Hoạt động xuất khẩu lao động: Đã có sự chuyển động tích cực
16:32', 20/10/ 2003 (GMT+7)

NLĐ đang chờ thủ tục ở Tân Sơn Nhất để sang Malaysia.

Đề án xuất khẩu lao động (XKLĐ) giai đoạn 2003-2005 và định hướng đến năm 2010 của tỉnh ra đời đã thổi một sức sống mới vào thị trường XKLĐ Bình Định, một thị trường mà trước nay hầu như bỏ quên…

* Khi thông tin về với người dân

Lễ tiễn đưa 29 lao động đi XKLĐ sang Malaysia tại Trung tâm đào tạo và XKLĐ (thuộc Công ty XNK Bình Định) cảm động nhưng cũng không kém phần sôi nổi. Người đi có mặt đã đành, người thân đến tiễn khá đông, rồi học viên các lớp đang học tại Trung tâm cũng đứng vòng trong vòng ngoài. Bà Lê Thị Liên ở Cát Hiệp (Phù Cát) dù nhà còn bộn bề công việc cũng cố thu xếp nghỉ một ngày vào Quy Nhơn tiễn con trai là anh Nguyễn Thiện Chu, 32 tuổi, đi Malaysia. "Nó (anh Chu) một vợ hai con, ở nhà làm ruộng khổ mà lại không dư, nên khi nghe tuyển LĐXK là nó đăng ký đi ngay", bà Liên cho biết. Còn Trần Ngọc Dũng, 24 tuổi, ở Cát Sơn (Phù Cát) lại khoe: "Đợt này dân Cát Sơn tôi có tới mấy người đi lận". Dũng cho biết gia đình anh đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Cát 20 triệu, cộng thêm một ít vốn của gia đình để cho anh đi XKLĐ đợt này. "Mỗi tháng lương cỡ chừng hai triệu rưỡi, hai triệu sáu trừ đi mọi khoản, dành dụm hơn năm chắc trả được nợ vay", Dũng tính toán.

Được biết đây là đợt thứ hai trong năm Trung tâm đưa người đi LĐXK. Đợt trước đã có 25 người đi làm việc tại Đài Loan. "Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi sẽ cố gắng đưa thêm 150 người đi làm việc, trong đó có khoảng 100 đi Malaysia. So với các năm trước tình hình khả quan hơn nhiều", ông Trần Minh Thụ, Quyền giám đốc Trung tâm đào tạo và XKLĐ cho biết. Còn ở Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH) đến nay đã có 130 người trúng tuyển đi LĐXK. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, 9 tháng đầu năm 2003, đã có 130 người được đưa đi lao động ở các nước như Đài Loan, Nhật Bản và Malaysia. Hiện 128 người khác đang làm các thủ tục. So với con số XKLĐ chỉ đạt 100-120 người/năm ở những năm trước thì tình hình XKLĐ năm nay khả quan hơn nhiều. Đạt được kết quả như vậy không thể không nói đến "chiến dịch đưa thông tin về XKLĐ đến với từng người dân". Các cơ quan, đơn vị tham gia công tác XKLĐ trong và ngoài tỉnh không chỉ đến từng huyện mà còn xuống đến tận xã phổ biến chủ trương XKLĐ của tỉnh, hướng dẫn cách thức vay tiền… để người dân địa phương nghe, hiểu và làm theo. "Đi tuyên truyền chắc đã mòn vài cặp lốp xe rồi", ông Thụ nói vui. Còn ông Hoàng Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) thì phấn khởi thông báo: "Nghe tuyên truyền đi XKLĐ dân rất phấn khởi, người đến hỏi thăm, đăng ký khá đông. Mới tuyên truyền cách đây có vài bữa mà nay đã có 15 thanh niên trong xã đăng ký xin đi, chỉ chờ công ty tuyển dụng ra tuyển. Tháng trước 4 thanh niên xã tôi vừa mới đi XKLĐ sang Nhật. Hiện 5 người nữa đang học tiếng nước ngoài ở Quy Nhơn".

