Hỗ trợ đào tạo nghề tại các doanh nghiệp: Tranh tối tranh sáng
16:55', 13/10/ 2003 (GMT+7)

Công nhân Xí nghiệp May xuất khẩu An Nhơn vào ca (ảnh: Cát Hùng)

Năm 2002, có 11 doanh nghiệp (DN) được tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề ngắn hạn cho công nhân gần 400 triệu đồng. Tuy nhiên qua kiểm tra một số đơn vị đã cho thấy có nhiều thiếu sót về sử dụng kinh phí đào tạo cũng như quản lý hoạt động đào tạo nghề… 

* Nhập nhằng phí đào tạo

Tại tờ trình số 106/CN ngày 29-3-2002, Sở Công nghiệp xin UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo tại chỗ cho 466 công nhân của Xí nghiệp May xuất khẩu (XNMXK) An Nhơn thuộc Công ty Dệt may xuất khẩu Bình Định, thời hạn đào tạo 3 tháng. Số tiền xin hỗ trợ là 93,2 triệu đồng và ngày 22-4-2002 đã được UBND tỉnh đồng ý. Đến ngày 16-7-2002 UBND tỉnh có công văn hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo công nhân cho xí nghiệp với số tiền 90,87 triệu đồng (130.000 x 3 tháng x 466 người x 50%). Tuy nhiên, trong thông báo số 251/DMXK ngày 6-4-2002 về việc tập trung công nhân tuyển dụng và đào tạo cho XNMXK An Nhơn, Công ty Dệt may xuất khẩu Bình Định đã tự ấn định mức thu phí đào tạo thêm của người lao động. Cụ thể: nếu đối tượng đã biết may dân dụng nộp học phí 200.000 đồng; nếu đối tượng chưa biết may nộp học phí là 300.000 đồng (không tính khoản kiểm tra tay nghề).

Như vậy, tính từ ngày 15-4-2002 đến quí IV-2002 Công ty Dệt may xuất khẩu Bình Định đã thu của 438 người lao động với số tiền 99,6 triệu đồng. Số tiền thu này, Công ty đã chi và quyết toán chung với khoản hỗ trợ của UBND tỉnh. Coi như phần của Công ty đã bỏ ra để đào tạo nghề mà không hề xin ý kiến của UBND tỉnh. Công ty tự ra thông báo thu trong lúc đơn vị nêu khó khăn để lập tờ trình xin hỗ trợ kinh phí.

Trả lời chúng tôi về vấn đề thu học phí tại XNMXK An Nhơn, ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Công ty Dệt may xuất khẩu nói: "XNMXK An Nhơn mới thành lập nên cần tuyển công nhân học nghề. Chúng tôi có quyền thu học phí để đào tạo nghề cho học viên". Nhưng ông Đoàn Văn Hùng, nguyên Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH Bình Định, Trưởng đoàn thanh tra khẳng định: "Việc thu phí đào tạo nghề cho công nhân tại XNMXK An Nhơn thuộc Công ty Dệt may xuất khẩu Bình Định là không đúng. Khoản II, Điều 23 của Bộ Luật Lao động có quy định: DN tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc tại DN theo thời hạn cam kết trong hợp đồng học nghề, tập nghề thì không phải đăng ký và không được thu học phí…".

Còn tại Công ty TNHH Diệp Phượng (chuyên sản xuất, chế  biến nông lâm sản) năm 2002, được tỉnh hỗ trợ 21 triệu đồng để đào tạo nghề ngắn hạn cho 100 công nhân học nghề mộc trong 3 tháng. Tuy nhiên đến thời điểm thanh tra thì toàn bộ số học viên này không có mặt làm việc tại công ty. Theo trình bày của Giám đốc công ty thì chưa vào mùa làm hàng xuất khẩu nên số lao động này đã về nhà nghỉ chờ việc. Ngoài ra, số tiền phụ cấp học nghề cho 100 người, mỗi ngày 3.000 đồng trong 3 tháng chỉ có một nét chữ ký nhận (?)

* Quản lý học nghề: Cần chặt chẽ hơn

Năm 2002, đã có 11 DN được tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề với mức hỗ trợ gần 400 triệu đồng. Tuy nhiên qua kiểm tra sơ bộ 5/11 đơn vị vẫn còn thiếu sót trong việc tổ chức hoạt động, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí đầu tư cho dạy nghề ngắn hạn. Hầu hết các đơn vị đều chưa thành lập bộ phận theo dõi chỉ đạo, quản lý quá trình dạy và học cũng như chất lượng và kết quả đào tạo. Số lao động làm việc được đào tạo tay nghề tại đơn vị chưa được theo dõi đầy đủ và thiếu chính xác. Ngoài ra, việc thực hiện theo dõi chấm công số giáo viên đến dạy nghề cũng như công nhân có tay nghề dạy kèm tại DN chưa được đầy đủ… Vào thời điểm thanh tra Công ty TNHH Diệp Phượng cũng không chứng minh được thời gian dạy học lý thuyết.

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Định khẳng định: "Chính sách hỗ trợ DN đào tạo nghề là chủ trương lớn của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng tay nghề của công nhân. Bởi vậy những DN nào đào tạo nghề không đủ chỉ tiêu theo kế hoạch tỉnh giao phải trả lại tiền thừa. Ngược lại, những DN đào tạo vượt chỉ tiêu chúng tôi sẵn sàng thanh toán khoản chi vượt đó. Trước mắt, chúng tôi đã buộc Công ty TNHH Diệp Phượng cam kết phải dạy lại phần lý thuyết cho công nhân".

Năm 2002 là năm đầu tiên tỉnh thực hiện chính sách Nhà nước và DN cùng bắt tay đào tạo nghề nên chuyện thiếu sót là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để công tác đào tạo nghề cho công nhân đi vào nề nếp hơn và đạt hiệu quả cao hơn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành liên quan.

. Nguyên Hạo

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề gặt lúa thuê  (12/10/2003)
Kiểng ăn trái - Một xu hướng mới   (10/10/2003)
Ngành Kiểm tra Đảng Bình Định: Những chặng đường lịch sử   (09/10/2003)
Càng tự hào với truyền thống tốt đẹp, càng phải nghiêm túc với những thiếu sót   (09/10/2003)
Quá tải tại các bệnh viện - bài toán chưa có lời giải   (08/10/2003)
Vì sao ngư dân Huỳnh Giản phá rừng?   (07/10/2003)
Nghề giữ trẻ   (06/10/2003)
"Một cửa": Người dân sẽ thuận lợi hơn   (06/10/2003)
Vì sao mô hình "Trung tâm học tập cộng đồng" ở Bình Định chậm triển khai thực hiện?   (05/10/2003)
Chuyện cộng đồng người Bình Định ở Long Khánh   (05/10/2003)
Một cách "hút" hội viên của Hội phụ nữ xã An Vinh   (03/10/2003)
Hội Khuyến học Phù Mỹ với những cách làm mới   (02/10/2003)
Đời gánh   (01/10/2003)
Tuổi cao chí càng cao   (30/09/2003)
Hội viên trẻ nghĩ về Hội của mình   (29/09/2003)