Thư viện trường học
16:43', 14/11/ 2003 (GMT+7)

Đọc sách tại thư viện trường THCS Quang Trung (ảnh: Ngọc Diên)

Sự cần thiết phải xây dựng thư viện trong trường học đã rõ. Nhưng để xây dựng được thư viện đạt chuẩn và phục vụ hiệu quả nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm và tính năng động của mỗi trường học.

* Trường nào cũng có thư viện

Theo số liệu của Công ty Sách- Thiết bị Bình Định, toàn tỉnh có 376/394 trường phổ thông có thư viện trường học, còn lại 18 trường xây dựng được "tủ sách dùng chung". Tuy nhiên, mới có 168 trường đã xây dựng được thư viện 5 chuẩn theo Quyết định 659 của Bộ GD-ĐT ngày 9-7-1990. Trong đó, 20 trường vừa nâng cấp thư viện đạt chuẩn quốc gia theo Quyết định 01 của Bộ GD-ĐT mới ban hành. Số lượng thư viện đạt chuẩn quốc gia (theo  chuẩn cũ và mới) ở mỗi cấp học cũng không đều. Ở bậc tiểu học có 75/244 trường; THCS có 70/104 trường; THPT có 23/46 trường có thư viện đạt chuẩn. Ông Văn Tấn Hùng, chuyên viên phụ trách công tác thư viện trường học, Công ty Sách- Thiết bị Bình Định cho biết: "Từ khi có quy định các trường tiên tiến cấp huyện, cấp tỉnh phải có thư viện đạt chuẩn quốc gia thì phong trào xây dựng thư viện đạt chuẩn trong toàn tỉnh rộ lên".

Để xây dựng một thư viện trường học đạt chuẩn (cũ) cần phải có 40-50 triệu đồng. Nguồn kinh phí này tương đối lớn so với "ngân sách" của nhà trường, trong khi khả năng xã hội hóa công tác thư viện trường học còn hạn chế. Do đó, muốn có thư viện chuẩn để đăng ký xây dựng trường tiên tiến, các trường cần sự hỗ trợ rất lớn từ ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục của ngành.

* Nhưng chất lượng phục vụ....

5 tiêu chí của một thư viện

đạt chuẩn quốc gia

1. Sách giáo khoa, sách nghiệp vụ giáo viên, sách tham khảo phải đạt bình quân 2 cuốn/HS trường tiểu học, 3 cuốn/HS trường THCS, 4 cuốn/ HS THPT.

2. Cơ sở vật chất: Mỗi thư viện có diện tích tối thiểu là 50m2 để làm phòng đọc và kho sách với đầy đủ trang thiết bị chuyên dùng như giá, tủ, bàn ghế…

3. Về nghiệp vụ: Tất cả các loại ấn phẩm phải được đăng ký, mô tả, phân loại, tổ chức mục lục theo đúng nghiệp vụ thư viện; có đầy đủ các hướng dẫn sử dụng thư viện.

4. Về tổ chức và hoạt động (tổ chức, quản lý; đối với cán bộ làm công tác thư viện…)

5. Về quản lý thư viện (bảo quản, kiểm kê, thanh lý…).

Tuy nhiên, xây dựng được thư viện đạt chuẩn thôi chưa đủ, thư viện hoạt động hiệu quả mới là cái đích cần đạt được.  Nhớ lại thời kỳ những năm 1990 trở về trước, các trường phổ thông cả nước nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng đổ xô theo phong trào xây dựng thư viện "chuẩn 288". Sách được mua khá nhiều nhưng không đúng trọng tâm, không đúng đối tượng phục vụ. Kết quả là hàng đống sách, báo được đóng bao tải, chất vào kho làm mồi cho mối, mọt gây nên sự lãng phí khá lớn.

Còn ông Nguyễn Đình Thọ, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (Quy Nhơn) cho biết: "Mặc dù làm khá tốt phong trào quyên sách trong học sinh nhưng số sách này chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ yêu cầu của thư viện nhà trường, trong khi nguồn kinh phí bổ sung sách cho thư viện của trường lại rất hạn chế". Trong Thông tư 30 của Liên Bộ Tài chính – GD-ĐT có quy định: Trích từ 6-10% tổng chi ngân sách để xây dựng thư viện và mua sắm thiết bị dạy học. Nhưng theo bà Đoàn Thị Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, thì "cái bánh" ngân sách quá nhỏ nên ngành cũng chỉ biết "liệu cơm gắp mắm".

Để thư viện trường học phát huy hiệu quả thì ngoài số lượng đầu sách, báo, tạp chí... cần phải có cán bộ thư viện có chuyên môn, nghiệp vụ và nhiệt tình phục vụ. Trong khi đó, ở nhiều trường hiện nay, cán bộ thư viện không có chuyên môn, làm kiêm nhiệm nên chất lượng phục vụ không cao. Năm học 2003-2004, Sở GD-ĐT đã đặt ra các mục tiêu phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện trường học, trong đó đề ra một số biện pháp như đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng và nâng cấp thư viện; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thư viện và tăng cường kiểm tra để nâng cao chất lượng phục vụ của thư viện trường học. Hy vọng với những biện pháp này, thư viện trường học sẽ phát huy hiệu quả hoạt động một cách tích cực hơn.

. NGỌC QUỲNH

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một ngày ở Hải Minh  (13/11/2003)
Phát triển nông nghiệp - nông thôn ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng  (13/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc   (11/11/2003)
Trường THPT tư thục Xuân Diệu: Sức tàn, lực kiệt   (10/11/2003)
Nghề nấu đám tiệc  (09/11/2003)
Nỗi niềm nữ công nhân trong khu công nghiệp   (07/11/2003)
Vài suy nghĩ về tư tưởng của Lê nin về nhà nước   (06/11/2003)
Nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Sĩ Sáu lãnh án 6 năm tù   (05/11/2003)
Những tấm lòng đến với đồng bào vùng lũ   (04/11/2003)
Mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong tư tưởng Hồ Chí Minh   (03/11/2003)
Gắn tình thương lên 748 ngôi nhà   (02/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam   (02/11/2003)
Phật giáo thực hành "từ bi hỷ xả" nhưng kiên quyết lên án sự vu khống, dối trá   (31/10/2003)
Hấp dẫn vải ký   (30/10/2003)
Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Bình Định: Nửa nhiệm kỳ nhìn lại   (29/10/2003)