Tâm sự của những nhà giáo về "Tôn sư trọng đạo"
15:48', 20/11/ 2003 (GMT+7)

Mỗi thầy cô giáo là một người lái đò thiêng liêng đưa ta đến bến bờ tri thức. Trong niềm vui chung mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, phóng viên Báo Bình Định điện tử đã có cuộc gặp gỡ với những nhà giáo có thâm niên trong ngành: cô Bùi Thị Thanh Thủy, thầy Phạm Quang Bắc, thầy Phạm Huy Hoàng. Với những tâm sự hết sức chân thành về nghề trồng người, chúng ta càng hiểu hơn và trân trọng hơn những người đã vượt qua bao thăng trầm trong cuộc sống để gắn bó mình với từng lớp thế hệ học trò.

* Cô Bùi Thị Thanh Thủy - Hiệu trưởng trường THPT Trưng Vương, Quy Nhơn

Cô Bùi Thị Thanh Thủy

Người xưa có câu: "Học vấn ích trí, giáo dục dưỡng tâm" (học vấn mở mang trí tuệ, giáo dục nuôi dưỡng tâm hồn). Đó là tôn chỉ giáo dục không phải của riêng một thời đại nào, bởi bản chất của giáo dục ở mọi thời đại dù phát triển dưới hình thức nào cũng không nằm ngoài việc xây dựng trí tuệ, tâm hồn và hoàn thiện nhân cách cho con người. Xác định điều này, song song với công tác giảng dạy, Ban giám hiệu và tập thể giáo viên trường THPT Trưng Vương luôn chú ý đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh, trong đó đặc biệt xem trọng việc giáo dục tinh thần "Tôn sư trọng đạo".

Việc giáo dục truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của nhà trường được thể hiện bằng nhiều cách thức khác nhau. Nội qui của nhà trường đã đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu về thái độ đúng đắn của học sinh đối với thầy cô giáo và sự học hành của mình. Tuy nhiên, "Tôn sư trọng đạo" không thể chỉ là thái độ biểu hiện bên ngoài, mà phải thực sự là tình cảm từ trong lòng. Muốn học sinh biết kính yêu thầy cô giáo, biết xem trọng "đạo học" và đạo lý sống ở đời, bản thân thầy cô giáo phải thực sự là một tấm gương về năng lực trí tuệ và phẩm chất đạo đức. Ban giám hiệu thường xuyên chấn chỉnh và củng cố đội ngũ giáo viên, thực hiện phương châm "kỷ cương, tình thương, trách nhiệm" của ngành giáo dục.

Trong bối cảnh hiện nay, có không ít tác động tiêu cực ảnh hưởng không tốt đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Truyền thống "Tôn sư trọng đạo" có những nơi, những lúc bị lung lay, thậm chí còn bị xâm phạm nghiêm trọng. Nhà trường càng phải đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục học sinh về vấn đề "Tôn sư trọng đạo". Hơn bao giờ hết, nhà trường cần sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, sự quan tâm và kết hợp chặt chẽ của các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.

* Thầy Phạm Quang Bắc - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Thầy Phạm Quang Bắc

"Tôn sư trọng đạo" là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đây là một nét đẹp văn hóa trong các trường học, thể hiện sự tôn trọng của lớp học trò đối với thầy cô giáo và hơn thế nữa là sự kế thừa những gì tốt đẹp của các thế hệ cha anh đi trước. Trong suốt cuộc đời đứng trên bục giảng của mình, tôi đã có rất nhiều những kỷ niệm đẹp và từ đó hiểu được rằng: con người dù phải thay đổi đến đâu để phù hợp với xã hội thì cái đọng lại trong mỗi con người vẫn là tình cảm nâng niu trân trọng đối với tình thầy trò.

