|
Các cán bộ y tế đang xử lý giếng nước sau lũ. (ảnh: Tường Lộc) |
Sau nhiều ngày ngập lụt, các trường học tại các huyện vùng rốn lũ đã bắt tay vào công tác khắc phục hậu quả để học sinh nhanh chóng trở lại trường. Tuy nhiên, đến sáng 23-10, tại một số trường ở phía đông Tuy Phước, số học sinh đến lớp vẫn chưa đầy đủ.
* Gian nan đường đến trường
Huyện Tuy Phước được xem là vùng rốn của lũ. Hàng năm, vào mùa bão lũ, các trường học đóng trên địa bàn huyện, nhất là vùng đê khu Đông, đều bị nhấn chìm trong nước. Mỗi khi mưa to kết hợp với mực nước sông Kôn lên cao, học sinh các xã Phước Sơn, Phước Hòa phải đi học trên những chiếc ghe. Có mặt tại bến đò thôn Dương Thiện (Phước Sơn) trong những ngày lũ lụt vừa qua, tôi tận mắt chứng kiến cảnh 5, 6 học sinh trường THPT Nguyễn Diêu cùng chen chúc nhau trên một chiếc ghe mỏng manh để về nhà bên kia sông. Đó là chưa kể số học sinh lớp 5 từ Huỳnh Nam phải đi đò gần 20 phút mới đến được trường học ở Huỳnh Xa (Huỳnh Giảng) bất kể nắng hay mưa. Anh Hiệp, một chủ ghe trú tại thôn Dương Thiện, Phước Sơn, cho tôi biết: "Đã hơn 10 năm nay, tôi chạy ghe đưa các em học sinh ở bên kia sông (thôn Huỳnh Giảng, Phước Hòa) đi về trên bến đò này. Vào những ngày lụt lớn, nước lên nhanh làm ngập cả các vùng xung quanh thì các em mới nghỉ học, chứ còn chỉ như thế này tụi nhỏ cũng vẫn đến trường bình thường".
Ông Phạm Tích Hiếu - Trưởng phòng GD-ĐT Tuy Phước: Từ đầu năm đến nay, Tuy Phước đã trải qua 2 đợt mưa lớn kết hợp với triều cường đã tác động mạnh đến con em gia đình nghèo trong vùng lũ. Hầu hết các gia đình này đều bị sập hoặc ngập nước lâu ngày nên ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Trong khi chờ sự chỉ đạo của cấp trên, trước mắt Phòng tiến hành cuộc vận động mang tính xã hội hóa: phối hợp với Hội khuyến học huyện, các xã giúp đỡ cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời, vận động học sinh các xã ít bị lũ ủng hộ quần áo và sách vở. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời bởi tình hình thời tiết còn diễn biến rất phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường PTCS Hòa Thắng (Phước Hòa, Tuy Phước): Học sinh của trường tập trung ở thôn Huỳnh Giảng, đi lại cách trở đò giang, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào hồ tôm. Đợt lũ này, nước lớn bất ngờ nên nhiều hộ gia đình bị trắng tay. Trước tình thế này, dự kiến nhiều học sinh (đặc biệt là các lớp lớn) sẽ bỏ học. Nhà trường đã có kế hoạch đến từng nhà kêu gọi các gia đình đưa con em mình đến trường.
Ông Nguyễn Văn Khế - Hiệu phó Trường Tiểu học số 1 Cát Nhơn (Phù Cát): Đến nay, cả 3 điểm trường ở Chánh Mẫn và Đại Hữu đã đi vào giảng dạy bình thường. Khoảng thời gian nghỉ lụt, nhà trường sẽ khắc phục bằng cách dạy bù trong 2 ngày cuối tuần trong vòng 2 tuần liền thì ổn định. Điều lo nhất hiện nay là số học sinh ở thôn Chánh Mẫn có đoạn đê sông Kôn bị sạt lở nặng không sang bên trường chính phải học ghép vào các cụm phụ gây khó khăn cho giáo viên đứng lớp. |
Trở lại nơi đây khi đợt lụt vừa đi qua, dù vẫn còn nước ngập mênh mông nhưng trước mắt tôi, vẫn chiếc ghe mỏng manh ấy, vẫn người đưa đò ấy cặm cụi đưa các em học sinh đi - về mỗi ngày. Thật nguy hiểm.
* Khi cơn lũ đi qua
"Nắm được đặc điểm của huyện thường xuyên bị nước lũ đe dọa, từ nhiều năm nay Phòng GD-ĐT huyện đã chủ động tham mưu với Sở GD-ĐT và UBND huyện cho các trường đóng trên địa bàn huyện được học sớm một tuần so với ngày khai giảng đầu năm. Thế nhưng với đợt lụt vừa qua, Phòng cũng không nghĩ mức độ sẽ kinh hoàng như thế" - ông Phạm Tích Hiếu, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuy Phước cho biết như vậy. Theo thống kê ban đầu, cơ sở vật chất của ngành đã bị hư hỏng khá nhiều. Đã có hơn 25 phòng học bị nứt tường, mái hỏng nặng, phần móng bị xói lở cần được xây dựng thay thế. Ngoài ra, ở các xã vùng sâu như Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Quang, Phước Hưng, Phước Thuận, các phòng học bị ngập nước làm hư hỏng khoảng 375 bộ bàn ghế, tường rào mái ngói và các công trình phụ khác cũng bị hư hỏng nặng. Riêng cụm trường An Cửu (trường Tiểu học số 1 Phước Hưng) và cụm trường Háo Lễ (Trường Tiểu học số 2 Phước Hưng) đã có tới 11 phòng học cần xây dựng mới.
Trong khi đó tại huyện Phù Cát, ngành Giáo dục cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều phòng học cũ do không chịu nổi với nước mưa lâu ngày đã bị nứt tường, mái ngói bị bay mất hàng loạt, nhất là tại các trường thuộc các xã Cát Hải, Cát Chánh, Cát Hiệp... Nặng nhất phải kể đến trường Tiểu học Cát Nhơn bị sập 5 phòng học, và do đoạn đê sông Kôn bị sạt lở lớn nên học sinh ở đây phải tập trung học ghép tại cụm trường Chánh Mẫn.
Trước tình hình nhiều trường học nằm trong vùng bị ngập lũ, Các Phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo cho các trường khắc phục dần những hư hỏng nhẹ, dọn dẹp vệ sinh phòng ốc để nhanh chóng đưa học sinh trở lại học bình thường. Tuy nhiên, nhiều trường số học sinh đến lớp vẫn chưa đầy đủ. Đến sáng 23-10, tại trường PTCS Hòa Thắng (Tuy Phước), lớp 6A1 của thầy Huỳnh Thân chỉ "lèo tèo" vài học sinh. Còn giờ lên lớp của 2 cô giáo Nguyễn Đỗ Bảo Châu và Nguyễn Thị Khanh cùng trường lại không thể diễn ra như thường lệ vì không có học sinh đến lớp. Trong khi đó, học sinh tại các lớp ở trường Tiểu học số 1 Cát Nhơn (Phù Cát) không quá 85%.
Cơn lũ đã đi qua, nhưng hậu quả của nó đã ảnh hưởng rất lớn cho người dân Bình Định, trong đó có ngành Giáo dục. Khẩn trương khắc phục hậu quả để các học sinh được đi học trở lại là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều cấp, ngành chức năng.
. Lê Thu Hiền
|