|
Khách du lịch tham quan chùa Thập Tháp. |
Công cuộc đổi mới ở Việt Nam trong những năm qua, trong đó có đổi mới chính sách tôn giáo, đã mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào cả nước nói chung, Bình Định nói riêng, được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật, đã tích cực tham gia công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bình Định là một tỉnh ven biển miền Trung với dân số khoảng 1,5 triệu người, trong đó có rất đông tín đồ Phật giáo. Toàn tỉnh Bình Định hiện có trên 283 chùa, 21 Tịnh xá, 6 Tịnh thất, 30 Niệm Phật đường với hơn 1.000 tăng ni, trong đó gồm: 426 vị tỳ kheo, 116 vị tỳ kheo ni, 297 vị sa di, 85 vị thức xoa Mamani, 133 vị sa di ni.
Bình Định cũng là nơi xuất phát của nhiều danh tăng như Quốc sư Phước Huệ, Pháp sư Phổ Huệ, Hòa thượng Trí Hải..., và hầu hết các vị lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong thời cận đại và hiện đại cũng tham học từ quê hương Bình Định. Hiện nay Phật giáo Bình Định đã có vị trí tương đối ngang tầm với Phật giáo các tỉnh lớn trong nước và ngày càng hòa nhập vào xã hội, góp phần cùng nhân dân xây dựng quê hương, đất nước.
Theo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định, được sự giúp đỡ của chính quyền và các cơ quan hữu quan của tỉnh, trong thời gian qua, đã có rất nhiều cơ sở tín ngưỡng Phật giáo trên địa bàn tỉnh được trùng tu, xây dựng rất khang trang, dựng tượng Quan Âm lộ thiên, xây tháp..., góp phần làm cho Phật giáo tỉnh nhà ngày càng khởi sắc. Cụ thể: Tại thành phố Quy Nhơn, đã trùng tu, xây dựng các chùa: Thiền Ấn, Hương Mai, Hải Long, Bạch Sa, Phước Hưng, Minh Tịnh và chùa Giáo hội tỉnh. Tại huyện Tuy Phước đã trùng tu, xây dựng các chùa: Thiên Đức, Thiên Lộc, Phổ Quang, Bích Nam, Tòng Lâm, Hải Phong, chánh điện trường Trung cấp Phật học. Tại huyện Phù Cát đã trùng tu, xây dựng các chùa: Bảo Lâm, Long Hòa, Linh Phong, Hoằng Nhơn, Long Sơn, Hội Phước, Thái Phong. Tại huyện Hoài Nhơn trùng tu, xây dựng các chùa: Long Sơn, Kim Quang, Lạc Sơn, Nghĩa Lâm, Quang Phước, Mỹ Sơn, Tịnh xá Ngọc Tịnh. Tại huyện An Nhơn đã trùng tu, xây dựng các chùa: Giác Nguyên, Vĩnh Long, Thiên Ấn, Quang Phước, Sanh Liên, Hồng Sơn, Hòa Quang, Quan Âm, Phổ Tịnh, phương trượng chùa Bảo Tháp, Tổ đình Thập Tháp... Tại huyện Tây Sơn đã trùng tu, xây dựng các chùa: Thiền Tôn, nhà khách, nhà chư Tăng chùa Đại Viên. Tại huyện Phù Mỹ đã trùng tu, xây dựng các chùa: Thường Lạc, Thiền Tôn, nhà khách Tổ đình Thiên Phước, Tịnh xá Ngọc Khoa... Bên cạnh đó, rất nhiều chùa đã đặt tượng Quan Âm lộ thiên, như: Hoằng Hóa, Long Sơn, Hoài Ân, Tịnh xá Ngọc Tịnh, Bảo Sơn, Thanh Phước, Bích Nam, Linh Tượng, Bảo Sơn. Nhiều chùa khác đã xây tháp tại chùa như: Bình Quang, Tịnh Quang, Vĩnh Lộc, Long Hoa...
