Nghề nấu đám tiệc
15:59', 9/11/ 2003 (GMT+7)

Đó là những người nấu ăn ngon được gia chủ tin tưởng giao việc "bếp núc" vào những ngày nhà "có việc"... 

* Từ nghề phụ

Chị Hạnh (ở hẻm 2 đường Nguyễn Thái Học - Quy Nhơn) trước đây vốn là đầu bếp của nhà ăn tập thể nên nấu ăn khá ngon. Từ món ăn dân dã đến những món ăn sang trọng thích hợp trong các buổi tiệc, chị đều làm được. Người trong xóm biết nghề của chị nên mỗi khi nhà có việc lại sang nhờ chị giúp cho một bữa. "Ban đầu chỉ là giúp không cho xóm giềng, nhưng mấy người khách đến ăn thấy ngon, hỏi thăm gia chủ rồi tìm đến mình nhờ giúp và trả tiền công. Lâu dần trở thành nghề lúc nào không hay" - chị Hạnh kể lại. Tiền công cho mỗi lần nấu tùy thuộc vào số lượng khách nhiều hay ít nhưng dao động khoảng 150-400 ngàn đồng/lần. Bây giờ chị đã trở thành một người đi nấu đám tiệc thuê hơn 10 năm nay. "Nhưng đó chỉ là nghề phụ, nghề chính của tôi là làm bánh bỏ chợ" - chị Hạnh thổ lộ.

Còn với ông Tỷ ở đường Phan Bội Châu lại là chuyện khác. Ông đi nấu cho người ta không phải để kiếm thêm thu nhập mà để thư giãn đầu óc và chỉ nấu khi nào ông thích. Là một người buôn bán khá thành đạt, nhà có cửa hiệu to gần chợ, ông không phải lo lắng nhiều về sinh kế. Gia đình ông gốc người Hoa, mẹ ông là người nấu ăn ngon có tiếng trong vùng. Lớn lên dù không theo nghiệp mẹ song ông vẫn là người nấu ăn ngon, nhất là các món ăn Tàu và các loại bánh ngọt, mặn. Biết tiếng ông, người đến nhờ nhiều song ông chỉ nhận giúp những đám thân thiết. Mỗi khi đi nấu ông cẩn thận lựa từng loại dao, thớt ở nhà mang đi rồi lại đích thân đi chợ chọn thực phẩm tươi sống. Từ lúc vào bếp đến khi hoàn thành xong một bữa nấu ăn ông chỉ cần một người sai vặt. "Nấu ăn phải tự tay mình làm hết mọi khâu thì mới thú. Tôi ghét nhất khi đang nấu bị quấy rầy, mất tập trung hoặc cáu giận thì làm các món không còn ngon nữa" - ông Tỷ kết luận.

* Tiến đến chuyên nghiệp

Chị Hằng, ở đường Nguyễn Công Trứ, cho biết: "Mấy năm trước mỗi khi nhà có đám tiệc tôi đều phải nhờ người thân đến phụ một tay. Vậy mà nhiều lúc vẫn phải gặp trường hợp khách đến rồi mà món chưa xong hoặc món ăn thiếu gia vị. Đó là chưa kể đến lúc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Cực lắm! Bây giờ thuê người làm mọi việc từ A đến Z, mình có thời gian mà tiếp khách. Tuy mắc hơn một chút nhưng cũng đáng".

Bà Nguyễn Thị Minh ở 22/2 Nguyễn Công Trứ, thâm niên 30 năm trong nghề nấu ăn, đã từng làm bếp trưởng ở Khách sạn Hòa Bình (cũ) nên được nhiều người tin tưởng. "Mấy năm trước tôi cũng chỉ chuyên nấu thuê nhưng dăm năm trở lại đây tôi nhận thầu trọn gói từ khâu chén bát, nấu nướng đến phục vụ". Bà tư vấn các món ăn, gia chủ chọn món và quyết định giá tiền. Mức ăn mỗi suất thông thường dao động 30.000-60.000 đồng gồm cả món tráng miệng. Cũng có khi một suất ăn lên đến 80.000 đồng nhưng ở mức này thì ít ai đặt. Người phục vụ bàn chủ yếu huy động anh em, con cháu trong gia đình được bà Minh trả với mức 50.000-80.000 đồng/ngày tùy theo cường độ làm việc.

Nhà hàng Quê Hương cũng nhận đặt tiệc cưới hỏi, đám giỗ… tại gia nhưng cách phục vụ thì lại khác: "Nhà hàng chỉ nhận nấu các món, đến sớm trước giờ đãi khách chừng 15-20 phút để hướng dẫn người nhà bày biện món ăn. Thông thường chúng tôi không để nhân viên ở lại phục vụ. Nếu gia chủ yêu cầu quá thì chúng tôi sẽ cắt cử một hoặc cùng lắm hai nhân viên ở lại và không tính tiền công" - anh Hùng, chủ Nhà hàng Quê Hương 2, cho biết. Ngoài những "bạn hàng ruột" ở trong thành phố Quy Nhơn, nhà hàng còn nhận nấu cho các điểm ở xa như Phù Cát. Tuy nhiên với những khách hàng như vậy nhà hàng tư vấn cho họ ăn những món nguội. "Mình đỡ mất công vận chuyển mà gia chủ cũng dễ bày biện", anh Hùng nói.

Nghề nấu đám ăn theo mùa, khá nhất là vào mùa cưới hỏi hoặc cận tết. Những tháng đó có khi dồn dập 2-3 đám một ngày, chạy sô mới kịp nhưng cũng có tháng ngồi chơi không. "Làm nghề này một năm phải trừ ra ba tháng giêng, năm và bảy bởi các tháng này người ta thường kiêng, không tổ chức gì hết", bà Minh kết luận.

Ở Quy Nhơn đa phần người nấu đám tiệc cũng chỉ dừng ở mức đi nấu thuê, còn tiến dần đến chuyên nghiệp làm nhà hàng tại gia như bà Minh thì chưa phổ biến. Tuy nhiên dù làm ở cách nào đi nữa thì tất cả đều tâm niệm một điều: "Hết lòng vì thượng đế. Có vậy mới lâu bền".

. THU HÀ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nỗi niềm nữ công nhân trong khu công nghiệp   (07/11/2003)
Vài suy nghĩ về tư tưởng của Lê nin về nhà nước   (06/11/2003)
Nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Sĩ Sáu lãnh án 6 năm tù   (05/11/2003)
Những tấm lòng đến với đồng bào vùng lũ   (04/11/2003)
Mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong tư tưởng Hồ Chí Minh   (03/11/2003)
Gắn tình thương lên 748 ngôi nhà   (02/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam   (02/11/2003)
Phật giáo thực hành "từ bi hỷ xả" nhưng kiên quyết lên án sự vu khống, dối trá   (31/10/2003)
Hấp dẫn vải ký   (30/10/2003)
Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Bình Định: Nửa nhiệm kỳ nhìn lại   (29/10/2003)
Hoài Ân, Hoài Nhơn nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt   (28/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc   (28/10/2003)
Biển… rác   (27/10/2003)
Xe lam ba bánh: phập phồng chờ chính sách   (26/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng con người   (26/10/2003)