đi quẩn lại, họ vẫn gắn bó với nghề. Anh Thịnh, người đã nhiều lần muốn "rửa tay, gác liềm" nhưng rồi hễ có người kêu đi gặt thuê là anh lại hăm hở tay liềm, tay gánh lên đường.

Ở Bình Định, có nhiều nhóm gặt lúa thuê như nhóm của anh Thịnh, chị Chín ở thôn Lộc Ngãi. Không thể thống kê chính xác được toàn tỉnh có bao nhiêu người gặt lúa thuê nhưng rõ ràng, nghề gặt lúa thuê đã góp phần giải quyết không nhỏ một lượng lao động nông nhàn, và họ đã góp phần thu hoạch lúa kịp thời khi thời tiết thất thường. Ông La Văn Tám, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp thị trấn Bình Định (An Nhơn) phấn khởi nói: "Với 272 ha lúa vụ hè của HTX chỉ thu hoạch trong vòng có 7 ngày, thoát được cơn mưa lũ đầu mùa vừa qua là nhờ một phần lớn vào nhóm gặt lúa thuê ở thôn Lộc Ngãi."

. N.P

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kiểng ăn trái - Một xu hướng mới   (10/10/2003)
Ngành Kiểm tra Đảng Bình Định: Những chặng đường lịch sử   (09/10/2003)
Càng tự hào với truyền thống tốt đẹp, càng phải nghiêm túc với những thiếu sót   (09/10/2003)
Quá tải tại các bệnh viện - bài toán chưa có lời giải   (08/10/2003)
Vì sao ngư dân Huỳnh Giản phá rừng?   (07/10/2003)
Nghề giữ trẻ   (06/10/2003)
"Một cửa": Người dân sẽ thuận lợi hơn   (06/10/2003)
Vì sao mô hình "Trung tâm học tập cộng đồng" ở Bình Định chậm triển khai thực hiện?   (05/10/2003)
Chuyện cộng đồng người Bình Định ở Long Khánh   (05/10/2003)
Một cách "hút" hội viên của Hội phụ nữ xã An Vinh   (03/10/2003)
Hội Khuyến học Phù Mỹ với những cách làm mới   (02/10/2003)
Đời gánh   (01/10/2003)
Tuổi cao chí càng cao   (30/09/2003)
Hội viên trẻ nghĩ về Hội của mình   (29/09/2003)
Sẽ có trường Đại học Quy Nhơn đào tạo đa ngành   (29/09/2003)