"Bà ngoại" thuê
17:0', 23/11/ 2003 (GMT+7)

. Phóng sự của THU HÀ

Buổi sáng, tôi đang đứng ngoài khoa sản ở Bệnh viện tỉnh chờ đến giờ thăm nuôi, một phụ nữ tuổi chừng hơn 40 vội vàng chạy lại: "Chị rảnh hông, trông giùm tôi cái túi xách để tôi tắm ù một cái". Rồi chẳng kịp đợi tôi đồng ý, chị ta tất tả chạy đi.

* Nghề của bà

Vừa trở ra chỗ tôi, chị liến thoắng: "Tắm được một cái, thoải mái quá. Gớm, hai ngày nay đã kịp tắm rửa gì đâu, lo cho mẹ con nó bận hết hơi. Con mẹ nó sinh khó, phải mổ mà". Tôi tò mò: "Chị đi nuôi cháu ngoại à?". Chị lắc đầu: "Không, tôi đi nuôi đẻ thuê đấy chứ!". Trong lúc ngồi đợi đến giờ mở cửa, chị H. (tên chị) kể cho tôi biết, chị đang sống ở huyện K'bang (Gia Lai) xuống Quy Nhơn đi nuôi đẻ cho một người cùng huyện. Chị H. có ba con trai nhưng lại bị gia đình nhà chồng ruồng rẫy vì tội không biết đẻ... con gái. Chồng đi với người khác, chị lại không có nghề nghiệp ổn định, cả bốn mẹ con không biết bấu víu vào đâu. Cuối cùng bí quá, chị đành gởi hai đứa lớn vào chùa, đứa nhỏ để ở nhà còn mình thì nay đây mai đó đi nuôi đẻ thuê kiếm tiền trang trải và nuôi con. "Tùy theo hoàn cảnh của gia chủ mà họ thuê mình, có khi họ chỉ cần một tháng đầu tiên nhưng cũng có người thuê đến 3 tháng. Tiền công 600.000-700.000 đồng một tháng, họ lo luôn tiền ăn" - chị H. cho biết.

Ở khoa sản của các bệnh viện, những người như chị H. không phải là hiếm. Điều kiện sống đã khá lên và nhiều lý do khác khiến nhiều gia đình thuê người chăm sóc sản phụ và em bé. "Bà ngoại" thuê là những phụ nữ trung niên trở lên, có sức khỏe và kinh nghiệm trong việc nuôi nấng sản phụ và em bé. Gia chủ khoán gọn: từ chăm sóc hai mẹ con đến giặt giũ, đi chợ, nấu cơm. Tiền công dao động 700.000-1.000.000 đồng/tháng, bao cả cơm ăn. Nhiều người trước khi sinh phải nhờ người hoặc về tận quê kiếm các bà nuôi có kinh nghiệm. Chị M. làm việc trong ngành ngân hàng băn khoăn: "Còn hai tháng nữa tôi mới sinh nhưng bây giờ đã phải lo tìm người trước. Cả tháng nay đã nhờ nhiều người giới thiệu mà vẫn chưa kiếm được người vừa ý". Chị M. cho biết mức lương sẽ trả là 1 triệu đồng/tháng.

