Hưởng ứng cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, ba năm qua, Bình Định đã có 748 hộ nghèo được hỗ trợ cải thiện nhà ở. Tuy nhiên, nhìn chung, nguồn lực từ nhân dân còn chưa được phát huy đúng mức cho mục đích từ thiện xã hội này.
* 748 HỘ NGHÈO ĐƯỢC AN CƯ
Ngoại trừ một số xã miền núi còn khó khăn, đến thời điểm này, 137/155 xã trong tỉnh đã thành lập Ban vận động xây dựng Quỹ "Vì người nghèo". Ban vận động các cấp dựa trên kế hoạch của Ban vận động tỉnh tổ chức triển khai cuộc vận động đến tận khu dân cư. Các tổ chức thành viên Mặt trận đã phối hợp hướng dẫn và chỉ đạo trong hệ thống đến tận chi, tổ hội ở thôn, khu vực; vận động hội viên, đoàn viên tham gia hưởng ứng cuộc vận động và bình chọn những hộ nghèo có nhà ở dột nát hơn đề nghị hỗ trợ xây dựng trước. Nhiều huyện trong tháng cao điểm thu khá như Phù Cát, Tuy Phước, Tây Sơn… Nhiều xã, phường, thị trấn thuộc An Nhơn, Quy Nhơn ngoài việc đóng góp tiền vào Quỹ "Vì người nghèo" tương đối khá, còn vận động bà con khu dân cư đóng góp vật liệu như gỗ, công, vật liệu xây dựng… để hỗ trợ các hộ nghèo xây nhà.
- Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương đã vận động ủng hộ 17,11 tỷ đồng. Quỹ các địa phương đã vận động trên 333, 5 tỷ đồng. Như vậy, tổng quỹ 4 cấp đã vận động trên 350,6 tỷ đồng. Phần lớn số tiền trên đã được dùng hỗ trợ xây dựng mới được 100.468 căn nhà và sửa chữa 55.561 căn nhà tình thương.
- Có 7 tỉnh, thành phố đạt kết quả vận động Quỹ "Vì người nghèo" từ 10 tỷ đồng trở lên; 14 tỉnh, thành phố có kết quả vận động từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng; 20 tỉnh có kết quả vận động từ 2 đến dưới 5 tỷ đồng; 20 tỉnh có kết quả vận động dưới 2 tỷ đồng.
(Nguồn: Báo cáo sơ kết ba năm thực hiện cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) |
Qua ba năm, toàn tỉnh đã vận động hơn 2,3 tỉ đồng đóng góp vào Quỹ "Vì người nghèo" (trong đó, 210 triệu đồng do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chuyển về). Từ đó, Ban vận động đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 748 hộ nghèo, tổng giá trị hỗ trợ hơn 2,2 tỉ đồng. Ngoài ra, một số địa phương trong tỉnh còn sử dụng nguồn quỹ trên vào việc hỗ trợ nằm viện chữa bệnh cho người nghèo ở các huyện, thành phố, hỗ trợ cho con các gia đình nghèo đi học và hỗ trợ con giống, phương tiện sản xuất.
Mỗi nhà hộ nghèo được xây dựng mới có trị giá thấp nhất là 4,5 triệu đồng/nhà, không hiếm những ngôi nhà tình thương được xây dựng với số tiền 12-15 triệu đồng; nhưng trong đó, Ban vận động chỉ hỗ trợ 3 triệu đồng/nhà, số tiền còn lại do nhân dân tại khu dân cư giúp vật liệu, ngày công để xây dựng ngôi nhà khang trang. Bởi vậy, khoản tiền hỗ trợ đó chỉ là chất xúc tác ban đầu để bà con, xóm giềng, địa phương cùng góp công, góp của hỗ trợ thêm cho hộ nghèo.
Tất cả số tiền vận động được đều được quản lý chặt chẽ, không thất thoát và chi đúng đối tượng do khu dân cư bình bầu xét chọn, nên đảm bảo sự công bằng. Ba năm qua, không xảy ra khiếu kiện với bất cứ trường hợp nào được hưởng hỗ trợ. Ngoài ra, việc cấp hỗ trợ còn được tiến hành theo nguyên tắc đối ứng, nghĩa là cấp tỉnh hỗ trợ xuống bao nhiêu hộ, thì cấp huyện cũng sẽ hỗ trợ số hộ tương ứng và tương tự như vậy với cấp xã.
* CHƯA TƯƠNG XỨNG VỚI TIỀM NĂNG
Với kết quả như trên, Bình Định chỉ được xếp vào nhóm các tỉnh vận động xây dựng Quỹ ở mức trung bình và hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chưa chuyển biến nhận thức về ý nghĩa, mục đích của cuộc vận động nên nhiều doanh nghiệp chưa hưởng ứng hoặc hưởng ứng với mức đóng góp thấp.
Ngoài nguyên nhân khách quan, thì công tác tuyên truyền, vận động xây dựng Quỹ chưa sâu rộng và liên tục. Một số cấp ủy và chính quyền cơ sở vẫn coi công tác này là của riêng Mặt trận.
Đến cuối năm 2002, toàn tỉnh vẫn còn 34.673 hộ nghèo, trong đó, 8.314 hộ đang ở nhà dột nát. Như vậy, mục tiêu kiên cố hóa nhà ở cho các hộ nghèo xem ra vẫn còn khá xa. Để sớm hoàn thành mục tiêu này, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động; xem cuộc vận động là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội; cần nghiên cứu những hình thức mới cho cuộc vận động như kết nghĩa giữa các cơ quan, doanh nghiệp với các địa phương để giúp đỡ cho người nghèo; tăng cường thêm các hình thức đóng góp khác cho Quỹ "Vì người nghèo"…
. KHẢI NHÂN
|