|
Đại lễ Phật đản năm 2003 ở Bình Định. |
Không chỉ phát triển về cơ sở vật chất, trong những năm qua, ở Bình Định đã có hàng ngàn tăng ni được tự do theo học tại các Học viện Phật giáo, trường Trung cấp Phật học, kể cả trong nước và nước ngoài. Đáng lưu ý trong số đó có 8 tăng ni sinh được đi du học tại Ấn Độ, 2 tăng sinh đi du học Trung Quốc. Hiện nay còn nhiều tăng ni sinh khác đang làm thủ tục để du học và du lịch. Ngoài ra, để phù hợp với sự phát triển của Phật giáo tỉnh nhà, trường Cơ bản Phật học đã chính thức đổi thành Trường Trung cấp Phật học Bình Định và đến nay đã qua 2 khóa đào tạo. Khóa I (1992-1996) đã có 139 tăng ni sinh tốt nghiệp, gồm 65 tăng, 74 ni; khóa II (1996-2000) có 171 tăng ni sinh tốt nghiệp, gồm 97 tăng, 74 ni và khóa III (2000-2004) hiện đang học năm thứ 3 có 212 tăng ni. Theo đánh giá của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Bình Định, trong gần 10 năm qua, trường Trung cấp Phật học Bình Định đã đạt kết quả đáng kể trong dạy và học. Kết quả khóa sau cao hơn khóa trước về số lượng và chất lượng. Nề nếp sinh hoạt ngày càng ổn định, toàn bộ số tăng ni nội trú đều được cấp ăn lo ở miễn phí. Và trường Trung cấp Phật học Bình Định được coi là một trong những trường đạt hiệu quả cao nhất trong tổng số 30 trường trong cả nước. Năm 2000, tại Bình Định đã có 39 vị được tấn phong, trong đó gồm 12 vị được tấn phong từ Thượng tọa lên Hòa thượng, 1 vị từ Ni sư lên Ni trưởng, 16 vị từ Đại đức lên Thượng tọa và 10 vị từ Sư cô lên Ni sư.
Đại lễ Phật đản - ngày lễ truyền thống của Phật giáo - hàng năm tại Bình Định cũng đã được tổ chức trang trọng và hoành tráng, thu hút đông đảo tín đồ Phật tử và nhân dân cùng tham gia. Tại lễ Phật đản còn tổ chức nhiều hoạt động khác như văn nghệ, múa lân..., gây nhiều ấn tượng cho thiện tín. Đặc biệt các nơi hành lễ tại các lễ đài lớn ở huyện, tỉnh đều có sự tham dự của đại diện chính quyền và các cơ quan hữu quan các cấp.
Song song với sự phát triển nêu trên, cùng với nhân dân cả tỉnh, đời sống của bà con Phật tử trong tỉnh cũng ngày càng được nâng cao. Có thể khẳng định, bằng tinh thần hòa nhập, dấn thân, gắn bó giữa Đạo và Đời, nhằm thực hiện tinh thần Phật pháp, những năm qua, chư tôn đức tăng ni, Phật tử ở Bình Định đã phát huy tinh thần phụng Đạo yêu Tổ quốc, giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật. Với tư cách là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân, tăng ni đã gắn liền mọi hoạt động Đạo pháp với dân tộc. Giáo hội Phật giáo tỉnh và các Ban đại diện Phật giáo huyện, thành phố đã động viên con em gia đình Phật tử tại các địa phương hoàn thành tốt phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ môi trường, bài trừ văn hóa độc hại đồng thời còn tích cực tham gia góp ý xây dựng chính quyền vững mạnh, góp ý vào các báo cáo chính trị của Đảng, của Tỉnh ủy Bình Định, cũng như những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước.
Với những thành tựu to lớn kể trên, trên cơ sở phương châm hoạt động "Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội", có thể tin rằng Phật giáo ở tỉnh Bình Định sẽ còn gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc phát triển tôn giáo, hòa nhập vào xã hội, góp phần cùng nhân dân xây dựng quê hương, đất nước.
HOÀNG BẢO |