Tôi còn nhớ rất rõ ngày đầu tiên bước chân về một trường học làm giáo sinh thực tập ở Thọ Xuân (Thanh Hóa). Hồi đó, tôi xách ba lô về trọ tại nhà một phụ huynh. Vừa mới vào đến sân nhà, một cụ ông khoảng 70 tuổi râu tóc bạc phơ từ trên nhà bước xuống bậc tam cấp bắt tay niềm nở, lo lắng chu đáo, một điều thầy hai điều thầy dù cậu giáo sinh là tôi chỉ đáng tuổi cháu của mình. Hiện nay, nét đẹp đó vẫn được phát huy rất mạnh mẽ. Nhiều phụ huynh, học sinh tôn vinh thầy giáo như những người cha người mẹ thứ hai của mình.

Trong quá trình công tác của mình tôi cũng gặp một vài trường hợp học sinh "cá biệt". Thế nhưng, chính những học sinh này sau khi bị giáo viên "gọt giũa" đến nơi đến chốn lại nhớ đến thầy cô nhiều nhất. Mỗi học sinh như một cây non, muốn các em nên người, thầy cô giáo và gia đình phải có trách nhiệm giáo dục các em. Chúng ta không nên vội vàng kết luận học sinh không ngoan, không phải với thầy cô giáo của mình mà phải tự hỏi từ bản thân những người lớn đã quan tâm đúng mức đến các em hay chưa?! Để đánh giá một học sinh chúng ta phải dựa vào quá trình giáo dục mà nên. Mà điều này đôi lúc vì cuộc sống đời thường một vài giáo viên đã vô tình quên mất chức phận thiêng liêng của mình.

* Thầy Nguyễn Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Cảng, Quy Nhơn

Thầy Nguyễn Huy Hoàng  

Năm 1975, tôi bước vào nghề giáo và đến nay đã trải qua 28 năm, đã "đứng lại bên này bến bờ" chăm chút, tiễn đưa nhiều thế hệ học trò trưởng thành và đi vào đời bằng chính đôi chân của mình. Và cũng ngần ấy thời gian tôi tìm thấy niềm hạnh phúc với những tình cảm trân trọng của các em học sinh.

28 năm tôi được sống với niềm vui và nỗi buồn trong nghề. Trong tâm trí của tôi, thế hệ học sinh hôm nay nhận thức ngày "tết" thầy giáo rất sâu sắc và thể hiện bằng nhiều hành động cụ thể. Các em đã nói được những suy tư, tình cảm của mình bằng những trang viết, những hành động thiết thực. Và hơn ai hết, không chỉ có ngày 20-11 mà trong tất cả các ngày còn lại, sự trân trọng của các em với thầy cô giáo của mình như một tiềm thức.

Ngày nay, chúng ta thường cho rằng nhiều học sinh hư và đổ tội cho mối quan hệ gia đình-nhà trường-xã hội lỏng lẻo. Nhưng theo tôi, chúng ta chưa hài lòng với các em là bởi vì chúng ta vẫn chưa có cái nhìn tích cực cũng như lòng tin tưởng tuyệt đối vào các em.

N. PHÚC - L.HIỀN

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một hiệu trưởng năng động   (19/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân   (18/11/2003)
Cuộc chiến chống lâm tặc ở Ân Nghĩa   (17/11/2003)
Bình Định lại phải đương đầu với lũ dữ   (16/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của nhân dân và của khối đại đoàn kết toàn dân tộc   (16/11/2003)
Thư viện trường học   (14/11/2003)
Một ngày ở Hải Minh  (13/11/2003)
Phát triển nông nghiệp - nông thôn ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng  (13/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc   (11/11/2003)
Trường THPT tư thục Xuân Diệu: Sức tàn, lực kiệt   (10/11/2003)
Nghề nấu đám tiệc  (09/11/2003)
Nỗi niềm nữ công nhân trong khu công nghiệp   (07/11/2003)
Vài suy nghĩ về tư tưởng của Lê nin về nhà nước   (06/11/2003)
Nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Sĩ Sáu lãnh án 6 năm tù   (05/11/2003)
Những tấm lòng đến với đồng bào vùng lũ   (04/11/2003)