Vi phạm hành lang an toàn đường sắt:
Đã trở thành hiểm họa thật sự!
16:5', 15/10/ 2003 (GMT+7)

Một đoạn đường sắt chạy ngang quốc lộ 1 A (ảnh: Cát Hùng)

Vi phạm hành lang an toàn đường sắt không chỉ là một nỗi lo đơn thuần mà thật sự trở thành một ẩn họa. Đã đến lúc, chính quyền các địa phương nơi có đường sắt đi qua, phải thật sự vào cuộc…
 

* Đường dân sinh: Rào hôm trước, tái lập hôm sau

Tại km 1038+100 thuộc địa giới xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, lúc 8 giờ 45 phút sáng ngày 10-5-2003, tàu 172 tông chết một bé gái chăn bò. 15 giờ 55 phút ngày 5-9, tại km 1070+450, trên đường vào sân bay Phù Cát, xe ô tô tông vào tàu S1 làm ba người bị thương… Một trong những nguyên nhân quan trọng của những vụ tai nạn đường sắt là sự tồn tại của 35 tuyến đường dân sinh trái phép. Những đường dân sinh này mới được rào chắn hôm trước, hôm sau đã thấy bị tái lập. Chẳng hạn tại km 1031+620 thuộc thôn Vạn Lương, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, ngày 12-11-2002 vừa rào chắn xong thì ngày 17-11 lại phát hiện hàng rào bị tháo dỡ; ngày 18-11 lại rào chắn lại thì đêm hôm đó lại bị dỡ, và còn nhiều nơi như vậy.

Trong khi đó, chương trình đường ngang đã tiến hành từ năm 2001 đến nay nhưng cũng mới chỉ xây dựng được 47 đường ngang, trong đó 11 cái có người gác và 36 cái không người gác. Mỗi đường ngang được đầu tư từ 80 đến 100 triệu đồng. Theo Công ty Quản lý Đường sắt Nghĩa Bình, từ nay đến cuối năm 2003, trên địa bàn Bình Định sẽ tiếp tục hoàn thành thêm 8 đường ngang. Ông Nguyễn Văn Liễu, Phó giám đốc Công ty, cho biết: Các đường ngang này về cơ bản đã đảm bảo được độ dốc, đanh bê tông, các biển báo; nhưng tầm nhìn vẫn chưa đảm bảo theo quy định vì các địa phương chưa phối hợp để giải tỏa hai bên nhằm đảm bảo tầm nhìn.

* Vi phạm hành lang an toàn: Chuyện thường ngày

Theo thống kê của Công ty Quản lý Đường sắt Nghĩa Bình, hiện nay, trên địa bàn Bình Định còn 6.465m2 nhà cấp 3-4, 1.627m2 nhà tạm, 3.054 m2 công trình phụ, 537m tường rào và 5.746 cây lâu niên vi phạm với tổng chiều dài vi phạm là 15.815m; trầm trọng nhất là đoạn Diêu Trì - Quy Nhơn; chỉ riêng hai phường Nhơn Phú và Đống Đa đã có chiều dài vi phạm 5.310m. Ông Bạch Văn Giao, Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông Đường sắt Nghĩa Bình cho biết: "Một số hộ dân, mới giải tỏa hôm trước, hôm sau lại tiếp tục vi phạm. Nhưng gay nhất là 38 hộ dân ở khu vực từ km 1092 đến km 1094, tức từ chùa Mỹ Điền đến bắc cầu Ông Đô (huyện Tuy Phước) đến nay vẫn chưa giải tỏa được".

Ngoài ra, tệ lấy cắp vật tư đường sắt: biển báo, cọc, đinh cóc liên kết thanh ray và tà vẹt... vẫn thường xảy ra; có vụ mất tới hàng trăm bộ đinh cóc. Rồi tình trạng đặt đá lên đường tàu, phơi nông sản… vẫn còn xảy ra, thậm chí có trường hợp hành hung nhân viên đường sắt. Chẳng hạn, hồi 18 giờ 35 phút ngày 10-3-2003, tại thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước), có bốn thanh niên say rượu đến hành hung nhân viên đang làm nhiệm vụ và đập vỡ nát hai đèn tín hiệu đang sử dụng. Một tình hình đáng báo động khác là nạn ném đất đá lên tàu. 6 tháng đầu năm 2003, theo thông báo của Liên hiệp Đường sắt Việt Nam và Cục Cảnh sát Giao thông Đường sắt - Đường bộ, trên phạm vi toàn quốc xảy ra 115 vụ thì riêng Bình Định đã có 38 vụ.    

