Phan Văn Sơn – tấm gương sáng của vùng lũ
16:37', 23/10/ 2003 (GMT+7)

Trong suốt gần 10 ngày qua (từ 14 đến 23-10), người dân Bình Định đã phải chống chọi vượt qua thiên tai, lũ lụt. Hàng ngàn ngôi nhà ngập chìm trong nước lũ, trên 225 ngôi nhà bị sập đổ, hàng trăm gia đình phải sống trong cảnh "màn trời, chiếu đất". Thế nhưng, vượt lên trên tất cả là những gương dũng cảm cứu người, cứu cứu tài sản của Nhà nước, nhân dân và những tấm lòng sẻ chia… Điều đáng quý là ngay tại vùng lũ cũng đã xuất hiện không ít những gương sáng. Một trong số những người như vậy là anh Phan Văn Sơn, đội viên Đội Phòng chống lụt bão (PCLB) của xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát.

Anh Phan Văn Sơn (trái) với PV Báo Bình Định.

Anh Phan Văn Sơn năm nay 34 tuổi, hiện trú tại thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp (Phù Cát). Vợ chồng anh sinh được 3 người con và cả 3 đều còn nhỏ. Đứa con lớn của anh chị năm nay 9 tuổi, học lớp 2, đưa thứ hai 6 tuổi và đứa thứ ba mới được 2 tuổi. Gia đình anh Sơn sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Mặc dù vậy, hầu như có việc gì mà thôn, xã cần thì anh đều tham gia nhiệt tình. Cho nên, anh Sơn được chọn vào đội PCBL của xã Cát Hiệp. Ngày 17-10, vào khoảng 12 giờ trưa, được tin Đài truyền thanh xã Cát Hiệp thông báo tập trung lực lượng của Đội PCBL đi đắp đường bị lở tại cầu Bảy Bảo, anh tạm gác việc nhà bề bộn và đi ngay. Dưới trời mưa và cường độ dòng chảy lớn, anh Sơn và 7 thành viên trong Đội cùng xúc cát cho vào bao để để các xe công nông chở đi, đắp đường ngăn không cho dòng chảy làm xói đất. Đến gần 12g30, do dòng chảy quá mạnh làm xói lở các trụ đầu cầu, một thanh sắt chắn cầu dài hơn 1,2 m, dầy khoảng 17 cm bất ngờ đổ xuống đầu, làm anh bất tỉnh. Đồng đội và chính quyền xã lập tức đưa anh vào Trung tâm Y tế huyện Phù Cát. Tuy nhiên, do Trung tâm y tế huyện không có khả năng chẩn trị về chấn thương sọ não, anh Sơn được khẩn cấp đưa về BVĐK tỉnh. Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán anh bị chấn thương sọ não – rò dịch não tủy qua tai phải. Nhờ sự tận tình cứu chữa của tập thể y-bác sĩ Khoa Ngoại, Thần kinh và Cột sống, tình hình sức khỏe của anh Sơn đang dần hồi phục.

Sáng ngày 23-10, chúng tôi đến thăm anh Phan Văn Sơn tại BVĐK Bình Định. Mặc dù đã qua gần một tuần điều trị, nhưng anh Sơn gần như vẫn còn "thất thần" khi nhớ lại tai nạn vừa qua. Bằng giọng nói có phần mệt mỏi, anh kể lại với chúng tôi về cuộc chiến chống lũ hôm đó. Cuộc trò chuyện của anh Sơn với chúng tôi bị gián đoạn khá nhiều vì một bên tai anh gần như "điếc đặc" do bị chấn thương nặng. Chúng tôi cũng được gặp chị Nguyễn Thị Thanh Lan, 33 tuổi, vợ của anh Sơn đang ở nuôi chồng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trong khi anh Sơn gặp tai nạn thì mẹ anh, cụ Ngô Thị Long, 71 tuổi, do bị đau thận cũng đang điều trị tại Khoa Nội BVĐK tỉnh. Gia đình anh Sơn làm nghề nông và anh là lao động chính. Một điều khó khăn nữa là hiện chị Lan vừa phải tất bật lo chuyện cơm áo cho cả nhà, vừa nuôi chồng lại phải cáng đáng việc chăm sóc mẹ chồng. Ba đứa con nhỏ của anh chị đành phải nhờ bà ngoại cưu mang, giúp đỡ.

Tấm gương của anh Phan Văn Sơn thật đáng trân trọng và biểu dương. Hiện tại, gia đình anh Phan Văn Sơn đang hết sức khó khăn và rất cần những tấm lòng sẻ chia của mọi người. Và, khi chúng tôi chuẩn bị kết thúc bài viết này thì được biết cùng trong sáng ngày 23-10, một số cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh Bình Định cũng đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà giúp đỡ anh Sơn. Trước đó, UBND huyện Phù Cát cũng đã hỗ trợ và giúp đỡ cho anh Sơn và gia đình.

. Viết Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những kết quả bước đầu của Dự án ngôn ngữ trị liệu  (23/10/2003)
Nghề bán rơm...  (22/10/2003)
Nơi cơn lũ đi qua   (22/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng giai cấp   (21/10/2003)
Hoạt động xuất khẩu lao động: Đã có sự chuyển động tích cực  (20/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc  (19/10/2003)
Thu được thì thu, không thì thôi  (17/10/2003)
Tạm cư nhưng không tạm bợ  (16/10/2003)
Đã trở thành hiểm họa thật sự!  (15/10/2003)
Những chặng đường lịch sử công tác dân vận   (14/10/2003)
Hỗ trợ đào tạo nghề tại các doanh nghiệp: Tranh tối tranh sáng   (13/10/2003)
Nghề gặt lúa thuê  (12/10/2003)
Kiểng ăn trái - Một xu hướng mới   (10/10/2003)
Ngành Kiểm tra Đảng Bình Định: Những chặng đường lịch sử   (09/10/2003)
Càng tự hào với truyền thống tốt đẹp, càng phải nghiêm túc với những thiếu sót   (09/10/2003)