Hấp dẫn vải ký
17:24', 30/10/ 2003 (GMT+7)

Một tiệm bán vải ký ở Quy Nhơn

Vài tháng trở lại đây, ở Quy Nhơn, lượng khách đến các tiệm vải ở đường phố lớn thưa thớt hơn trước khá nhiều. Ngược lại, các cửa hàng vải ký tuy mới mọc lại luôn đông đảo khách hàng. Người đến mua không ít, người đến xem cũng không kém phần…

* Vải ký lấn vải hiệu?

"Nói giảm quá nửa thì hơi quá, nhưng khách đến đây mua vải ít hơn trước nhiều. Bây giờ bán các loại áo quần may sẵn chạy hơn" - chị T., một chủ tiệm vải khá lớn ở đường Trần Hưng Đạo thổ lộ. Và đây không chỉ là nhận xét chung của chị T mà còn là ý kiến chung của một số tiệm vải khác. Chị L., một chủ tiệm vải khác nhận xét: "Công bằng mà nói thì vải ký giá rẻ hơn, chủng loại nhiều hơn. Nhưng sức mấy mà tốt như vải mới ở đây được".

Chẳng biết chất liệu vải như thế nào nhưng về chủng loại, màu sắc của vải ký thì quả là đa dạng. Từ các loại như voan mỏng, taffa, katê thun, thun cotton, lanh để may áo đầm hay áo sơ mi đến các loại vải có gắn kim sa, kim tuyến đủ màu; các loại vải nhung, kaki thích hợp để may các loại áo dài, áo khoác, rồi vải nỉ để may quần áo ấm hoặc làm chăn đắp… Tất cả đều có đủ.

Vải ký không nguyên súc, nguyên cây như các loại vải bán ở các chợ mà có từng mảnh một. Có mảnh dài đến hàng chục mét nhưng cũng có khi chỉ vừa đủ may một áo sơ mi ngắn tay. Khổ vải cũng không thống nhất: loại khổ 1m2, 1m6, 1m4 hoặc chỉ 0,8 m, đôi khi chỉ là một mảnh đã bị cắt dở chỉ còn độ vài tấc, chẳng đủ may một món gì.

Vải ký hút khách bởi hai đặc điểm: "không đụng hàng" và giá rẻ. Vải ký chủ yếu là vải ngoại nhập của Hàn Quốc, Đài Loan… nhưng không tiêu thụ hết hoặc đã lạc mốt. Nếu bán theo thời giá thông thường, phải đắt gấp nhiều lần, trong khi cũng với chất liệu vải như vậy mà giá của các loại vải ký rất bèo.

T. D, một nhân viên lễ tân khách sạn, cho biết: "May một áo dài mà chỉ tốn có 25 ngàn tiền vải, nếu ra các hiệu vải mua, chí ít cũng mất 80 ngàn. Tôi đã mua liền một lúc 5 cái áo dài, vậy mà vẫn thấy rẻ chán!". Còn T., giáo viên Trường PTTH Hùng Vương giải thích: "Tôi thích mua vải ký vì giá bèo, lại có nhiều hàng độc, đảm bảo mặc không đụng hàng. Vả lại thời trang thay đổi luôn luôn, mua vải mắc thì xót tiền lắm". Một số tiệm may cũng đi mua vải ký, may thành quần áo may sẵn và bán cho khách hàng. "Mỗi lần họ mua cả chục ký" - chủ tiệm vải ký T.H cho biết.

* Và cạnh tranh

Khi vải ký mới "nhập" về Quy Nhơn chỉ lác đác một vài tiệm bán. Nhưng khi thị trường ở đây bắt đầu "hít" loại vải này mạnh thì các cửa hiệu vải ký liên tiếp mọc lên. Chị K.N, chủ tiệm may K.N thổ lộ: "Trước tôi chỉ chuyên may, nay tranh thủ bán thêm loại vải này. Ai đến mua vải mình đều tư vấn về màu sắc, kiểu cách. Nếu họ thích thì đặt cho mình may luôn. Khách đến may và mua vải khá đông". Ngoài may cho khách hàng, K.N còn may cả quần áo bán sẵn.

Hiện ở Quy Nhơn phải có đến hơn chục điểm bán vải ký. Để cạnh tranh nhau các chủ tiệm phải thường xuyên đi lấy hàng mới về để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chị L. một chủ tiệm ở đường Trần Phú nói: "Trước đây, thông thường cứ một tuần hoặc quá lắm là nửa tháng tôi phải vào trong Sài Gòn lấy hàng, còn bây giờ thì phải liên tục có hàng mới. Nếu không thì khó giữ được khách". Các biển "hàng mới về" luôn được trưng ra tại các cửa hiệu để thu hút khách hàng.

Và không chỉ có vậy, giá bán cũng phải "mềm" hơn trước. Đầu tiên vải ký được bán với giá 12.000-14.000 đồng/lạng nhưng nay hạ dần chỉ còn 6.000-10.000 đồng/lạng tùy theo loại. Ở tiệm vải ký T.H trên đường Trần Phú trưng bảng thật to "Vải ký: 9.000 đồng/lạng" để gây sự chú ý của khách hàng. "Chủ yếu là để kiếm thêm bạn hàng và giữ khách. Chứ bán giá này thì lời không bao lăm" - chủ tiệm vải T.H phân trần. Đây là cửa hàng thứ hai của cô, mới mở chừng hơn tuần nay, cửa hàng đầu tiên mở đã khá lâu ở đường Phan Bội Châu. Một số cửa hàng khác lại ra "chiêu" nhận may luôn cho khách với tiền công rất mềm. Áo các kiểu: 10.000 đồng/cái; áo đầm: 15.000 đồng/cái và quần tây chỉ 15.000-20.000 đồng.

Không biết trào lưu vải ký kéo dài đến bao lâu, nhưng vào thời điểm hiện nay, xem ra các cửa hiệu vải ký tại Quy Nhơn làm ăn rất phát đạt, góp phần làm cho thị trường vải và quần áo ở đây thêm nhộn nhịp hơn.

. THU HÀ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Bình Định: Nửa nhiệm kỳ nhìn lại   (29/10/2003)
Hoài Ân, Hoài Nhơn nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt   (28/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc   (28/10/2003)
Biển… rác   (27/10/2003)
Xe lam ba bánh: phập phồng chờ chính sách   (26/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng con người   (26/10/2003)
Nhiều học sinh vùng lũ vẫn chưa đến lớp   (24/10/2003)
Phan Văn Sơn – tấm gương sáng của vùng lũ  (23/10/2003)
Những kết quả bước đầu của Dự án ngôn ngữ trị liệu  (23/10/2003)
Nghề bán rơm...  (22/10/2003)
Nơi cơn lũ đi qua   (22/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng giai cấp   (21/10/2003)
Hoạt động xuất khẩu lao động: Đã có sự chuyển động tích cực  (20/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc  (19/10/2003)
Thu được thì thu, không thì thôi  (17/10/2003)