|
Nhiều lao động còn bị thiệt thòi do DN không thực đúng các quy định |
Hiện nay có trên 1.000 đơn vị kinh tế đủ mọi thành phần đang hoạt động ở tỉnh Bình Định, thu hút hàng trăm ngàn lao động. Kể từ khi triển khai thực hiện Bộ luật Lao động (1995) tại các doanh nghiệp (DN), quyền lợi của người lao động NLĐ được bảo vệ, cuộc sống của NLĐ được nâng cao. Tuy nhiên, so với Bộ luật, nhiều nơi NLĐ vẫn còn thiệt thòi…
* Hợp đồng lao động - làm cho có (!)
Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 27.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước và gần 25.000 lao động ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNNQD). Qua kiểm tra, thanh tra cho thấy công tác quản lý lao động của các DN theo hình thức hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã tăng cường ý thức kỷ luật của NLĐ, giúp tăng năng suất lao động. Người sử dụng lao động đã có trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, xung quanh việc ký kết HĐLĐ vẫn còn nhiều bất cập.
Ở khu vực DNNQD, việc ký kết HĐLĐ bằng văn bản với NLĐ vẫn còn rất hạn chế, chỉ chiếm 15-20% tổng số lao động đang làm việc tại DN. 80-85% lao động còn lại là giao kết miệng theo thời vụ có thời hạn dưới một năm. HĐLĐ ký kết bằng văn bản đã ít lại còn mang nặng tính hình thức, chiếu lệ và đối phó. NLĐ tuy được ký kết HĐLĐ nhưng không biết công việc mình phải làm, thời gian nghỉ ngơi lẫn các quyền lợi được hưởng khác như BHXH, trang bị đồ bảo hộ lao động… Thậm chí một số DN đã không sử dụng mẫu HĐLĐ theo quy định mà tự soạn lại mẫu HĐLĐ khác, nhằm che dấu và cắt xén một số chế độ của NLĐ. Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chánh thanh tra chính sách lao động của Sở LĐ-TB&XH nhận xét: "HĐLĐ đã bị "biến tướng" thành một loại hợp đồng khác như hợp đồng kinh tế dân sự để né tránh thực hiện các chính sách lao động. Nếu trong HĐLĐ không thể hiện rõ các điều kiện làm việc, nghỉ ngơi…thì NLĐ sẽ bị thiệt thòi rất nhiều bởi còn liên quan đến các chế độ trợ cấp sau này".
Tại các DN, kể cả khu vực trong và ngoài quốc doanh, tỷ lệ sử dụng lao động mùa vụ chiếm tới 44-85% trong tổng số lao động làm việc tại các DN. Nhiều lao động làm việc có tính chất ổn định, thường xuyên trong nhiều năm nhưng chủ sử dụng lao động vẫn ký kết loại HĐLĐ mùa vụ 3 tháng, 6 tháng hoặc dưới 12 tháng, hết hợp đồng thì lại giao kết hợp đồng mới. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Lao động, không được giao kết HĐLĐ theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ một năm trở lên.
* Né đóng bảo hiểm xã hội
Theo thống kê của BHXH tỉnh, tổng số lao động trong các DN tham gia đóng BHXH 9 tháng đầu năm chỉ chiếm khoảng 55-60% so với tổng số lao động thực tế đang làm việc. Tính riêng khu vực DNNQD, chỉ 1.517/24.966 lao động được tham gia BHXH, chiếm 6,07% tổng số lao động đang làm việc. Còn tại KCN Phú Tài dù số lao động được tham gia BHXH có tăng hơn trước nhưng cũng chỉ chiếm 8,4% lao động thực tế. Nợ đọng tiền BHXH và tránh né thực hiện BHXH đã trở thành chuyện không có hồi kết.
Tình trạng lách luật, né tránh việc thực hiện các chế độ BHXH ở các DN vẫn khá phổ biến dưới nhiều hình thức như: khai báo số lao động thấp hơn nhiều so thực tế, khai báo mức lương thấp xuống để giảm số BHXH phải nộp, không ký kết HĐLĐ hoặc chỉ ký kết HĐLĐ dưới 3 tháng để tránh nộp BHXH mặc dù vẫn sử dụng lực lượng lao động này thường xuyên. Theo quy định mới của Bộ luật Lao động, lao động thời vụ ký HĐLĐ một lần dưới 3 tháng thì không tham gia BHXH, nhưng nếu chủ sử dụng hợp đồng lại thì vẫn phải đóng BHXH cho NLĐ.
Bên cạnh đó, ở một số cơ sở, tiền lương không ghi rõ ràng mà chỉ ghi "tiền lương theo sản phẩm" hoặc "tiền lương theo kết quả lao động" nên khó xác định căn cứ khi nộp BHXH. Thậm chí có nhiều DN hàng tháng vẫn trích 5% lương của NLĐ để nộp BHXH nhưng thực tế lại sử dụng vào những mục đích khác, chiếm dụng vốn của NLĐ. Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Lao động và điều lệ BHXH Việt Nam.
Về phía NLĐ, một số người cũng chưa hiểu rõ được quyền lợi khi được đóng BHXH nên khi thấy lương ít hơn những nơi khác liền bỏ qua DN khác làm. Nhưng cũng có nhiều người biết mà vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" bởi họ sợ bị chủ sa thải, mất việc làm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, việc thực hiện Bộ luật Lao động tại các DNNQD vẫn rất khó khăn, chuyển biến chậm mặc dù đã được tuyên truyền hướng dẫn nhiều, nhất là việc thực hiện HĐLĐ, BHXH thỏa ước lao động tập thể… vẫn còn nhiều sai sót, làm chiếu lệ, đối phó với các cơ quan chức năng. Trong khi đó, tại các doanh nghiệp nhà nước tình hình đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn có một số DN chưa kịp thời nắm bắt các văn bản mới sửa đổi, bổ sung đã làm thiệt thòi quyền lợi của NLĐ.
THU HÀ
|