Từ năm 1992 đến 2000, Nguyễn Sĩ Sáu, nguyên Hiệu trưởng Trường Công nhân Kỹ thuật Lâm nghiệp Trung ương II (CNKTLNTƯII) đã cùng Ngô Xuân Đạt (trưởng phòng Tài chính – Kế toán), Đỗ Thị Định (kế toán), Nguyễn Thị Thuận (thủ quỹ) tạo dựng nhiều hệ thống sổ sách, chứng từ kế toán, lập quỹ riêng và lập chứng từ khống để quyết toán, lấy tiền ngân sách chi sai nguyên tắc. Tổng số tiền sai phạm hơn 1,575 tỉ đồng.
* Những thủ đoạn lập quỹ trái phép
Ngày 6-4-1994, Nguyễn Sĩ Sáu ký hợp đồng liên kết sản xuất và đào tạo với Xí nghiệp Chế biến Lâm sản 1. Thực chất là Trường CNKTLNTƯII cho Xí nghiệp này thuê nhà xưởng, máy móc thiết bị đến năm 1999, Trường đã thu hơn 344,5 triệu đồng, đưa vào quỹ riêng. Trong ba năm từ 1997 đến 1999, Trường được Bộ chủ quản giao vốn hơn 636,3 triệu đồng để thực hiện các hạng mục dự án 327, 661 của Chính phủ. Khi thực hiện, Trường chỉ giao khoán với giá 433,6 triệu đồng, còn chênh lệch 202,6 triệu đồng đưa vào quỹ riêng của Trường. Từ năm 1997 đến đầu năm 2000, Trường đã tuyển sinh và đào tạo 19 lớp lái xe hệ mở. Ban Xe máy thực hiện việc đào tạo và thu - chi học phí theo định mức Nhà nước quy định, đồng thời trích nộp tỷ lệ % được 301,8 triệu đồng. Nhưng theo chỉ đạo của ông Sáu, Trường chỉ đưa vào báo cáo quyết toán với Bộ chủ quản 212,2 triệu đồng, còn 89,6 triệu đồng đưa vào quỹ riêng. Tháng 8-1998, nhân dịp học sinh nghỉ hè, Trường tổ chức bồi dưỡng nâng bậc hệ B cho công nhân Xí nghiệp Cầu đường 2 Đắc Lắc. Phòng Đào tạo thu - chi học phí và trích nộp cho trường 15% được 5,8 triệu đồng nhập vào quỹ riêng của Trường. Cũng trong năm này, Trường tuyển sinh hai lớp lái kéo K20, K21 và đã được Bộ chủ quản cấp kinh phí, nhưng Trường vẫn thu của học sinh 66,9 triệu đồng đưa vào quỹ riêng. Trong 2 năm 1998-1999, Trường giao cho Ban Lâm sinh tổ chức khai thác vườn bạch đàn và keo lá tràm được trồng ngoài nguồn vốn 327, 661 của Chính phủ, bán được 52,4 triệu đồng cộng với các khoản thu khác được 85,9 triệu đồng lại được đưa vào quỹ riêng.
* Dựng chứng từ khống lấy tiền ngân sách
Từ năm 1994 đến năm 1999, Trường thu của các hộ dân xung quanh theo định mức của ngành điện quy định được 568 triệu đồng, nhưng Trường chỉ đưa vào báo cáo quyết toán với Bộ chủ quản 22,9 triệu đồng, còn lại 545,1 triệu đồng đưa vào hệ thống sổ sách riêng để chi dùng cho Trường. Năm 1998, Trường đã chi tiền học bổng và trợ cấp xã hội cho học sinh với tổng số tiền 378,6 triệu đồng, nhưng khi làm thủ tục quyết toán với Bộ chủ quản, Nguyễn Sĩ Sáu cùng Trần Lập (Phó hiệu trưởng) đã chỉ đạo Đạt, Định và Thuận lập 10 phiếu chi khống với số tiền 424 triệu đồng để lấy chênh lệch hơn 45,3 triệu đồng. Sang năm 1999, Trường chỉ chi cho học sinh 369 triệu đồng, nhưng lại lập hồ sơ báo cáo và được Bộ chủ quản duyệt quyết toán kinh phí 417,8 triệu đồng, lấy chênh lệch 48,7 triệu đồng.
Hàng năm, Trường được Bộ chủ quản cấp nhiên liệu phục vụ cho hoạt động đào tạo. Trong 2 năm 1998, 1999 thực chi nhiên liệu phục vụ đào tạo chỉ 218,4 triệu đồng, nhưng ông Sáu giao cho Đạt, Định, Thuận tạo dựng sổ sách, chứng từ đưa vào quyết toán tài chính 283,9 triệu đồng, lấy chênh lệch 64,5 triệu đồng. Hằng năm, Trường được Bộ duyệt cấp hạn mức kinh phí mua tài sản, vật tư thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo. Sau khi được duyệt hạn mức kinh phí, ông Sáu biết không sử dụng hết nên trong hai năm 1998, 1999 đã chỉ đạo cho Đạt, Định và Lê Đăng Thỏa, Phó phòng Đào tạo, dựng chứng từ khống quyết toán cho hết nguồn kinh phí này và số tiền dư đã đưa vào quỹ riêng 76,4 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền lập quỹ trái phép và cố ý làm trái 1,575 tỉ đồng được ông Sáu và đồng bọn đưa vào theo dõi bằng một hệ thống sổ sách chứng từ riêng không chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Tổng số tiền sai phạm lên đến hơn 1,5 tỉ đồng. Trong đó, lập quỹ trái phép 795,5 triệu và cố ý làm trái hơn 780 triệu đồng.
Hành vi trên của ông Sáu đã phạm tội "Lập quỹ trái phép" và "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế".
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vào hai ngày 27 và 28-10, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã tuyên phạt hai bị cáo Nguyễn Sĩ Sáu, Ngô Xuân Đạt 4 năm tù giam về tội "lập quỹ trái phép" và 2 năm tù giam về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; hai bị cáo Đỗ Thị Định và Nguyễn Thị Thuận 3 năm tù giam về tội "lập quỹ trái phép" và 1 năm tù giam về tội "cố ý làm trái". Đồng thời, buộc 80 người có liên quan trong vụ án phải truy nộp số tiền đã lập quỹ trái phép và cố ý làm trái.
. KHẢI NHÂN
|