Một ngày ở Hải Minh
15:47', 13/11/ 2003 (GMT+7)

Học sinh ở Hải Minh đi học.

Từ ngoài biển nhìn vào Hải Minh chỉ thấy vài nóc nhà nhô cao lên giữa nền xanh thẫm của biển và bán đảo Phương Mai, nhưng khi bước chân vào Hải Minh là như lạc vào mê cung. Nhà san sát nhau, lối đi quanh co, nhỏ hẹp…

* Khi cái khó bó…cái chữ

Tên gọi hành chính của Hải Minh là khu vực 9, thuộc phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn. Hải Minh có hơn 400 hộ gia đình với hơn 2.000 nhân khẩu, trong đó "Hải Minh trong" có 1 tổ, còn lại là "Hải Minh ngoài" có 5 tổ. Ông Chín Hùng, khu vực trưởng khu vực 9, thở dài: "Đã 10 năm rồi tôi làm khu vực trưởng nơi đây, chưa bao giờ tôi thấy Hải Minh khó khăn như hiện nay, trên 2/3 số dân ở đây phải chạy ăn từng bữa, có gạo nấu buổi sáng thì phải lo chạy gạo để nấu buổi chiều…". Ngày trước Hải Minh được gọi là Hải Khẩu, thuộc xã đảo Nhơn Hải. Nay được nhập vào phường Hải Cảng, nên Hải Minh không được hưởng chế độ ưu đãi của hải đảo vì mang tiếng là một khu vực thuộc trung tâm thành phố. Hải Minh đang đứng trước những khó khăn về kinh tế. Trước đây đời sống người dân Hải Minh ở mức khá cao là nhờ vào việc buôn bán hàng điện tử, có lúc Hải Minh được mọi người gọi là "Hồng Kông 2" do sự giàu có và sầm uất của nó. Từ ngày hàng lậu vào vùng bán đảo này không còn nữa, dân Hải Minh kiếm sống bằng nghề dùng thuốc nổ khai thác san hô nhưng việc làm phạm pháp đó cũng sớm bị khai tử vì Nhà nước nghiêm cấm. Cuộc sống của người dân Hải Minh bắt đầu rơi vào túng thiếu. Ngư trường cạn kiệt, càng đi ra biển càng lún sâu vào nợ nần. Cuộc sống của người dân nơi đây hiện nay chỉ dựa vào con tôm hùm con, cả năm khai thác được một mùa, từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, trong đó có việc đầu tư cho giáo dục.

Hải Minh chỉ có một trường tiểu học, nhưng được xây dựng từ trước giải phóng, nay đã xuống cấp trầm trọng mà vẫn chưa có tiền để tu sửa lại. Từ nhà đến trường, hàng ngày các em học sinh phải đi qua con suối rộng chừng 3m. Mùa khô thì không có gì, nhưng chỉ cần một cơn mưa bất chợt là nước từ trên núi đổ về như thác, có thể cuốn phăng bất cứ vật gì. Năm học 2002, người dân nơi đây đã một phen thất kinh khi chứng kiến cảnh em Nguyễn Thị Âu, trên đường đi học về ngang qua suối bị nước lũ cuốn phăng. May là có người phát hiện kịp thời lao xuống cứu. Ông Hùng than thở: "Kinh phí xây dựng chiếc cầu này chỉ khoảng chục triệu bạc là cùng, với khoản kinh phí ấy mà đệ trình lên cấp trên thì quá nhỏ, nhưng để huy động trong dân lại quá lớn. Chúng tôi đã vận động trong dân nhiều lần, nhưng không được, người dân Hải Minh bây giờ khổ quá…".  Khi các em bước vào bậc học THCS là phải "lên tàu" sang Quy Nhơn để học tiếp và đây là bước đường gian lao nhất mà các em và phụ huynh phải trải qua. Hiện nay tỷ lệ bỏ học của học sinh cấp THCS ở Hải Minh khoảng 18%, nhưng lên đến THPT thì con số này tăng đến hơn 80%. Các em chỉ học kiếm dăm ba chữ rồi lại theo cha anh ra biển kiếm tiền. Người dân Hải Minh vẫn biết là cho con em học lấy cái chữ để tương lai bớt khổ nhưng quả thực "cái khó bó mất cái… chữ" rồi.

* Môi trường: S.O.S

Ngoài những khó khăn về kinh tế, giáo dục, Hải Minh còn đang phải đối mặt với một vấn đề hết sức nghiêm trọng khác: môi trường nơi đây đang ngày càng ô nhiễm nặng. Với từng ấy hộ gia đình, từng ấy con người sống trên một diện tích vài hecta mà không có một biện pháp nào để xử lý rác thải thì làm sao môi trường không bị ô nhiễm? Bao nhiêu rác đều bị tống ra biển để rồi con sóng đánh trở lại trả cho con người. Còn mang lên bỏ trên núi thì đến khi mùa mưa đến, nước mưa sẽ mang theo rác thải đưa xuống khu dân cư trở lại. Ông Hùng còn cho biết: Người dân Hải Minh đã trình lên cấp trên vấn đề này nhiều lần nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết. Vừa qua, Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn đã xem xét vấn đề này. Theo đó, phương thức được người dân đưa ra là: Công ty sẽ đặt tại đây những thùng đựng rác để người dân bỏ rác vào, sau đó được chuyển sang bên đất liền để xử lý. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì từ phía cơ quan chức năng.

Bước chân xuống thuyền để trở lại Quy Nhơn, tôi chợt chạnh lòng trước những tình cảnh mà Hải Minh đã và đang từng ngày phải đối mặt.

. CÔNG TÂM

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phát triển nông nghiệp - nông thôn ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng  (13/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc   (11/11/2003)
Trường THPT tư thục Xuân Diệu: Sức tàn, lực kiệt   (10/11/2003)
Nghề nấu đám tiệc  (09/11/2003)
Nỗi niềm nữ công nhân trong khu công nghiệp   (07/11/2003)
Vài suy nghĩ về tư tưởng của Lê nin về nhà nước   (06/11/2003)
Nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Sĩ Sáu lãnh án 6 năm tù   (05/11/2003)
Những tấm lòng đến với đồng bào vùng lũ   (04/11/2003)
Mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong tư tưởng Hồ Chí Minh   (03/11/2003)
Gắn tình thương lên 748 ngôi nhà   (02/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam   (02/11/2003)
Phật giáo thực hành "từ bi hỷ xả" nhưng kiên quyết lên án sự vu khống, dối trá   (31/10/2003)
Hấp dẫn vải ký   (30/10/2003)
Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Bình Định: Nửa nhiệm kỳ nhìn lại   (29/10/2003)
Hoài Ân, Hoài Nhơn nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt   (28/10/2003)