|
Các công nhân vệ sinh của cảng cá đang quét rác xuống biển |
Mặt nước biển trong xanh êm như bàn thạch, ven bờ những bao rác ngủ vùi trên cát, như đang chờ những con nước để theo sóng ra khơi. Đó là hình ảnh tương phản không đẹp mắt thường gặp trên bờ biển Quy Nhơn.
* RÁC: MỌI NƠI, MỌI LÚC!
Điểm tham quan du lịch Bãi Trứng (Bãi tắm Hoàng Hậu), dù đã có biển báo yêu cầu giữ vệ sinh chung, nhưng khách tham quan vẫn vô tư vứt vỏ trái cây, giấy, túi ni- lon… xuống mặt nước biển. Ngoài ra, nguồn rác trôi nổi từ các vùng lân cận tấp vào, nên nơi này thật sự chưa sạch, nó có ảnh hưởng đến việc thu hút khách tham quan du lịch đến với Bãi Trứng.
Men theo bờ biển thuộc phường Trần Phú (khu II cũ), những đống rác nằm sát mép nước, những túi ni-lon đựng rác trôi vật vờ trên mặt biển. Nhiều người dân ở đây ném xuống biển những thứ phế thải, cảnh những người tồng ngồng phóng uế trên bãi cát (gần mép nước) trông đến ngao ngán. Chợ tạm ở Khu vực II, III phường Trần Phú chỉ cách mép nước biển chừng 20m, nó được dựng tạm trên bãi cát, dọc ngang là những rãnh nước đen ngòm chảy tràn ra đất, đây cũng là nơi "cung cấp rác" cho bãi biển và tạo nên mùi xú uế cả một vùng.
Cầu Hàm Tử (ở Khu I cũ), mặt nước dưới chân cầu luôn trôi nổi nhiều rác bẩn. Khi chúng tôi đang đứng trên cầu quan sát, ở phía dưới là một chiếc ghe lớn làm đại lý xăng dầu đang neo đậu. Một người phụ nữ từ trong ca- bin ghe bước ra, cầm can dầu bẩn đổ ồng ộc xuống mặt nước. Một người trong chúng tôi bức xúc gọi xuống: "Sao chị đổ dầu dơ xuống nước?". Người phụ nữ ấy trả lời một cách vô tư: "Chớ biết đổ ở đâu?" Khi những vết dầu lớn, đen ngòm loang ra trên mặt nước, một số người đang ngồi trên những chiếc ghe máy neo đậu chờ khách gần đó lại hào hứng ném những cùi bắp, hạt xoài, xơ mía… xuống những vết dầu loang (để nó mau tan ra). Chưa hết ngạc nhiên vì hành vi trên, chúng tôi lại chứng kiến cảnh một phụ nữ khác từ trong nhà (gần cầu) bưng ra một giỏ lớn và hắt rác xuống mặt nước. Những vỏ cua, ghẹ nổi lềnh bềnh trên mặt nước, kéo theo những vỏ chuối, những gốc rau xanh, một số túi ni- lon… thế là tất cả những gì có thể gọi là rác rưởi đã theo con nước vật vờ trôi dần, trôi dần và ra khơi. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn, là chính những nữ công nhân vệ sinh của cầu cảng đang dùng chổi quét rác trên cầu xuống mặt nước. Trả lời chúng tôi, một chị công nhân cho biết: "Nhiệm vụ của công nhân vệ sinh cầu cảng là hàng ngày quét rác xuống nước làm sạch mặt cầu. Hôm nào cá, mắm… rơi vãi nhiều thì chúng tôi phải dùng nước để dội rửa. Rác ở dưới nước thì đã có đội vớt rác của Công ty môi trường đô thị lo, độ mươi ngày họ đến vớt rác một lần". Thì ra mặt nước còn là cái túi đựng rác khổng lồ, nên mọi người tha hồ tống rác vào cái túi ấy!. Và ở cầu cảng này, chúng tôi không tìm đâu ra thùng rác công cộng mà đáng ra nó phải có.
* DẸP RÁC THẾ NÀO ?
Bờ biển, bờ đầm bao quanh khu dân cư ở thành phố Quy Nhơn dài đến khoảng 15 km, lượng rác trôi nổi và rác sinh hoạt của các hộ dân thải ra trên mặt nước khá lớn, nên việc làm sạch ven bờ hàng ngày là rất khó khăn. Anh Võ Thanh Hải- Đội phó Đội vệ sinh mặt nước cho biết: "Đáng ra chức năng của Đội vệ sinh mặt nước là chỉ vớt rác trôi nổi từ các dòng chảy tấp vào bờ và lấy rác từ những con tàu lớn neo đậu ở các bến. Nhưng thực tế lượng rác sinh hoạt của các hộ thải ra trên mặt nước ven bờ rất lớn, lại không tập trung. Chi phí cho việc dùng ca- nô vớt rác trôi nổi là khá lớn, trước mắt chúng tôi chỉ hoạt động thường xuyên từ Mũi Tấn đến cầu Chữ Y, là nơi có lượng rác tập trung nhiều theo con nước; còn phần rác trôi nổi trên mặt nước vẫn là nỗi lo". Dù Công ty môi trường đô thị thành phố Quy Nhơn có làm tốt đến đâu, nhưng ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường của mọi cá nhân, mọi gia đình và mọi đơn vị chưa tốt, thì thành phố vẫn còn phải sống chung với rác và bờ biển vẫn là nơi chứa rác. Chỉ có sự tự giác của mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan đơn vị mới có thể tạo được một bờ biển Quy Nhơn trong xanh, thoáng sạch và thơ mộng. Chính quyền các cấp cần có những hướng dẫn cụ thể hơn về việc xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường đô thị và mặt nước. Đồng thời, tăng cường lực lượng kiểm tra và có những hình thức tuyên truyền vận động mọi người, mọi nhà, mọi công sở giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp cho bờ biển và cho thành phố.
. NGỌC DIÊN