Nghề bán rơm...
15:51', 22/10/ 2003 (GMT+7)

Dọc Quốc lộ 19, từ vài năm trở lại đây, mọc lên những tấm biển "Bán rơm". Từ bán rơm nhà, các hộ dân này còn thu mua rơm để bán. Một dịch vụ mới đã thành hình...

* Cạnh tranh... rơm

Dọc Quốc lộ 19, chỉ trên dưới 3km đoạn từ Bưu điện Lộc Thọ trở xuống, đã có hàng chục điểm bán rơm. Có điểm đã trương bảng hiệu, không quên ghi thêm dòng quảng cáo về một điểm đỗ xe an toàn, uy tín.

Tấp vào một điểm bán rơm Chín Dư (xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn) bên đường, một chị phụ nữ ló đầu ra, tíu tít: "Chú em mua rơm về cho bò sữa hả? Yên tâm, nhiều nhà nuôi bò sữa đều đến mua rơm ở đây cả, đảm bảo chất lượng, uy tín". Theo chị Mười, tên người phụ nữ, rơm của gia đình chị bán cho các hộ nuôi bò sữa là loại rơm vụ đông xuân và thu. Loại rơm này được chị mua với số lượng nhiều và tích trữ và gửi cho các hộ khác trong xóm, muốn bao nhiêu cũng có. Còn rơm vụ ba, chất lượng kém hơn, do trong vụ này, lúa ngập trong nước, ngậm bùn nên chỉ bán cho những người lót xe dưa.

Qua câu chuyện với chị Mười, tôi được biết, gia đình chị đã làm nghề bán rơm này từ bốn, năm năm nay và vào loại lâu năm nhất trong khu vực này. "Còn giá cả thì thế nào?" - tôi hỏi. "Xe tải, xe công nông trăm năm chục ngàn một xe". Thấy tôi có ý chê đắt, chị Mười nói ngay: "Không đắt đâu! Các hộ khác họ có thể lấy thấp hơn chút đỉnh, nhưng chất lượng không bằng. Chú không tin thì cứ đi xem cho biết, rồi quay lại mua".

Cách nhà chị Mười chỉ vài nhà, là điểm bán rơm Duy, bề thế hơn với một sân bãi khá rộng. Các cây rơm vun tận ngọn và rơm tràn đầy bãi. Anh Nguyễn Phước Duy tâm sự: "Tui làm nghề này từ năm 2001 đến nay. Lúc đầu, tui cũng chỉ lấy rơm từ thửa ruộng của nhà, bán rơm cho người nuôi bò. Vài ba năm trở lại đây, thấy nhiều người hỏi mua quá, vậy là tui quyết định mở rộng quy mô và tiến hành thu mua thêm của bà con trong vùng. Nhưng để bán được, đâu phải có rơm là đủ. Vấn đề là phải có cái sân cho rộng, có chỗ đậu xe cho an toàn thì mới hấp dẫn được người mua. Vậy là tui mượn thêm sân nhà ông già, làm thành bãi rơm rộng này, xe ra vô thoải mái, nên khách cũng thích lắm".

* Ai bán, ai mua ?

Cứ vào mùa thu hoạch, nhất là vụ đông xuân và hè thu, những người bán rơm đã có mặt tại từng chân ruộng để mua rơm. Với thời giá hiện nay, rơm lấy từ một sào ruộng có giá từ 15.000 đến 20.000 đồng, nhờ vậy, người nông dân cũng có thêm chút thu nhập. Một hộ nông dân vui vẻ: "Từ ngày có dịch vụ mua rơm, nói thật là tụi tui cũng đỡ khổ và nhất là thêm chút thu nhập".

Sự phát triển của nghề nuôi bò sữa, nghề trồng dưa hấu và nghề làm nấm là thời cơ lớn cho nghề kinh doanh rơm xuất hiện. Nhất là từ khi hình thành trang trại nuôi bò sữa Nhơn Tân, phong trào bán rơm càng phát triển mạnh. Mỗi cơ sở mua hàng hai, ba chục xe một đợt. Tính ra, chỉ riêng các cơ sở nuôi bò sữa ở khu vực này, mỗi vụ, thu mua lên đến trên dưới cả một, hai trăm xe.

Anh Duy phân tích: "Nghề nuôi bò sữa sẽ còn phát triển mạnh. Ngay tại Khu chăn nuôi tập trung Nhơn Tân, vẫn còn những cơ sở đang đầu tư xây dựng. Khi những cơ sở này đi vào hoạt động, nhu cầu rơm sẽ còn tăng. Đó là chưa kể số hộ dân nuôi bò sữa đang ngày càng gia tăng. Nghề này còn có thời cơ phát triển".

Ngoài bán cho các hộ nuôi bò sữa, rơm còn được bán cho các xe chở lên tận các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi… mua dưa hấu. Anh Duy cho biết: "Ngày vào vụ dưa Tết, tháng giêng, tháng hai, mỗi tháng có thể bán 40 đến 50 xe rơm cho các xe dưa". Rơm bán cho các xe dưa loại này, chất lượng đòi hỏi không cao và đây cũng là một nguồn đầu ra đáng kể. 

Trừ chi phí, tiền công chở và phơi, mỗi xe rơm, mỗi chủ xe cũng kiếm được hai, ba chục ngàn đồng. Đây là một nguồn thu nhập không nhỏ với nhà nông. Do vậy, thật dễ hiểu là ngoài những hộ kinh doanh đã có bảng hiệu, còn không ít hộ khác đang muốn vào kinh doanh mặt hàng này.

* Cẩn trọng với rơm !

Không chỉ mang lại thu nhập thêm cho người nông dân, kinh doanh rơm còn là một loại dịch vụ hậu cần cần thiết cho nghề nuôi bò sữa, làm nấm, dưa hấu… Phát triển dịch vụ này còn góp phần hạn chế tình trạng rơm rạ người nông dân thu hoạch xong, phơi rơm tràn lan trên các trục lộ giao thông.

Tuy nhiên, các điểm bán rơm cũng cần được nhắc nhở không cho xe chất rơm lấn chiếm lòng lề đường và không để rơm vương vãi trên mặt Quốc lộ. Phương án chống cháy cũng cần phải được tính toán đến vì vào mùa khô, mùa mà nghề này phát triển nhất, chỉ một đầu tàn thuốc lá vô ý ném vào cây rơm, cũng có nguy cơ phát hỏa.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nơi cơn lũ đi qua   (22/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng giai cấp   (21/10/2003)
Hoạt động xuất khẩu lao động: Đã có sự chuyển động tích cực  (20/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc  (19/10/2003)
Thu được thì thu, không thì thôi  (17/10/2003)
Tạm cư nhưng không tạm bợ  (16/10/2003)
Đã trở thành hiểm họa thật sự!  (15/10/2003)
Những chặng đường lịch sử công tác dân vận   (14/10/2003)
Hỗ trợ đào tạo nghề tại các doanh nghiệp: Tranh tối tranh sáng   (13/10/2003)
Nghề gặt lúa thuê  (12/10/2003)
Kiểng ăn trái - Một xu hướng mới   (10/10/2003)
Ngành Kiểm tra Đảng Bình Định: Những chặng đường lịch sử   (09/10/2003)
Càng tự hào với truyền thống tốt đẹp, càng phải nghiêm túc với những thiếu sót   (09/10/2003)
Quá tải tại các bệnh viện - bài toán chưa có lời giải   (08/10/2003)
Vì sao ngư dân Huỳnh Giản phá rừng?   (07/10/2003)