Thu phí đào tạo nghề tại các cơ sở đào tạo nghề:
Thu được thì thu, không thì thôi
15:53', 17/10/ 2003 (GMT+7)
 

Học nghề may công nghiệp tại một Trung tâm.

Đầu năm 2003, UBND tỉnh đã có chủ trương thu phí đào tạo nghề tại các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay việc thu học phí hầu như chưa thực hiện được...

* Thu phí: Học sinh đến lớp giảm?

Năm 2003, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định (TT) (thuộc Sở LĐ-TB-XH) được tỉnh giao 525 chỉ tiêu đào tạo nghề. Tuy nhiên, đến thời điểm này TT mới chỉ đào tạo được 320 người và đến cuối năm TT chỉ thực hiện đào tạo được 458 chỉ tiêu. Ông Đỗ Thành Sơn, Giám đốc TT cho biết: "Chúng tôi đã trả lại 67 chỉ tiêu cho Sở LĐ-TB-XH vì không chiêu sinh được học viên". Theo ông Sơn, một trong những nguyên nhân chiêu sinh không được là do "học viên nghe nói thu phí, dù không biết ít hay nhiều, đã không đến học nghề nữa". Còn tại Cơ sở Dạy nghề của Hội LHPN tỉnh từ tháng 1 đến tháng 6-2003 chỉ đào tạo được 45 người và đến nay cũng chỉ có tổng cộng gần 200 người đã và đang học. Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Ban quản lý Cơ sở dạy nghề, cho biết: "Giờ này năm ngoái, số người đến đăng ký học nghề rất đông. Còn năm nay, cố lắm cũng chỉ đạt 300 theo chỉ tiêu là cùng". So với hai cơ sở dạy nghề trên thì tình hình ở Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) và Trường Dạy nghề Xây dựng (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) còn bi đát hơn nhiều. Trung tâm Dịch vụ việc làm mới chỉ tuyển được 54/220 chỉ tiêu còn Trường Dạy nghề Xây dựng không tuyển được học viên nào.

Theo ông Võ Văn Lương, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo nghề - Sở LĐ-TB-XH, đến nay chỉ tiêu đào tạo nghề ngắn hạn đã đạt gần 100% kế hoạch năm. Nhưng bên cạnh một số cơ sở đạt và vượt chỉ tiêu thì vẫn có một số cơ sở dạy nghề không tuyển sinh được vì con em các gia đình nghèo không đến lớp học nghề hoặc đến nhưng bỏ về vì không muốn nộp lệ phí. Trong khi đó, theo chúng tôi được biết, một số công ty may ở phía Nam ra tuyển thẳng lao động phổ thông để về đào tạo, bao luôn tiền ăn học. Sau khi thành thạo tay nghề, người học nghề được hưởng lương theo sản phẩm. "Người đến học nghề, nghe nói không phải nộp học phí lại có chỗ ăn ở, học nghề xong có việc làm nên hăng hái đi ngay", ông Đỗ Thành Sơn nói. Ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định đã đưa 300 lao động đi làm theo dạng này.

* Sẽ thu phí vào năm sau?

Năm 2003, UBND tỉnh đã quy định chính sách hỗ trợ học phí, học bổng và trợ cấp học phí, học bổng, trợ cấp xã hội cho các đối tượng thuộc diện chính sách đồng thời quy định mức thu học phí cho các đối tượng không thuộc diện miễn, giảm. Mức thu học phí đào tạo nghề của tỉnh quy định không cao: 20.000-30.000 đồng/người/tháng đối với đào tạo nghề ngắn hạn (từ 3 đến dưới 12 tháng) và 35.000-45.000 đồng/tháng đối với đào tạo nghề dài hạn (trên 12 tháng) và toàn bộ học phí được để lại 100% cho các cơ sở đào tạo.

Nhưng hiện nay, tại các cơ sở đào tạo nghề thì thu học phí vẫn phải thực hiện theo kiểu "thu được thì thu không thì thôi bởi nếu làm căng học viên có thể bỏ học". Tại Cơ sở Dạy nghề của Hội LHPN tỉnh, thu học phí chỉ đạt vào khoảng 30%, còn ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định thì "chỉ thu những em tự nguyện đưa, nếu không thì thôi". Theo chúng tôi được biết, hiện nay ngoại trừ Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề Hoài Nhơn thu được học phí khoảng 28 triệu đồng còn lại các cơ sở dạy nghề khác hầu như vẫn không thu được. Ông Nguyễn Phúc Hưng, Giám đốc Trung tâm KHKT - Hướng nghiệp - Dạy nghề An Nhơn cho biết: "Chúng tôi đã quyết định không thu phí năm học này. Sang năm 2004 bắt đầu thực hiện nhưng chắc cũng sẽ gặp khó khăn". Không chỉ riêng ông Hưng mà đây cũng là nhận định chung của các cơ sở dạy nghề trong tỉnh.

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tạm cư nhưng không tạm bợ  (16/10/2003)
Đã trở thành hiểm họa thật sự!  (15/10/2003)
Những chặng đường lịch sử công tác dân vận   (14/10/2003)
Hỗ trợ đào tạo nghề tại các doanh nghiệp: Tranh tối tranh sáng   (13/10/2003)
Nghề gặt lúa thuê  (12/10/2003)
Kiểng ăn trái - Một xu hướng mới   (10/10/2003)
Ngành Kiểm tra Đảng Bình Định: Những chặng đường lịch sử   (09/10/2003)
Càng tự hào với truyền thống tốt đẹp, càng phải nghiêm túc với những thiếu sót   (09/10/2003)
Quá tải tại các bệnh viện - bài toán chưa có lời giải   (08/10/2003)
Vì sao ngư dân Huỳnh Giản phá rừng?   (07/10/2003)
Nghề giữ trẻ   (06/10/2003)
"Một cửa": Người dân sẽ thuận lợi hơn   (06/10/2003)
Vì sao mô hình "Trung tâm học tập cộng đồng" ở Bình Định chậm triển khai thực hiện?   (05/10/2003)
Chuyện cộng đồng người Bình Định ở Long Khánh   (05/10/2003)
Một cách "hút" hội viên của Hội phụ nữ xã An Vinh   (03/10/2003)