* Địa phương chưa vào cuộc?

Nói về ẩn họa từ các tuyến đường ngang, ông Nguyễn Văn Liễu, nhấn mạnh: "Về vấn đề này, ngay cả thôn trưởng, thậm chí cả Chủ tịch xã cũng chưa nhận thức được. Trong khi theo điều lệ đường ngang do Bộ Giao thông Vận tải ban hành, trách nhiệm dỡ bỏ các đường ngang không có quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền thuộc về chính quyền các địa phương nơi có đường sắt đi qua". Ông Bạch Văn Giao bổ sung thêm: "Điều nghịch lý là khi có chương trình đầu tư xây dựng đường ngang bằng ngân sách nhà nước, chúng tôi gửi công văn yêu cầu các địa phương làm tờ trình đề nghị xây dựng đường ngang thì rất ít địa phương hưởng ứng. Trong khi đó, hết năm 2004, khi chương trình xây dựng đường ngang kết thúc, tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu mở đường ngang, phải được Bộ Giao thông Vận tải cho phép và chịu toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng, duy tu, sửa chữa; phải đặt đầy đủ thiết bị hướng dẫn giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại vị trí đó".

Trước những bức xúc từ vi phạm hành lang an toàn đường sắt, từ tháng 5-2002 đến nay, Công ty Quản lý Đường sắt Nghĩa Bình đã tổ chức Hội nghị bảo vệ đường sắt ở các huyện trong tỉnh nơi có đường sắt đi qua; ngoài các ngành chức năng của huyện, còn có sự tham gia của hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng Đội các trường học trên địa bàn, UBND, UB Mặt trận Tổ quốc và Công an các xã, các thôn trưởng, xóm trưởng... Ngoài ra, Công ty còn tổ chức cho nhân dân hai bên đường sắt học Nghị định 39/CP của Chính phủ và ký cam kết giữa các hộ dân, UBND xã với các nhà ga, cung đường sắt... Học sinh các trường đã tổ chức khá rầm rộ phong trào Bảo vệ an toàn đường sắt quê em, rồi tổ chức kết nghĩa giữa các cung cầu đường, nhà ga, các trường và tổ chức nhận Đoạn đường em chăm, thi tìm hiểu an toàn bảo vệ đường sắt… Tuy nhiên, tất cả các hoạt động này vẫn chưa thật sự có hiệu quả như mong muốn.

Đã đến lúc, chính quyền các địa phương nơi có đường sắt đi qua, phải vào cuộc, cùng với ngành Đường sắt thì mới mong lập lại trật tự an toàn đường sắt.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những chặng đường lịch sử công tác dân vận   (14/10/2003)
Hỗ trợ đào tạo nghề tại các doanh nghiệp: Tranh tối tranh sáng   (13/10/2003)
Nghề gặt lúa thuê  (12/10/2003)
Kiểng ăn trái - Một xu hướng mới   (10/10/2003)
Ngành Kiểm tra Đảng Bình Định: Những chặng đường lịch sử   (09/10/2003)
Càng tự hào với truyền thống tốt đẹp, càng phải nghiêm túc với những thiếu sót   (09/10/2003)
Quá tải tại các bệnh viện - bài toán chưa có lời giải   (08/10/2003)
Vì sao ngư dân Huỳnh Giản phá rừng?   (07/10/2003)
Nghề giữ trẻ   (06/10/2003)
"Một cửa": Người dân sẽ thuận lợi hơn   (06/10/2003)
Vì sao mô hình "Trung tâm học tập cộng đồng" ở Bình Định chậm triển khai thực hiện?   (05/10/2003)
Chuyện cộng đồng người Bình Định ở Long Khánh   (05/10/2003)
Một cách "hút" hội viên của Hội phụ nữ xã An Vinh   (03/10/2003)
Hội Khuyến học Phù Mỹ với những cách làm mới   (02/10/2003)
Đời gánh   (01/10/2003)