Phật giáo thực hành "từ bi hỷ xả" nhưng kiên quyết lên án sự vu khống, dối trá
16:40', 31/10/ 2003 (GMT+7)

Hòa thượng Thích Thanh Tứ (ảnh: VOV NEWS)

Ngày 29-10, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XI, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội, đã phát biểu nói rõ sự thật về vấn đề gần đây, một số hãng tin nước ngoài đưa tin về cái gọi là "số phận các cấp lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất", vu khống Nhà nước Việt Nam đàn áp Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung.

Hòa thượng nói: "Từ hôm Quốc hội họp đến nay, tôi cũng theo dõi và để ý mấy bản tin hàng ngày của nước ngoài. Trong bản tin này, họ thường nói tới vấn đề Phật giáo và trong này còn có những điều mà tôi nghĩ tôi cần phải nói. Bởi vì: Họ vu khống Nhà nước Việt Nam đàn áp Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung. Ví dụ như họ nói tới số phận các cấp lãnh đạo "Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất". Thứ hai, họ nói rằng Hà Nội hợp pháp hóa và phục hồi sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điều thứ ba họ nói rằng nếu không hòa hợp, không thuyết phục được Hà Nội thì sẽ đình chỉ ngay thỏa ước hợp tác ký kết giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam và một số điều khác nữa."

Hòa thượng Thích Thanh Tứ khẳng định: "Đây là những điều vu khống".

Hòa thượng nói tiếp: "Trước hết, tôi xin nói về bối cảnh Phật giáo trong khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Khi ấy, miền Nam có hơn 10 tổ chức Phật giáo đều là của Trung ương cả, chỉ có 1 tổ chức Phật giáo yêu nước của thành phố Hồ Chí Minh là của thành phố thôi. Trước tình hình đó, yêu cầu thống nhất Phật giáo là sự kiện rất quan trọng, hơn nữa việc thống nhất Phật giáo cũng là nguyện vọng tha thiết của nhiều đời của Tăng ni và Phật tử Việt Nam muốn thống nhất Phật giáo thành một tổ chức để cho việc hành động được thống nhất. Cho nên năm 1980 chúng tôi vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc hiệp thương để thống nhất Phật giáo trong cả nước. Trong đoàn Phật giáo ở miền Bắc vào, có 3 người, một là Hòa thượng Thích Đức Nhuận ở Hà Nội; hai là Hòa thượng Thích Thế Long ở Nam Định, chùa Cổ Lễ; ba là tôi ở Hà Nội. Khi bàn vấn đề thống nhất Phật giáo này, chúng tôi đã lựa chọn những thành phần cần phải hiệp thương. Đó là Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, ở miền Bắc; Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất là tổ chức của miền Nam; Ban liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố  Hồ Chí Minh; Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam; Giáo hội tăng già nguyên thủy Việt Nam; Giáo hội thiên thai giáo quán tông; Giáo hội tăng già khất sĩ Việt Nam; Hội đoàn kết sự sãi miền Tây Nam Bộ; Hội Phật học Nam Việt. Đó là 9 tổ chức Phật giáo mà chúng tôi đã hiệp thương để bàn về việc thống nhất Phật giáo.

Đến năm 1981, Đại hội thống nhất Phật giáo cả nước tại chùa Quán Sứ gồm có 9 tổ chức như tôi vừa trình bày ở trên và trong 9 tổ chức này, sau khi bàn việc thống nhất thì thành lập ra hai Hội đồng: Hội đồng chứng minh gồm các vị tôn túc của Phật giáo trong cả nước đứng đầu là Hòa thượng Thích Đức Nhuận. Hội đồng thứ hai là Hội đồng trị sự là do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch của Hội đồng này. Hội đồng Chứng minh do Hòa thượng Thích Đức Nhuận là đại diện cho Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tại miền Bắc. Hội đồng trị sự do Hòa thượng Thích Trí Thủ đại diện cho 8 hệ phái trong Phật giáo ở miền Nam nhưng cũng là người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Cho đến nay, Việt Nam chỉ có một tổ chức duy nhất gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại diện cho tăng ni Phật tử trong và ngoài nước. Phương châm hoạt động của hội giáo Việt Nam là đạo pháp-dân tộc-chủ nghĩa xã hội. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời đến nay đã 22 năm mà trong 22 năm này sự hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất tốt, phát triển rất rộng và tất cả 9 hệ phái này đều đồng tâm nhất trí. Song có một điều bây giờ một số người muốn đòi để phục hồi lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (là tổ chức ở miền Nam như đã kể trên) và họ vu khống rằng Nhà nước đã đình chỉ việc hợp tác không cho giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động."

