Trường THPT tư thục Xuân Diệu: Sức tàn, lực kiệt
16:22', 10/11/ 2003 (GMT+7)

Có thể đây là những học sinh cuối cùng của trường tư thục Xuân Diệu

Năm học 2000-2001, Trường THPT dân lập Xuân Diệu (TP Quy Nhơn) tiếp tục hoạt động dưới cái tên mới là Trường THPT tư thục Xuân Diệu (gọi tắt là trường Xuân Diệu). Tuy nhiên, sự thay đổi hình thức này đã không đủ sức vực dậy một ngôi trường "sức đã tàn, lực đã kiệt". Bằng chứng là từ năm học 2003-2004, khi Sở GD-ĐT Bình
Định không còn cho "chỉ tiêu", trường Xuân Diệu đã không tuyển được học sinh lớp 10.

* Trường... ba không

Chúng tôi đến trường Xuân Diệu vào một ngày học bình thường. Không khí học đường không có ở nơi này. Trên diện tích khoảng 5.000m2, có 7 phòng nhà cấp 4, trong đó có 5 phòng được sử dụng làm phòng học, một phòng hội đồng giáo viên, một phòng hiệu trưởng… Tất cả trông nghèo nàn nằm khuất lấp sau những lùm cây dại đã lâu không phát quang. Cổng sắt chính hầu như đóng im ỉm quanh năm với vòng khóa xích sét rỉ.

Được biết, năm học này, trường Xuân Diệu chỉ còn 3 lớp, trong đó có một lớp 12 với 35 học sinh, 2 lớp 11 thì lớp còn 39 học sinh, lớp còn 29 học sinh. Mặc dù được cán bộ, giáo viên trong trường "nâng trứng, hứng hoa" nhưng số học sinh này cũng đang tiếp tục rơi rụng dần. Hiện tại trường có 6 giáo viên cơ hữu, hiệu trưởng và 3 nhân viên phục vụ. Vì chỉ còn 3 lớp nên ngay cả giáo viên cơ hữu cũng chỉ được lên lớp 4-8 tiết/tuần nên việc mời thêm giáo viên thỉnh giảng là rất hạn chế. Trường Xuân Diệu hoạt động theo cơ chế "tự thu tự chi" nên lương của giáo viên, cán bộ, công nhân viên nhà trường tỉ lệ thuận với số lượng học sinh hiện có, trong khi phụ huynh học sinh vẫn đang tiếp tục xin rút hồ sơ chuyển con đến các trường khác.

Nhà trường không có phòng thí nghiệm, thư viện… học sinh đến lớp chỉ được dạy chay, học chay. Ngoài tổ chức Đoàn TNCS HCM với 4 đoàn viên giáo viên và 48 đoàn viên là học sinh, trường Xuân Diệu không có Hội đồng quản trị, không có tổ chức công đoàn và cũng không có chi bộ Đảng. Trong những điều kiện như thế, giáo viên khó mà dạy tốt, học sinh khó mà học tốt. Do đó, đảm bảo được chất lượng giáo dục, nhất là đối với đối tượng học sinh được xếp "hạng ba" (vì được sàng lọc đến lần thứ 3) là một điều không thể thực hiện được.

* Đứa con bị từ chối

Trường THPT tư thục Xuân Diệu có nguồn gốc từ Trường THPT dân lập Xuân Diệu được UBND tỉnh ra quyết định thành lập ngày 30-8-1989 theo sáng kiến và đề nghị của Trường ĐHSP Quy Nhơn. Trường dân lập Xuân Diệu đã thuê mượn cơ sở vật chất của Trường THPT Trần Cao Vân để làm việc và tổ chức các hoạt động dạy học. Đến tháng 9-1995, UBND tỉnh lại có quyết định chuyển cơ quan đứng tên thành lập Trường dân lập Xuân Diệu từ Trường ĐHSP Quy Nhơn sang LĐLĐ tỉnh và cử ông Hồ Trọng Mai làm hiệu trưởng, ông Hồ Minh Triết làm hiệu phó. Trường dân lập Xuân Diệu được thuê cơ sở vật chất của Trung tâm Xúc tiến việc làm - LĐLĐ tỉnh để tổ chức dạy học. Ngày 7-5-1998, theo ý kiến giới thiệu của LĐLĐ tỉnh, UBND tỉnh lại quyết định cử ông Phạm Xuân Ẩn làm hiệu trưởng thay cho ông Hồ Trọng Mai. Tuy nhiên, không đầy một năm sau, LĐLĐ tỉnh lại tuyên bố từ nhiệm cơ quan đứng tên xin thành lập trường và "chuyển giao lại chức năng chỉ đạo, quản lý cho Sở GD-ĐT để có kế hoạch tiếp tục các hoạt động của trường".

