|
Niềm vui được mùa. |
Theo báo cáo đánh giá của Tỉnh ủy, trong gần 3 năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Bình Định phát triển tương đối toàn diện, tốc độ tăng trưởng khá; giá trị sản xuất (giá cố định 1994) tăng bình quân 3 năm (2001-2003) là 5,6% (mục tiêu đề ra 5-5,5%). Cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành đã chuyển dịch rõ nét hơn. Tỷ trọng trồng trọt, chăn nuôi năm 2003 là 74,8% và 25,2% (mục tiêu đến năm 2005 là 75% và 25%). Sản lượng lương thực có hạt tăng bình quân 2,6%/năm; ước năm 2003 đạt 574.764 tấn, tăng 7,95% so với năm 2000, trong đó lúa 549.594 tấn (đạt xấp xỉ mục tiêu 2005: 550.000 tấn). Chăn nuôi phát triển khá cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 8,9%/năm. Tài nguyên rừng được bảo vệ, phục hồi và phát triển tốt hơn. Giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân trong 3 năm là 8,3%. Năng lực đánh bắt hải sản tăng khá; so với năm 2000 số tàu thuyền tăng 16,2%, công suất tăng 12%. Diện tích nuôi tôm năm 2002 là 2.631ha, tăng 7,7% so với năm 2000...
Tuy vậy so với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu theo hướng CNH, HĐH, kinh tế nông nghiệp, nông thôn Bình Định còn một số yếu kém, tồn tại cần tiếp tục khắc phục. Đó là cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm, thiếu bền vững. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng và vật nuôi còn thấp, chi phí sản xuất cao. Một số sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ có lúc còn khó khăn, thiếu ổn định. Công tác quy hoạch và triển khai xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh, có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt và sản lượng hàng hóa lớn phục vụ cho công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ triển khai còn chậm. Tình trạng phá rừng chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Kết quả nuôi trồng và chế biến hải sản xuất khẩu đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Triển khai đầu tư hạ tầng, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản và triển khai các dự án nuôi tôm vùng cát ven biển, nuôi tôm công nghiệp còn chậm...
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu từ nay đến năm 2005, Tỉnh ủy đề ra yêu cầu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình hành động về chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng, vật nuôi nhằm phát triển toàn diện nông, lâm, thủy sản gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
Về trồng trọt, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch sản xuất, quy hoạch quản lý sử dụng đất, mặt nước theo hướng chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trên cơ sở xác định cây trồng, vật nuôi có lợi thế, đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, thúc đẩy hình thành nhanh, vững chắc các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh cây trồng, vật nuôi gắn với công nghiệp chế biến, xuất khẩu và thị trường tiêu thụ. Xây dựng, bổ sung và tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích cho từng cây trồng, vật nuôi phát triển theo định hướng. Về chăn nuôi, phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh chương trình lai tạo đàn bò, nạc hóa đàn heo, phát triển mạnh chăn nuôi bò sữa phấn đấu vượt chỉ tiêu Đại hội. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm năng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả vật nuôi, tạo sản phẩm có chất lượng cao, phục vụ cho tiêu dùng và chế biến xuất khẩu. Kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới thú y, chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, bảo đảm cho ngành chăn nuôi phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững.
Về lâm nghiệp, huy động nhiều nguồn vốn, nhiều thành phần kinh tế đầu tư phát triển lâm nghiệp, thực hiện tốt bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, khoanh nuôi, tái sinh rừng, kết hợp trồng rừng mới. Đẩy mạnh giao đất lâm nghiệp, giao khoán bảo vệ rừng, giao đất trống đồi trọc và đất cát ven biển cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài để trồng rừng. Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, khai thác trái phép lâm sản; làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Nâng cao độ che phủ rừng đạt 38% vào năm 2005.
Về thủy sản, đẩy mạnh thực hiện các dự án nuôi tôm ở vùng cát ven biển và đất nhiễm mặn theo hướng công nghiệp, hiệu quả, bền vững. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung đối với các vùng nuôi trồng hải sản tập trung; ứng dụng công nghệ nuôi tôm tiên tiến; làm tốt công tác kiểm dịch và có phương án cơ bản, lâu dài để phòng chống dịch bệnh cho tôm. Đổi mới, nâng cao năng lực khai thác gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản; hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở chế biến hải sản đầu tư mở rộng quy mô và đổi mới trang thiết bị, công nghệ để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm hải sản xuất khẩu.
Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, mở rộng lưới điện, cơ giới hóa. Tiếp tục khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển ngành nghề và dịch vụ gắn với đô thị hóa nông thôn nhằm chuyển dịch một bộ phận lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, tạo nhiều việc làm mới, nâng cao chất lượng lao động, cải thiện đời sống dân cư ở nông thôn...
. VÕ CÔNG |