Nơi cơn lũ đi qua
15:47', 22/10/ 2003 (GMT+7)

Nhiều vùng ở đông Tuy Phước vẫn còn ngập lụt (ảnh: Nguyễn Hân).

Cơn lũ lớn vừa qua đã gây thiệt hại lớn về người và của cho Bình Định. Dù đến nay nước lũ đã rút, nhưng các xã vùng sâu phía đông Bình Định như: Phước Sơn, Phước Hòa (Tuy Phước); Cát Chánh, Cát Nhơn, Cát Thắng (Phù Cát)... vẫn còn chìm trong biển nước bởi đê khu đông bị vỡ nhiều đoạn dài. Và vì thế, cuộc sống của nhân dân ở những vùng này đang hết sức khó khăn.

Chúng tôi lội lũ về xã Phước Sơn (Tuy Phước), nơi nước lũ vẫn còn mênh mang. Theo báo cáo của UBND xã, ước tính thiệt hại do cơn lũ gây ra cho Phước Sơn gần 3,5 tỷ đồng, trong đó có 121 nhà bị sập hoàn toàn khiến những người dân này lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Chị Lê Thị Ngọc Liên ở xóm 16, thôn Vinh Quang 1, kể lại: "Lúc 10 giờ đêm 19-10 tôi cùng với hai đứa con nhỏ đang ngủ trong nhà thì trời đột ngột mưa to, gió lớn. Tôi vội vã đưa hai đứa con chạy ra tới cửa thì nhà đổ sập hoàn toàn". Hiện nay gia đình chị phải xin ở nhờ nhà anh Tùng bên cạnh. Được biết, gia đình chị quá nghèo, 4 nhân khẩu mà chỉ trông vào 1 sào ruộng, để kiếm thêm thu nhập 2 vợ chồng còn tranh thủ nghề kéo ngao nhưng chỉ đủ sống qua ngày. Dù UBND xã đã hỗ trợ để gia đình chị xây dựng lại nhà, nhưng với số tiền khoảng 3 triệu đồng chẳng thấm vào đâu. Còn hộ chị Huỳnh Thị Năm cùng xóm với chị Liên cũng khá bi đát. Ngôi nhà nhỏ mà 2 vợ chồng chị làm cực lực trong mấy năm trời mới xây được giờ đổ sập hoàn toàn. Chị nói trong nước mắt: "Nhà sập không biết tiền đâu để xây lại, chồng tôi đi canh hồ tôm thuê cho người ta cũng chưa hay tin nhà mình bị sập. Mấy hôm nay phải xin ở tạm nhà bố mẹ".

Vượt 3 lần đò, chúng tôi mới tới được xã Phước Hòa, xã thiệt hại nặng nhất của huyện Tuy Phước. Đây là xã nằm ở hạ lưu sông Kôn, giữa 2 nhánh sông lớn Gò Bồi và Đập Cát nên nước lũ vẫn chưa rút đi. Tính đến thời điểm 11 giờ trưa 21-10 toàn xã đã có 60 nhà sập, 500 hộ cần cứu trợ khẩn chấp, ước tính thiệt hại toàn xã hơn 8 tỷ đồng. Phần lớn những nhà bị sập lại rơi vào hộ nghèo, hộ khó khăn. Cảm động nhất là gia đình anh Võ Hoài Đức, cuộc sống chỉ dựa vào 2,6 sào ruộng trong khi gia đình có một mẹ già 80 tuổi, một chị gái bị tàn tật, hai đứa con nhỏ và một đứa cháu ruột mồ côi. Bây giờ cả gia đình 7 người ấy phải chen chúc trong ngôi lều che tạm trước sân.

Gia đình anh Võ Hoài Đức (Tân Giản, Phước Hòa, Tuy Phước) bên ngôi nhà bị sập (ảnh: Nguyễn Hân).

Mặc dù chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh, huyện và địa phương đã huy động các lực lượng kịp thời khắc phục hậu quả, tổ chức cứu trợ và thăm hỏi, động viên nhưng cuộc sống của những hộ dân vùng ngập lụt nêu trên vẫn chưa ổn định lại được. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết: "Để hỗ trợ phần nào khó khăn cho những gia đình này, trước mắt xã đã trích ngân sách 10 triệu đồng để tổ chức cứu trợ."

Cũng như Tuy Phước, huyện Phù Cát là một trong những địa phương có nhiều thiệt hại nặng. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện đã có 58 nhà sập (trong đó 4 nhà bị cuốn trôi ở xã Cát Thắng do vỡ đê Văn Trí), 65 nhà bị hư hỏng nặng, 7 người chết… thiệt hại ước khoảng 20 tỷ đồng. Trong đó nhiều nơi ở 3 xã Cát Thắng, Cát Nhơn, Cát Chánh vẫn còn bị cô lập bởi nước lũ. Đặc biệt tại thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, nước lũ vẫn còn chảy xiết do cống Ông Sư (thuộc đê sông Kôn) bị vỡ chưa khắc phục được. Có mặt tại Trường tiểu học số 1 Cát Nhơn, chứng kiến cảnh người dân sống chung với gia súc, chúng tôi mới thấy hết được nỗi cơ cực của người dân nơi đây. Sinh hoạt của họ gặp vô cùng khó khăn, nước phục vụ cho ăn uống là nước lũ xử lý bằng thuốc Cloramin B để khử trùng. Họ phải sống trong cảnh tù mù bởi trụ điện ngã và đường dây trung thế bị dứt. Học sinh ở các xã này vẫn chưa thể đến trường được.

Theo ông Nguyễn Hữu Miên, Chánh văn phòng UBND huyện Phù Cát, đến nay huyện đã chi từ ngân sách trên 300 triệu đồng hỗ trợ cho những hộ có người chết, nhà trôi, sập và mua thực phẩm cứu trợ kịp thời những nơi đặc biệt khó khăn trước khi các đoàn cứu trợ đến.

Hơn lúc nào hết, cùng với sự nỗ lực của tỉnh và các ngành chức năng, các hộ dân ở các vùng ngập lụt đang rất cần sự sẻ chia của cả cộng đồng để giúp họ nhanh chóng vượt qua cơn hoạn nạn này.

. Nguyễn Phúc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng giai cấp   (21/10/2003)
Hoạt động xuất khẩu lao động: Đã có sự chuyển động tích cực  (20/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc  (19/10/2003)
Thu được thì thu, không thì thôi  (17/10/2003)
Tạm cư nhưng không tạm bợ  (16/10/2003)
Đã trở thành hiểm họa thật sự!  (15/10/2003)
Những chặng đường lịch sử công tác dân vận   (14/10/2003)
Hỗ trợ đào tạo nghề tại các doanh nghiệp: Tranh tối tranh sáng   (13/10/2003)
Nghề gặt lúa thuê  (12/10/2003)
Kiểng ăn trái - Một xu hướng mới   (10/10/2003)
Ngành Kiểm tra Đảng Bình Định: Những chặng đường lịch sử   (09/10/2003)
Càng tự hào với truyền thống tốt đẹp, càng phải nghiêm túc với những thiếu sót   (09/10/2003)
Quá tải tại các bệnh viện - bài toán chưa có lời giải   (08/10/2003)
Vì sao ngư dân Huỳnh Giản phá rừng?   (07/10/2003)
Nghề giữ trẻ   (06/10/2003)