Tạm cư nhưng không tạm bợ
16:44', 16/10/ 2003 (GMT+7)

Các hộ dân đang chuẩn bị cho nơi ở mới (ảnh V.T)

Vậy là 779 hộ dân phường Trần Phú đã có nơi ở mới tại khu tạm cư thuộc hai khu vực 4 và 5, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn.

* Nhà chưa số, phố chưa tên

Các hộ dân này nằm trong số 1.200 hộ cần tạm cư khi tiến hành giải tỏa đợt 1 dự án đường Xuân Diệu. Họ được bố trí vào khu tạm cư tại xóm Tiêu (khu vực 4 và 5 phường Quang Trung). Khu tạm cư xóm Tiêu được xây dựng khá khang trang với chi phí bình, quân 20 triệu đồng/căn, với diện tích mỗi căn từ 33 đến 39,6 m2.

Một số hộ dân đã ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Các dịch vụ kinh doanh bếp gas, điện thoại, đá lẻ đang khởi phát. Rồi những hàng quán bán chè, nước giải khát, những điểm đổi bình gas mini cũng đã kịp mọc lên đáp ứng nhu cầu của người dân, một quán karaoke cũng đang chuẩn bị khai trương.

Chị Trần Thị Ngọc (số 38, dãy D2) chuyển đến khu tạm cư này được nửa tháng. Thời gian đủ để chị chuyển hẳn từ nghề bán cá sang bán nước giải khát. Vài chai nước nhỏ được chị xếp trên chiếc bàn nhựa, cạnh thùng đá và bỏ thêm vài chiếc ghế nhựa trước hiên nhà, đó là dụng cụ bắt đầu nghề mới của chị. Chị Ngọc nói: "Tui "khai trương" được hơn tuần. Mỗi ngày cũng kiếm được vài ngàn đồng".

Còn đối với những hộ dân mới chuyển đến vài ngày thì đang tất bật bên những gạch, xi măng, để sửa chữa nhỏ, nhằm kịp dọn về trước những ngày mưa sắp đến. Anh Đỗ Thành Nhung (ở nhà số 26, dãy P3) là một trong số họ. Anh mới nhận căn hộ từ đầu tháng 10. Gia đình anh tới những 6 khẩu nên căn hộ 33 m2 là khá chật chội. Anh đang thuê thợ ngăn căn phòng cho mấy đứa nhỏ có chỗ học bài. Lại có hộ đang bày biện cho một lễ cúng tân gia, đơn giản nhưng không kém trang trọng. Một người dân nói: "Dẫu có tạm cư hay không, đây cũng là một mái nhà".

* Không tạm bợ

Gia đình anh Huỳnh Nghiệp và Nguyễn Thị Phận (nhà số 9, dãy 1D) chính thức chuyển lên vào ngày 4-10. Anh chị đã tận dụng gỗ lấy từ căn nhà cũ, bỏ tiền công thuê thợ, làm thêm căn gác gỗ. Lúc chúng tôi đến, anh vẫn đang lui cui xây cất trên khoảng đất nhỏ sau nhà. Anh Nghiệp giải thích: "Cũng phải làm thêm cái chuồng để thả mấy con heo. Bà xã tôi, trước ở gần biển, ngày ngày xuống bãi, mua ít cá, tôm, bán lại, còn kiếm được năm, mười ngàn. Bây giờ, chuyển lên đây, không làm thêm, lấy gì sống". Hiện nay, anh Nghiệp vẫn làm nghề đi bạn. "Non tháng nay, vừa lo dọn nhà cũ vừa về nhà mới, sửa sang chút đỉnh nên hầu như chẳng đi làm mấy. Ổn định rồi, cũng phải đi lại thôi". Gia đình anh được cấp căn hộ rộng hơn 30 m2. Anh Nghiệp vui vẻ cho biết: "Căn hộ như vầy là rộng rãi với gia đình ba khẩu tụi tui rồi. Trước, sống căn nhà gỗ 24 m2 chật chội lại lo nơm nớp những ngày mưa bão".

Còn vợ chồng anh Trần Ngọc Hùng (nhà số 38, dãy T1), thì hằng ngày, cơm tối xong, quãng 9, 10 giờ đêm, hai anh chị lại đạp xe xuống ngủ ở dưới nhà cũ để đi biển cho tiện.

* Băn khoăn còn lại

Anh Nghiệp tâm sự: "Mỗi lần di chuyển là một lần khổ. Vậy mà khi về đây, được thông báo là chỉ tạm cư ba năm. Nghe chữ tạm mà thấy sợ". Không chỉ anh Nghiệp mà tất cả các hộ dân ở đây đều có chung tâm trạng lo lắng ấy.

