Kỷ niệm 86 năm Cách mạng Tháng Mười Nga
Vài suy nghĩ về tư tưởng của Lê nin về nhà nước
15:48', 6/11/ 2003 (GMT+7)

Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển xã hội loài người, đánh dấu sự thất bại của chế độ người bóc lột người, biến các tư tưởng, học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về chủ nghĩa xã hội (CNXH) thành hiện thực sinh động. Trong cuộc cách mạng vĩ đại đó, Nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước Nga đã ra đời, mở đầu cho sự hình thành hệ thống XHCN trên quy mô toàn thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê-nin vĩ đại, chính quyền Xô viết được thiết lập, trở thành công cụ chuyên chính trong tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động trấn áp các giai cấp bóc lột, bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng.

Có một điều lý thú là trong quá trình chuẩn bị và tiến hành cách mạng Tháng Mười thiết lập nên chính quyền Xô viết, Lê-nin đồng thời cũng đã viết một tác phẩm kinh điển xuất sắc của chủ nghĩa Mác sáng tạo - cuốn "Nhà nước và cách mạng". Trong tác phẩm này Lê-nin đã trình bày một cách có hệ thống học thuyết của chủ nghĩa Mác về nhà nước và những nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cách mạng. Tác phẩm đặt cơ sở cho lý luận về nhà nước XHCN - phần quan trọng nhất của học thuyết mác-xít về nhà nước.

Vấn đề đầu tiên được Lê nin đề cập đến trong tác phẩm "Nhà nước và cách mạng" là vấn đề nguồn gốc và bản chất của nhà nước. Đây là vấn đề phức tạp nhất, đã, đang và sẽ luôn còn là đối tượng của cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt nhất. Trên cơ sở phân tích sâu sắc các tác phẩm của Mác và Ăng ghen, Lê-nin đã nhấn mạnh rằng chỉ có chủ nghĩa Mác mới đưa ra được câu trả lời khoa học và đúng đắn cho câu hỏi: Nhà nước là gì, nó xuất hiện khi nào và trên cơ sở nào, tại sao trong các thời kỳ lịch sử khác nhau nhà nước mang các hình thức khác nhau và đóng vai trò khác nhau?

Lê-nin khẳng định rằng nhà nước là một hiện tượng lịch sử, là công cụ thống trị nằm trong tay các giai cấp bóc lột, nhà nước xuất hiện khi xã hội phân hóa thành những giai cấp đối kháng.

Cùng với việc nêu rõ bản chất của nhà nước nói chung, nhà nước tư sản nói riêng, đồng thời khẳng định những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản, Người vạch ra tính tất yếu của cách mạng XHCN. Người nhận xét rằng dưới chủ nghĩa đế quốc, cơ sở xã hội của cách mạng được mở rộng. Cách mạng bạo lực là con đường khách quan để thủ tiêu nhà nước tư sản, "Không có cách mạng bạo lực thì không thể thay thế nhà nước tư sản bằng nhà nước vô sản được". Sau khi lật đổ nền chuyên chính của giai cấp bóc lột, cách mạng XHCN phải thiết lập nền chuyên chính vô sản.

Lê-nin tập trung phân tích bản chất và nhiệm vụ của chuyên chính vô sản, vai trò tổ chức cực kỳ to lớn của nó trong việc xây dựng xã hội mới sau thắng lợi của cách mạng XHCN. Khẳng định luận điểm của chủ nghĩa Mác về nhà nước vô sản, Người nhấn mạnh: "Nhà nước, tức là giai cấp vô sản được tổ chức thành giai cấp thống trị", bản chất của nhà nước vô sản thể hiện rằng nó không còn là nhà nước theo nguyên nghĩa của nó nữa mà là nửa nhà nước - chế độ dân chủ "từ chỗ là dân chủ tư sản đã biến thành dân chủ vô sản, từ chỗ là nhà nước (...) nó biến thành một cái gì thực ra không phải là nhà nước hiểu theo nghĩa thật sự nữa".

Lê-nin đặc biệt nhấn mạnh tính chất dân chủ của nhà nước vô sản, sự khác biệt của nó với nền dân chủ tư sản. Người chỉ ra rằng chuyên chính vô sản là một nhà nước kiểu mới, "Nhà nước dân chủ kiểu mới (dân chủ đối với những người vô sản và nói chung những người không có của), và chuyên chính kiểu mới (chống giai cấp tư sản)". Nhà nước vô sản bảo vệ quyền lợi của những người lao động, sự khác biệt cơ bản của chuyên chính vô sản với nhà nước tư sản biểu hiện ở các hình thức tổ chức nhà nước và ở vai trò lịch sử mà nó thực hiện. Lê-nin khẳng định trong nền chuyên chính vô sản phải đảm bảo quyền lực thống nhất trong tay giai cấp vô sản, thực hiện "sự thống trị về chính trị của giai cấp vô sản, chuyên chính của giai cấp đó, tức là một chính quyền không bị chia sẻ với ai hết, và trực tiếp dựa vào lực lượng vũ trang của quần chúng"...

Những tư tưởng, lý luận của Lê-nin về nhà nước và cách mạng trong tác phẩm này thực sự đã trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại thành công, thiết lập nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới, mở đầu cho kỷ nguyên của CNXH hiện thực, hình thành hàng loạt nhà nước XHCN sau đó.

Tiếp thu học thuyết của Lê-nin, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, xây dựng nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á và đang trên con đường quá độ tiến lên CNXH.

Hơn 80 năm đã trôi qua nhưng những tư tưởng của Lê-nin vĩ đại là những bài học vô giá, ngọn đèn soi đường, là hành trang lý luận quý báu của chúng ta trong công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những vấn đề đã được nêu ra trong tác phẩm "Nhà nước và cách mạng" như: Bản chất giai cấp, tính nhân dân của chuyên chính vô sản và nền dân chủ XHCN; liên minh giai cấp làm nền tảng của nhà nước XHCN; quyền lực thống nhất, tập trung của nhà nước XHCN; bản chất dân chủ của nhà nước XHCN; pháp quyền trong chế độ XHCN... vẫn đang là những vấn đề thời sự và cấp bách đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

. TRẦN HOÀI SƠN

(Trường Chính trị tỉnh)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Sĩ Sáu lãnh án 6 năm tù   (05/11/2003)
Những tấm lòng đến với đồng bào vùng lũ   (04/11/2003)
Mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong tư tưởng Hồ Chí Minh   (03/11/2003)
Gắn tình thương lên 748 ngôi nhà   (02/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam   (02/11/2003)
Phật giáo thực hành "từ bi hỷ xả" nhưng kiên quyết lên án sự vu khống, dối trá   (31/10/2003)
Hấp dẫn vải ký   (30/10/2003)
Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Bình Định: Nửa nhiệm kỳ nhìn lại   (29/10/2003)
Hoài Ân, Hoài Nhơn nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt   (28/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc   (28/10/2003)
Biển… rác   (27/10/2003)
Xe lam ba bánh: phập phồng chờ chính sách   (26/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng con người   (26/10/2003)
Nhiều học sinh vùng lũ vẫn chưa đến lớp   (24/10/2003)
Phan Văn Sơn – tấm gương sáng của vùng lũ  (23/10/2003)