Nỗi niềm nữ công nhân trong khu công nghiệp
16:13', 7/11/ 2003 (GMT+7)

Nữ công nhân may xuất khẩu

Bắt đầu từ 6 giờ sáng trên chiếc xe đạp "cút kít" đến nơi làm việc, 10 giờ khuya mới bắt đầu đạp xe về nhà, trung bình mỗi ngày đi - về như thế là trên 20 km... Đó là hình ảnh quen thuộc của những nữ công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) Phú Tài.

Bên cạnh niềm vui khi có được việc làm, những nữ công nhân này (tuổi đời bình quân trong khoảng 25-30 tuổi) còn canh cánh nhiều nỗi lo: lương thấp, tăng ca, chưa có chế độ quan tâm trong công việc, hợp đồng làm việc ký kết theo thời vụ hoặc chỉ giao kết bằng miệng, làm việc trong môi trường độc hại…

Từ hướng Tuy Phước đổ về Phú Tài, mỗi sáng có đến hàng trăm nữ công nhân trên những chiếc xe đạp, vội vã đạp nhanh cho kịp buổi làm việc. Đa số họ sống ở các xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước An, thị trấn Tuy Phước (thuộc huyện Tuy Phước). Công việc hàng ngày của họ là chế biến lâm sản, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất bao bì, may mặc… Với công nhân may, lương tháng 400-500 ngàn đồng; công nhân làm gỗ lương có cao hơn, khoảng 600-700 ngàn đồng/tháng, nhưng họ phải làm việc từ sáng cho tới khuya. Mỗi tháng nhận được lương, trừ các khoản này, khoản kia, cộng với tiền mua sắm lặt vặt còn lại chẳng là bao. Dù có xa, nhưng họ không dám thuê nhà trọ sợ tốn thêm một khoản chi phí nữa.

Theo thống kê của Ban quản lý các KCN Bình Định:

- Tổng số lao động đang làm việc trong KCN Phú Tài là 11.168 người, trong đó có 4.040 lao động nữ, người chiếm tỷ lệ 36%.

- Lao động trong tỉnh: 10.643 người; lao động ngoài tỉnh: 525 người.

- Lao động phổ thông: 9.046 người

- Hợp đồng lao động: không xác định thời hạn 1.386 người (chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước); có thời hạn từ 1-3 năm: 2.183 người; hợp đồng thời vụ: 7.599 người.

- Đã đóng Bảo hiểm xã hội: 2.924 người (chủ yếu là DN nhà nước).

Chị Nguyễn Thị Thuận (Phước Lộc, Tuy Phước) là công nhân chế biến gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Mỹ Tài. Chị làm công nhân đã gần 2 năm nay rồi, giờ đã bước sang tuổi "băm" nhưng vẫn chưa có "mảnh tình" nào cả. Chị Thuận tâm sự: "Công việc từ sáng đến khuya mới về tới nhà, thời gian đâu mà tìm… giờ chắc ở vậy quá!". Có lẽ không riêng gì chị Thuận, mà nhiều nữ công nhân khác đang làm việc tại KCN Phú Tài dù đã bước sang tuổi "U.30" nhưng vẫn chưa tìm được cho mình người bạn đời. Bên cạnh đó, nhiều người còn mang bệnh tật do làm việc trong môi trường độc hại, lại không được các chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Chúng tôi gặp một nhóm có trên 10 công nhân nữ đang ngồi ăn khuya tại ga Diêu Trì, sau khi làm xong ca 3 tại Công ty TNHH Phước Hưng. Bắt chuyện với họ, chúng tôi mới biết trong số hơn 10 chị em này đều có những nỗi lo như nhau. Chị Trần Thị Phương Nga (Phước Thành, Tuy Phước) tâm sự: "Mong sao công việc làm ổn định và có những chế độ quan tâm chính đáng đối với người lao động. Chứ làm việc theo kiểu này không biết ngày nào bị thất nghiệp, vì có ký kết hợp đồng lao động gì đâu (?)".

Hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc trang bị an toàn lao động, bảo hộ lao động, nên làm việc trong một môi trường như vậy, sức khỏe bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Chị Trần Thị Út (Cát Nhơn, Phù Cát) công nhân Công ty TNHH Quốc Thắng, kể: "Tụi em làm công nhân gỗ, hàng ngày phải chà nhám gỗ bụi kinh khủng, nhiều khi hít phải bụi về nhà nhức ran cả đầu, có đứa bị viêm xoang chữa không hết. Nếu nghỉ việc thì không có tiền. Nhà lại vừa bị ngập lụt cần phải gởi tiền về nhà nữa, thôi cứ làm chắc góp từng đồng, tới đâu thì tới…". Công nhân gỗ thì vậy, còn công nhân may thì ngồi một chỗ từ sáng tới chiều, nếu tăng ca thì ngồi tới khuya nên bệnh nghề nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Chị Ngô Thị Minh (Nhơn Phong, An Nhơn), công nhân may của Xí nghiệp may An Nhơn cho biết: "Ngồi một chỗ từ sáng đến chiều không bệnh sao được, tôi cũng như nhiều người bị sạn thận do ngồi một chỗ, vì cuộc sống cả thôi. Tôi đang định bỏ nghề may tìm việc gì khác đỡ hại sức khỏe hơn".

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh) phản ánh: "Việc các doanh nghiệp chưa có chế độ đối với người lao động, nhất là lao động nữ, chúng tôi đều biết nhưng do các doanh nghiệp này chưa có tổ chức công đoàn nên chúng tôi không đủ thẩm quyền để can thiệp". Còn ông Nguyễn Chánh Việt, Chủ tịch Công đoàn các KCN Bình Định thì cho rằng: "Đặc thù của các doanh nghiệp trong KCN chủ yếu chỉ sản xuất gỗ, công việc thời vụ. Bên cạnh đó, phần lớn là các doanh nghiệp tư nhân nên họ chỉ lo sản xuất, không quan tâm đến việc thành lập tổ chức công đoàn, nên không có ai đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động là điều tất yếu". 

Rõ ràng, việc một số doanh nghiệp hoạt động trong KCN Phú Tài, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, vẫn chưa có một chế độ quan tâm đúng mức đối với người lao động, trong đó có lao động nữ, là một thực tế đang diễn ra. Do vậy, theo chúng tôi, các cơ quan chức năng của tỉnh cần có ngay các biện pháp can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp quản lý trực tiếp lao động cần phải thực hiện ngay những chế độ chính đáng cho người lao động theo quy định của Nhà nước, đừng để họ vừa làm việc vừa thấp thỏm lo âu về tương lai.  

. NGUYỄN PHÚC

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vài suy nghĩ về tư tưởng của Lê nin về nhà nước   (06/11/2003)
Nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Sĩ Sáu lãnh án 6 năm tù   (05/11/2003)
Những tấm lòng đến với đồng bào vùng lũ   (04/11/2003)
Mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong tư tưởng Hồ Chí Minh   (03/11/2003)
Gắn tình thương lên 748 ngôi nhà   (02/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam   (02/11/2003)
Phật giáo thực hành "từ bi hỷ xả" nhưng kiên quyết lên án sự vu khống, dối trá   (31/10/2003)
Hấp dẫn vải ký   (30/10/2003)
Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Bình Định: Nửa nhiệm kỳ nhìn lại   (29/10/2003)
Hoài Ân, Hoài Nhơn nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt   (28/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc   (28/10/2003)
Biển… rác   (27/10/2003)
Xe lam ba bánh: phập phồng chờ chính sách   (26/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng con người   (26/10/2003)
Nhiều học sinh vùng lũ vẫn chưa đến lớp   (24/10/2003)