Bình Định lại phải đương đầu với lũ dữ
17:44', 16/11/ 2003 (GMT+7)

Ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh (đầu tiên, bên trái), trao quà cứu trợ cho nhân dân vùng lũ Tuy Phước (ảnh: Nguyễn Hân)

Chưa kịp khắc phục hậu quả của đợt lụt trước (cuối tháng 10), Bình Định đã phải hứng chịu tiếp đợt lụt thứ 2 với mức độ tàn phá cũng nghiêm trọng không kém. Mưa lũ đã làm chết 9 người, 442 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 5 phòng học bị hư hỏng nặng, 810 ha lúa mùa trà 2 bị ngập nước, trong đó 325 ha lúa bị mất trắng. Mưa lũ cũng đã làm mất trắng 647 ha mì, 332 ha mía bị giảm sản lượng, 60 tấn thóc giống bị hư hại; 240 ha đất sản xuất bị sa bồi, thủy phá; 8 cầu giao thông nông thôn bị phá hủy; 11.888 mét đê sông vị vỡ, sạt lở, hơn 5.000 mét kênh mương nội đồng bị nước lũ cuốn trôi; 17.000 mét đường giao thông bị sạt lở, nhiều đoạn bị vỡ đứt hoàn toàn không thể đi lại được... Tổng thiệt hại do lũ gây ra ước tính trên 30 tỉ đồng.

* Tổn thất nặng nề

Liên tiếp trong các ngày từ 11 đến 14-11, mưa lớn đã liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh. Lại một lần nữa, nước lũ tràn về nhấn chìm toàn bộ vùng đồng bằng phía đông các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước và các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP.Quy Nhơn). Hệ thống đê điều, đường giao thông ở nhiều nơi bị nước lũ chia cắt không thể đi lại được; nhiều đoạn đê sông, đê biển, kênh mương bị vỡ và sạt lở nghiêm trọng, nhất là các đoạn đê bị vỡ trong đợt mưa lũ từ 15 đến 20-10 vừa được hàn khẩu tạm. Hệ thống đê khu Đông tại các xã Phước Hòa, Phước Thắng (Tuy Phước), Cát Chánh (Phù Cát), Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) bị nước lũ nhấn chìm từ 0,3 đến 0,5 mét. Nhiều tuyến đê sông ở Phước Hưng, Phước Hòa (Tuy Phước) không thể chống chịu nổi với nước lũ đã bị vỡ đứt thành nhiều đoạn, gây tổn thất nặng nề.

Sáng 14-11, chúng tôi có mặt tại khu vực phía đông huyện Tuy Phước, nước lũ đổ về ào ạt nhấn chìm cả vùng này trong biển nước. Tỉnh lộ 640 từ thị trấn Tuy Phước đi các xã Phước Hòa, Phước Thắng lại một lần nữa bị nước lũ nhấn chìm, người dân phải dùng ghe, sõng để đi lại. Ông Nguyễn Bay, Ban Chỉ huy PCLB Tuy Phước cho biết, toàn huyện có 2 người chết, 300 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 5 phòng học của Trường tiểu học số 2 Phước Hưng bị sập đổ, 35 ha cây công nghiệp bị hư hại. Nhưng thiệt hại nặng nề nhất vẫn là các đê sông, đê biển bị sạt lở với tổng chiều dài trên 40.000 mét.

Còn tại huyện Phù Mỹ, mưa lũ cũng đã cướp đi sinh mạng của 2 người dân, làm sập hoàn toàn 14 căn nhà; hàng ngàn mét đê sông bị sạt lở. Đến thăm gia đình ông Huỳnh Cát, 80 tuổi ở thôn Hiệp An, xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ) chúng tôi thật sự xúc động khi chứng kiến gia cảnh khốn khó của gia đình ông. Nhà nghèo túng phải chạy ăn từng bữa một nhưng lũ lụt vẫn không "tha" cho ông. Trong đêm 13-11, mưa lớn kèm gió đã xô ngã ngôi nhà là nơi duy nhất để ông chui ra chui vào. Mấy ngày nay ông phải ở nhờ tạm nhà hàng xóm và nhờ những tấm lòng từ thiện của bà con trong vùng để sống qua ngày.

Một hộ dân có nhà bị sập do lũ ở Cát Tiến, Phù Cát (ảnh: Tiến Sỹ)

Tại Phù Cát, lũ đã gây thiệt mạng 3 người, 26 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng trăm ngôi nhà khác đang có nguy cơ sập và nhiều tuyến đường giao thông liên thôn ở các xã khu đông bắc huyện bị ngập nước; đê sông Kôn tại cống ông Sư xã Cát Nhơn lở thêm 10 mét, gây sa bồi thủy phá hàng chục ha ruộng.