Hòa thượng nói tiếp: "Tôi xin thưa với các vị là sau khi đã thống nhất Phật giáo trong cả nước thành một tổ chức, những người đứng đầu tổ chức của giáo hội Việt Nam này cũng đã đều nhất trí như tôi vừa nói lúc trước là Hòa thượng Thích Trí Thủ, là Chủ tịch của hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Việt Nam, cũng là người đứng đầu của Giáo hội Việt Nam Thống nhất đã đồng ý để hòa nhập vào trong một ngôi nhà lớn; hay việc Hòa thượng Thích Đôn Hậu cũng là một cao tăng ở trong Giáo hội Việt Nam, cũng nhất trí đứng vào trong tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chỉ duy còn có một số các vị mà ở đây nổi lên là Hòa thượng Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ. Nhưng tôi cũng xin thưa là Hòa thượng Thích Huyền Quang, do lực lượng bên ngoài thúc đẩy và kích động cho nên đôi khi có những lời nói, việc làm thiếu thận trọng. Nhưng từ khi Hòa  thượng Thích Huyền Quang ra miền Bắc chữa bệnh, vừa rồi cũng đã được cụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp, được Thủ tướng Chính phủ tiếp và được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng tôi tiếp, cho đến nay, Hòa thượng Thích Huyền Quang đã có phần muốn hòa hợp trong vấn đề thống nhất Phật giáo. Vấn đề Phật giáo Việt Nam, đã có lần tôi nói với Hòa thượng Thích Huyền Quang rằng: Bây giờ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hòa hợp trong cả nước này rồi và nếu như các Hòa thượng còn đòi việc thống nhất Phật giáo thì tôi xin hỏi còn có những điều gì chưa được thống nhất mà các vị đòi thống nhất Phật giáo. Chính Hòa thượng Huyền Quang cũng đã nói bây giờ chẳng còn có gì đòi thống nhất Phật giáo. Bây giờ chỉ có điều là làm thế nào để xây dựng nhà Phật giáo cho tốt, cho hòa hợp, đấy là Hòa thượng Huyền Quang cũng đã có câu phát biểu như vậy. Khi tiếp cụ, Thủ tướng Phan Văn Khải có nói, bây giờ việc của Phật giáo thì phải dùng hai chữ "từ bi" để mà điều hòa, để hợp nhất. Chính cụ Huyền Quang nói: nếu như Thủ tướng cho giải quyết vấn đề Phật giáo bằng hai chữ "từ bi", thì tôi cũng xin dùng hai chữ "hỷ xả" của Đạo Phật mà bỏ hết tất cả việc trước kia. Đấy là sự chuyển biến của Hòa thượng Thích Thuyền Quang.

Còn riêng Hòa thượng Quảng Độ thì tôi xin nói là Hòa thượng Quảng Độ trước sau, ngay từ khi chúng tôi vào làm việc vận động thống nhất Phật giáo thì Hòa thượng Quảng Độ cũng không hài lòng vấn đề này; nên ngay từ ban đầu cũng đã có ý định không tán thành việc thống nhất Phật giáo trong cả nước thành một tổ chức. Vừa rồi Hòa thượng Huyền Quang chữa bệnh xong rồi về tỉnh Bình Định, ngài về luôn tu viện Nguyên Thiều ở và làm nhiệm vụ Hoàng dâng Phật Pháp.

Chúng tôi cũng có vào thăm Hòa thượng Huyền Quang và dự buổi khai trương của trường Phật giáo của tỉnh Bình Định, Hòa thượng Huyền Quang cũng ra dự. Khi dự, Hòa thượng có phát biểu: Bây giờ tôi đã già rồi, tất cả các việc tôi không thể làm được nhưng ý nguyện của tôi bây giờ chỉ có hai vấn đề: Một là tôi sẽ ở lại đây để xây dựng một trường học cho các vị tăng ni học cho được tốt. Hai, tôi có một ý là để phiên dịch Đại Tạng của Phật giáo Việt Nam.