Lẽ ra, khi LĐLĐ tỉnh tuyên bố từ nhiệm cơ quan đứng tên thành lập, căn cứ vào quy chế trường phổ thông dân lập của Bộ GD-ĐT năm 1991 thì Trường THPT dân lập Xuân Diệu đã phải kết thúc "sứ mệnh lịch sử" của mình từ năm học 1998-1999, tuy nhiên, do đây là loại hình trường dân lập đầu tiên và duy nhất của tỉnh nên Sở GD-ĐT đã được chỉ đạo cố gắng duy trì và phát triển mô hình này nhằm thực hiện mục tiêu xã hội hóa giáo dục. Cuộc vận động các tổ chức mới "đỡ đầu" cho trường không thành công, cuối cùng ngày 5-10-1999, tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT dân lập Xuân Diệu đã làm đơn xin phép thành lập trường theo mô hình trường THPT tư thục và đã được tỉnh chấp nhận. Ngày 15-4-1999, UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương giao khu đất 315L đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn do Công ty Xây dựng Thủy lợi đang quản lý để xây dựng Trường Xuân Diệu và sau đó ra quyết định cho thành lập Trường THPT tư thục Xuân Diệu trên cơ sở chuyển chức năng từ Trường THPT dân lập Xuân Diệu.

* Cải tử để... hoàn sinh

Theo điều 19 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ngoài công lập thì "mỗi khối lớp ít nhất phải đảm bảo 3 lớp". Trường Xuân Diệu hiện tại chỉ có 3 lớp trong khi không đủ năng lực để tự tuyển sinh. Những năm trước đây, khi ngành GD-ĐT còn "ép" chỉ tiêu tuyển sinh về cho trường, thì mỗi năm Trường Xuân Diệu còn tuyển được khoảng 2 lớp 10. Năm học 2003-2004, không còn được hỗ trợ "đầu vào", trường  chỉ tuyển được không đầy 10 học sinh.

Thành lập từ năm 2000, nhưng cơ sở vật chất nhà trường đã không được đầu tư. Ngoài 5 phòng học nhà cấp 4 tạm bợ không đúng quy cách, nguồn gốc là nhà xưởng cơ khí thanh lý lại từ Công ty Xây dựng Thủy lợi, trường chỉ xây dựng thêm được 2 phòng học cấp 4 từ nguồn vốn vay của một số tư nhân với lãi suất 1%, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn, lạc hậu.

Là một trường tư thục hoạt động theo quy chế các trường ngoài công lập nhưng trường Xuân Diệu lại không có Hội đồng quản trị và chủ tịch Hội đồng quản trị. Mọi hoạt động của nhà trường do hiệu trưởng điều hành. Vốn đầu tư của trường không rõ ràng, kinh phí chủ yếu để chi trả cho các hoạt động do hiệu trưởng vay mượn của một số cá nhân rồi thu học phí để trả nợ lãi vay và vốn vay. Nội bộ trường chưa có người đủ năng lực và uy tín đứng ra huy động vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển nhà trường theo đúng quy định của pháp luật.

Trong tình hình hoạt động của nhà trường như vậy, nhiều phụ huynh học sinh đã có đơn thư kiến nghị lên các cấp đòi quyền được học tập trong những ngôi trường cho ra trường, lớp cho ra lớp cho con em họ.

. NGỌC QUỲNH

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề nấu đám tiệc  (09/11/2003)
Nỗi niềm nữ công nhân trong khu công nghiệp   (07/11/2003)
Vài suy nghĩ về tư tưởng của Lê nin về nhà nước   (06/11/2003)
Nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Sĩ Sáu lãnh án 6 năm tù   (05/11/2003)
Những tấm lòng đến với đồng bào vùng lũ   (04/11/2003)
Mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong tư tưởng Hồ Chí Minh   (03/11/2003)
Gắn tình thương lên 748 ngôi nhà   (02/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam   (02/11/2003)
Phật giáo thực hành "từ bi hỷ xả" nhưng kiên quyết lên án sự vu khống, dối trá   (31/10/2003)
Hấp dẫn vải ký   (30/10/2003)
Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Bình Định: Nửa nhiệm kỳ nhìn lại   (29/10/2003)
Hoài Ân, Hoài Nhơn nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt   (28/10/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc   (28/10/2003)
Biển… rác   (27/10/2003)
Xe lam ba bánh: phập phồng chờ chính sách   (26/10/2003)