Kể ra nỗi lo ấy cũng có lý của nó. Ai trong chúng ta cũng biết chuyện các hộ dân khu nhà tạm sau trận bão số 8 cuối năm 2001 cũng đã được bố trí tạm cư tại khu tạm cư đầu đường Nguyễn Huệ. Thời hạn tạm cư chỉ là một năm và họ được hứa sẽ bố trí vào những khu chung cư. Nhưng nay, đã vào tháng 10 năm 2003, mùa mưa bão đang rất gần, khu nhà tạm bằng cót ép và cột gỗ thì đã xuống cấp đến độ tồi tệ mà những khu chung cư vẫn còn nằm trên bản thiết kế. Hay như khu tái định cư Nam sông Hà Thanh, nơi bố trí tái định cư cho 120 căn hộ bị hỏa hoạn của phường Hải Cảng. Tái định cư từ năm 1998, đến gần đây họ mới được đồng ý cho hóa giá nhà và chuyển quyền sử dụng đất. Như vậy, sau 5 năm những hộ dân này mới được định cư thật sự. Trước đó, nhà cửa của họ có xuống cấp, cũng chẳng ai dám bỏ tiền ra sửa chữa. Liệu tình trạng tạm cư ở đây có giống như vậy không?

Thêm một nỗi lo lắng khác là chuyện học của lớp trẻ. Anh Nhung nói: "Ba đứa con tui đang đi học, hiện chưa chuyển trường được nên hàng ngày vẫn phải đạp xe xuống dưới đó". Được biết, trong số hơn 779 hộ tạm cư đợt 1 tại xóm Tiêu, có tới 101 cháu đang học mẫu giáo, 555 học sinh cấp I, 309 học sinh cấp II và 79 học sinh cấp III. Chỉ riêng việc bố trí chỗ học cho số học sinh này sau khi chuyển trường về đã là một áp lực quá lớn lên hệ thống trường lớp. Như vậy, sắp tới các trường học có thể sẽ phải tính phương án hoặc nhét nhiều học sinh vào trong một phòng học hoặc phải xây thêm trường.  

Trong số 779 hộ dân phường Trần Phú đến tạm cư tại hai khu vực 4 và 5 phường Quang Trung này có 190 hộ có tàu thuyền. Theo phương án đề ra là các hộ này sẽ tiếp tục neo đậu tàu thuyền tại các vị trí cũ sau khi chuyển đến khu tạm cư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều hộ có tàu thuyền vẫn chưa chính thức chuyển đến nơi ở mới bởi mùa mưa bão sắp đến rồi, phải ở lại để gìn giữ, bảo vệ tàu thuyền. 

Thiết nghĩ, trước mỗi đợt giải tỏa và tái định cư quy mô lớn như vậy, cần phải có sự chuẩn bị một cách tổng thể từ trước, nhất là phải xác định tương lai của những hộ đến sau ba năm tạm cư. Điều này giúp người dân yên tâm bắt tay vào xây dựng cuộc sống ở nơi ở mới.

. Lê Viết Thọ
Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đã trở thành hiểm họa thật sự!  (15/10/2003)
Những chặng đường lịch sử công tác dân vận   (14/10/2003)
Hỗ trợ đào tạo nghề tại các doanh nghiệp: Tranh tối tranh sáng   (13/10/2003)
Nghề gặt lúa thuê  (12/10/2003)
Kiểng ăn trái - Một xu hướng mới   (10/10/2003)
Ngành Kiểm tra Đảng Bình Định: Những chặng đường lịch sử   (09/10/2003)
Càng tự hào với truyền thống tốt đẹp, càng phải nghiêm túc với những thiếu sót   (09/10/2003)
Quá tải tại các bệnh viện - bài toán chưa có lời giải   (08/10/2003)
Vì sao ngư dân Huỳnh Giản phá rừng?   (07/10/2003)
Nghề giữ trẻ   (06/10/2003)
"Một cửa": Người dân sẽ thuận lợi hơn   (06/10/2003)
Vì sao mô hình "Trung tâm học tập cộng đồng" ở Bình Định chậm triển khai thực hiện?   (05/10/2003)
Chuyện cộng đồng người Bình Định ở Long Khánh   (05/10/2003)
Một cách "hút" hội viên của Hội phụ nữ xã An Vinh   (03/10/2003)
Hội Khuyến học Phù Mỹ với những cách làm mới   (02/10/2003)