Đến chiều ngày 15-11, mực nước các con sông bắt đầu rút, nhưng ở các xã nằm phía đông bắc huyện Phù Cát vẫn còn mênh mông biển nước. Phải mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới đến được thôn Tân Tiến, xã Cát Tiến. Tại đây, nước vẫn còn bao bọc lấy làng, làng xóm tiêu điều xơ xác trông thật buồn thảm. Ở xã Cát Tân và Cát Nhơn không khí nặng nề bao trùm bởi 2 địa phương này có người chết trong cơn lũ vừa qua. Gia đình anh Nguyễn Út có con là Nguyễn Thanh Việt, 12 tuổi học lớp 7A1 Trường THCS Cát Tân, bị nước cuốn trôi trong lúc em đang trên đường đi học về. Chị Nguyễn Thị Mai 45 tuổi ở thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn, bị nước cuốn trôi đến nay chưa tìm thấy xác… Hiện nay, chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm kiếm xác của chị.

* Khẩn trương khắc phục hậu quả

Ngay trong buổi chiều ngày 13-11, ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cùng với các thành viên trong Ban Chỉ huy lụt bão tỉnh đã có mặt tại huyện Tuy Phước để triển khai các phương án khắc phục hậu quả lũ lụt. Ông Vũ Hoàng Hà đã trực tiếp đến kiểm tra và chỉ đạo các biện pháp đối phó kịp thời với lũ tại hệ thống đê sông Gò Chàm (Phước Hưng) và hệ thống đê Khu Đông. 3 chiếc ca-nô của lực lượng công an đã nhanh chóng được huy động đến để chuyển lương thực và các nhu yếu phẩm cho các hộ dân còn nằm kẹt trong vùng bị lũ chia cắt. Cũng trong buổi sáng 14-11, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã xuất khẩn cấp 250 cơ số hàng dự trữ gồm: gạo, mì tôm, mùng… trị giá 25 triệu đồng để cứu trợ người dân vùng lũ. Trong buổi chiều ngày 14-11, ông Nguyễn Xuân Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, dù đang bận họp Quốc hội cũng đã cấp tốc trở về chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt. Ông Nguyễn Xuân Dương đã đi thị sát tình hình lũ lụt tại các xã Cát Nhơn, Cát Tiến (Phù Cát); chỉ đạo chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt.

Chiều ngày 15-11, sau khi đi thị sát tình hình khắc phục lũ lụt 2 xã Cát Tân và Cát Tiến; thăm hỏi và tặng quà cho những hộ gia đình có người chết, nhà sập, ông Nguyễn Tấn Hiểu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, đã yêu cầu Đảng ủy, chính quyền địa phương 2 xã nhanh chóng triển khai việc cứu hộ, cứu trợ cho nhân dân ổn định cuộc sống; đưa những hộ dân sống trong vùng  ngập lũ ra khỏi vùng nguy hiểm; sau khi lũ rút huy động công lao động trong dân tu sửa đường giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng, cải tạo đồng ruộng để sản xuất….

Hiện nay, tranh thủ nước lũ đang rút, chính quyền các địa phương ở Bình Định phối hợp cùng lực lượng bộ đội, công an, thanh niên xung kích… đang khẩn trương giúp người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Phải hứng chịu 2 đợt lũ tàn khốc liên tiếp trong một thời gian ngắn, Bình Định đang rất khó khăn và hơn lúc nào hết, ngoài sự nỗ lực của tỉnh, Bình Định đang rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ của đồng bào cả nước.

. NGUYỄN HÂN - TIẾN SĨ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của nhân dân và của khối đại đoàn kết toàn dân tộc   (16/11/2003)
Thư viện trường học   (14/11/2003)
Một ngày ở Hải Minh  (13/11/2003)
Phát triển nông nghiệp - nông thôn ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng  (13/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc   (11/11/2003)
Trường THPT tư thục Xuân Diệu: Sức tàn, lực kiệt   (10/11/2003)
Nghề nấu đám tiệc  (09/11/2003)
Nỗi niềm nữ công nhân trong khu công nghiệp   (07/11/2003)
Vài suy nghĩ về tư tưởng của Lê nin về nhà nước   (06/11/2003)
Nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Sĩ Sáu lãnh án 6 năm tù   (05/11/2003)
Những tấm lòng đến với đồng bào vùng lũ   (04/11/2003)
Mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong tư tưởng Hồ Chí Minh   (03/11/2003)
Gắn tình thương lên 748 ngôi nhà   (02/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam   (02/11/2003)
Phật giáo thực hành "từ bi hỷ xả" nhưng kiên quyết lên án sự vu khống, dối trá   (31/10/2003)