* Khai thông vấn đề "đầu tiên"

Một trong những nguyên nhân chính khiến cho người lao động (NLĐ) trước đây ít mặn mà với chuyện XKLĐ chính là vốn bỏ ra chi phí cho các dịch vụ, tiền thế chân… quá lớn so với khả năng của họ. Và Đề án XKLĐ giai đoạn 2003-2005 và định hướng đến năm 2010 của tỉnh ra đời đã khai thông được vấn đề "đầu tiên" đó. Tỉnh hỗ trợ cho NLĐ một phần trong các chi phí ban đầu và đặc biệt các ngân hàng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Định, Chính sách xã hội tỉnh đã mở rộng cơ chế cho vay, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người đi XKLĐ được vay vốn dễ dàng hơn như nếu vay dưới 20 triệu đồng không cần thế chấp tài sản (Ngân hàng NN&PTNT). "Nếu đơn vị tuyển dụng mở tài khoản tại ngân hàng, và NLĐ có hợp đồng lao động đã ký với phía tuyển dụng thì chỉ 3-5 ngày sau chúng tôi sẽ giải ngân. Tiền vay được chuyển trả thẳng cho bên tuyển dụng", ông Nguyễn Đình Long, Trưởng phòng kinh doanh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết. Chỉ từ tháng 8 đến nay Ngân hàng NN&PTNT Bình Định đã cho 20 NLĐ vay 370 triệu đồng để đi XKLĐ. Trong đó có 18 người đi Malaysia, 1 đi Nhật và 1 đi Đài Loan. Dự kiến từ giờ đến cuối năm ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay khoảng 200 triệu nữa. Còn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đến nay cũng đã giải ngân được 410 triệu đồng. Mức vay bình quân là 20 triệu đồng/người và hầu hết đều vay đi Malaysia. "Cơ chế cho vay thoáng tạo điều kiện cho NLĐ đi XKLĐ nhiều hơn. Nhờ đó, mà thị trường XKLĐ cũng nóng lên rất nhiều" là nhận xét chung của các đơn vị tuyển dụng đang hoạt động tại Bình Định.

Những đổi mới trong cách nghĩ, cách làm về XKLĐ đã làm cho thị trường XKLĐ ở Bình Định đang có những bước khởi động đáng mừng. Với những tín hiệu khả quan như vậy hy vọng đích xuất khẩu được 500 lao động trong năm nay sẽ trong tầm tay với. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các cơ quan, đơn vị tuyển dụng trong tình hình hiện nay là phải đào tạo được nguồn lao động có tay nghề cao, ý thức kỷ luật tốt tránh tình trạng tuyển dụng, đào tạo vội vàng NLĐ để khi sang nước bạn NLĐ bỏ trốn hoặc bị trả về, làm mất thị trường XKLĐ.

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc  (19/10/2003)
Thu được thì thu, không thì thôi  (17/10/2003)
Tạm cư nhưng không tạm bợ  (16/10/2003)
Đã trở thành hiểm họa thật sự!  (15/10/2003)
Những chặng đường lịch sử công tác dân vận   (14/10/2003)
Hỗ trợ đào tạo nghề tại các doanh nghiệp: Tranh tối tranh sáng   (13/10/2003)
Nghề gặt lúa thuê  (12/10/2003)
Kiểng ăn trái - Một xu hướng mới   (10/10/2003)
Ngành Kiểm tra Đảng Bình Định: Những chặng đường lịch sử   (09/10/2003)
Càng tự hào với truyền thống tốt đẹp, càng phải nghiêm túc với những thiếu sót   (09/10/2003)
Quá tải tại các bệnh viện - bài toán chưa có lời giải   (08/10/2003)
Vì sao ngư dân Huỳnh Giản phá rừng?   (07/10/2003)
Nghề giữ trẻ   (06/10/2003)
"Một cửa": Người dân sẽ thuận lợi hơn   (06/10/2003)
Vì sao mô hình "Trung tâm học tập cộng đồng" ở Bình Định chậm triển khai thực hiện?   (05/10/2003)