Chúng tôi cũng rất hoan nghênh và động viên cụ cố gắng làm được hai việc như vậy. Nhưng vừa rồi, Hòa thượng Quảng Độ đã ra ngoài Bình Định cùng với một số người nữa ra đó và ở tu viện Nguyên Thiều 18 ngày. Rồi Hòa thượng Quảng Độ đưa Hòa thượng Huyền Quang lên xe lúc 5h sáng hôm đó, về thành phố Hồ Chí Minh. Hòa thượng Huyền Quang có những chuyển biến như vậy thì cũng được sự cảm tình của tăng ni và Phật tử Bình Định, cho nên các vị đó đã ra xe và mời Hòa thượng Huyền Quang ở lại Bình Định và làm những việc đã hứa. Khi mà ngài lên xe thì đã có nhiều vị sư khác ngồi chặn bên ngoài nên ngài không thể xuống được.

Cuối cùng, đến 5h chiều, đoàn các vị đó khi về đến Nha Trang, trời tối phải nghỉ lại. Ở đây tăng ni, Phật tử gặp gỡ, hỏi han và tiếp tục mời Hòa thượng Huyền Quang trở về Bình Định. Riêng Hòa thượng Quảng Độ với đoàn xin về thành phố Hồ Chí Minh. Xin thưa với Quốc hội là Hòa thượng Huyền Quang bây giờ vẫn ở Nguyên Thiều, Bình Định, và đoàn của Hòa thượng Quảng Độ về thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi các vị về thành phố Hồ Chí Minh rồi lại có những lời vu khống Chính phủ ta áp đặt về vấn đề tôn giáo, Phật giáo. Đó là những điều tôi xin báo cáo với Quốc hội, nói lên những sự thật chính chúng tôi là những người làm việc này.

Cho nên tôi mong rằng có nghe hoặc đọc các bản tin này thì các vị thấy đó là những lời nói dối và sai trái. Chúng tôi lưu tâm trong bản tin họ nói như thế này nếu như họ không làm được với Nhà nước để những lời đó không những dối trá nhân dân trong nước mà còn tác động đến cả vấn đề quốc tế."

Hòa Thượng Thích Thanh tứ đề nghị: "Cần cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của bọn xấu. Hiện nay ở nước ngoài, cũng có những thế lực chống đối Việt Nam, như vừa rồi họ mạo xưng việc tổ chức Đại hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tại Ôxtrâylia. Tôi xin thưa: Chẳng có Đại hội Phật giáo thống nhất Việt Nam nào họp ở đó. Người ta tổ chức khánh thành một ngôi chùa gọi tên là Thích Quảng Đức, do các vị tăng ni ở bên đó xây dựng lên, những người này lợi dụng đến đó họp một lúc rồi tuyên bố: Đây là Đại hội của giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất."

Hòa Thượng nói tiếp: "Sau khi đã thống nhất được Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành một tổ chức duy nhất thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng tôi có nêu các nhiệm vụ cho tăng ni, Phật tử trong cả nước làm. Nhiệm vụ thứ nhất là: Thực hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần hòa hợp chúng sinh giữa các giáo phái và tăng ni tiến bộ. Nhiệm vụ thứ hai: Hoằng dương tín pháp, chấn hưng tư tưởng trong sáng và tích cực của giáo lý đức Phật. Nhiệm vụ thứ ba: Đào tạo tăng ni và hướng dẫn việc tu hành của Phật tử. Việc thứ tư là: Phát huy truyền thống yêu nước và gắn bó với dân tộc, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Năm là: Xây dựng kinh tế nhà chùa nhằm giải quyết đời sống của tăng ni; góp phần lợi ích cho xã hội. Sáu, phát triển quan hệ hữu nghị với Phật tử trên thế giới góp phần vào sự việc xây dựng hòa bình và an lạc cho nhân loại. Đó là những phương hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong 22 năm qua.".

. Theo TTXVN

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hấp dẫn vải ký   (30/10/2003)
Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Bình Định: Nửa nhiệm kỳ nhìn lại   (29/10/2003)
Hoài Ân, Hoài Nhơn nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt   (28/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc   (28/10/2003)
Biển… rác   (27/10/2003)
Xe lam ba bánh: phập phồng chờ chính sách   (26/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng con người   (26/10/2003)
Nhiều học sinh vùng lũ vẫn chưa đến lớp   (24/10/2003)
Phan Văn Sơn – tấm gương sáng của vùng lũ  (23/10/2003)
Những kết quả bước đầu của Dự án ngôn ngữ trị liệu  (23/10/2003)
Nghề bán rơm...  (22/10/2003)
Nơi cơn lũ đi qua   (22/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng giai cấp   (21/10/2003)
Hoạt động xuất khẩu lao động: Đã có sự chuyển động tích cực  (20/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc  (19/10/2003)