* Nỗi buồn - niềm vui

Bà Hùng, mười mấy năm đi làm "bà ngoại" thuê tâm sự: "Chăm con cháu mình kỹ một thì chăm con cháu nhà người ta phải kỹ gấp mười. Tuy là làm thuê nhưng ngoài chuyện tiền nong còn phải có trách nhiệm và tấm lòng nữa". Sáng, "bà ngoại" dậy thật sớm, lo quạt than để hơ, háp cho cả hai mẹ con, rồi quay qua giặt giũ tã lót, quần áo. Lo ăn sáng hai mẹ con, xong việc lại đi chợ, về nấu ăn và quay sang giặt giũ. Buổi chiều cũng chừng ấy công việc. Gặp trẻ dễ chịu còn đỡ, gặp đứa khó ở khóc ra rả cả đêm, "bà ngoại" phải thức phờ cả người. Đó là chưa kể đến chuyện gia chủ kỹ tính, xét nét đủ điều. "Bà ngoại" Nga, quê ở Tuy Phước, chép miệng: "Nuôi không mập mẹ mập con thì khó mà tránh được tiếng nuôi vụng. Da mặt mẹ mà không trắng trẻo hồng hào, mịn màng thế nào cũng bị mang tiếng. Người đến thăm khen hai mẹ con, mình mát ruột, mà chê thì cứ thấy nhột nhạt trong lòng. Kiếm được đồng tiền cũng chua lắm…". Còn bà Minh, ở phường Ngô Mây - TP Quy Nhơn, thì tự hào: "Tôi nuôi cháu khéo nên gia chủ rất ưng ý. Ngoài tiền công, khi tôi về còn được tặng rất nhiều quà, có khi họ còn cho cả nồi cơm điện". 

Tuy nhiên, chuyện gia chủ và "bà ngoại" thuê không hợp ý nhau cũng không phải là hiếm. Chị Phượng ở đường Trần Hưng Đạo thành phố Quy Nhơn than: "Tính mình sạch sẽ, gọn gàng mà bà nuôi lại quá cẩu thả, làm đâu bỏ đấy, giặt đồ lại không sạch. Mình nằm một chỗ trông thấy mà phát cáu nhưng cũng đành chịu. Ra ngoài tháng, khi cháu đã cứng cáp, tôi không thuê nữa". Anh Hoàng, đang sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, đưa vợ về nghỉ sinh tại nhà ngoại ở đường Nguyễn Trãi (Quy Nhơn) kể lại: "Tôi về thăm hai mẹ con, thấy bà nuôi lấy nước tiểu của thằng nhỏ bôi lên người nó, nói là để hơ cho cháu cứng cáp. Rồi thì nước tiểu trộn với nghệ bôi đầy mặt mẹ nó vàng khè nói là để làm đẹp da nhưng trông mất vệ sinh quá. Trong buồng thì lúc nào cũng hừng hực vì có lò than, chẳng còn không khí cho thằng bé thở nữa. Thấy tôi phản đối dữ quá, vợ tôi cũng không dám để bà làm như vậy nữa". 

"Làm "bà ngoại" thuê, nay ở nhà này, mai ở nhà khác. Lâu nhất thì ở đến ba bốn tháng, ít thì mươi, mười lăm ngày. Vui cũng nhiều mà khổ cũng không ít, vậy mà tôi vẫn thích. Con cháu nó bảo thôi mà tôi không ưng. Lâu lâu không ai nhờ, lại đâm ra nhớ tiếng oe oe của con trẻ, thèm ngắm cháu nó lớn từng ngày. Làm nghề này mà không yêu trẻ thì khó lắm". "Bà ngoại" Hùng tâm sự.

Và chắc đây cũng là nỗi niềm chung của các "bà ngoại" thuê.

T.H

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những bước phát triển của Phật giáo Bình Định  (23/11/2003)
Bao giờ người lao động hết thiệt?   (21/11/2003)
Tâm sự của những nhà giáo về "Tôn sư trọng đạo"   (20/11/2003)
Một hiệu trưởng năng động   (19/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân   (18/11/2003)
Cuộc chiến chống lâm tặc ở Ân Nghĩa   (17/11/2003)
Bình Định lại phải đương đầu với lũ dữ   (16/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của nhân dân và của khối đại đoàn kết toàn dân tộc   (16/11/2003)
Thư viện trường học   (14/11/2003)
Một ngày ở Hải Minh  (13/11/2003)
Phát triển nông nghiệp - nông thôn ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng  (13/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc   (11/11/2003)
Trường THPT tư thục Xuân Diệu: Sức tàn, lực kiệt   (10/11/2003)
Nghề nấu đám tiệc  (09/11/2003)
Nỗi niềm nữ công nhân trong khu công nghiệp   (07/11/2003)