Kiếm sống dưới đáy biển
17:14', 26/11/ 2003 (GMT+7)

. Phóng sự của LÊ VIẾT THỌ

Tờ mờ sáng, cánh thợ lặn mò sắt phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) đã ôm mớ đồ nghề, lò dò ra thuyền. Con thuyền bé tẹo, cũ xì, lạch xạch chạy khoảng 15 phút thì neo đậu ở vũng Tàu thuộc đầm Thị Nại, phía gần Hải Minh. Trừ một người ở lại thuyền để canh các máy nén khí, còn tất cả bận đồ bơi, miệng ngậm ống dẫn khí, cầm theo phao chừng, xiên sắt, từ từ ngụp xuống mặt nước…

* Lặn sắt: người đông, của khó

Anh Nguyễn Bông (tổ 45, khu vực 8, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) năm nay 35 tuổi nhưng đã có hai chục năm trong đời lặn. Anh bảo: "Mười bốn, mười lăm tuổi đã theo mấy ông anh trong họ đi lặn". Có lẽ, do suốt ngày ngụp lặn như con cồng cộc dưới đáy biển đã làm cho da anh Bông ngăm quánh lại, trên gương mặt chất đầy những nét thô ráp, vóc dáng mạnh mẽ và chất giọng ồm ồm. Hai chục năm làm nghề, anh nếm đủ các ngón của nghề lặn, từ lặn trục với tàu sắt, cào hà thuê ở chân vịt các tàu, tháo gỡ trục tàu bị kẹt và có lần, còn lặn trục được cả… súng thần công và những chiếc bình cổ.

Cánh thợ lặn tìm sắt chủ yếu ở tầm 30 đến 40 tuổi. "Cái nghề này cũng "nghiệt" lắm. Đuối sức là không xuống nổi. Bởi vậy, chỉ cánh thanh niên trai tráng như tụi tui mới làm thôi". Nói rồi, anh Bông giải thích cho tôi các công đoạn của nghề lặn: "Mỗi thợ lặn chỉ lặn chừng một, hai tiếng là đuối. Do vậy, khi xuống chạm đáy, phải nhanh tay dùng xiên sắt dài chừng 1,5m xăm để xác định vị trí có sắt, bẩy ra. Sau đó, dùng dây móc vào sắt để quay tời trục lên. Một dụng cụ khác cũng bất ly thân với thợ lặn là phao chừng. Phao này gồm một cọng cước nối vào phao nổi trên mặt nước, sẽ báo cho người trên thuyền biết vị trí thợ lặn đang ở đâu".

Thu nhập nghề lặn lấy sắt thất thường. Ngày kiếm được, sau khi trừ chi phí còn chia nhau chừng hai, ba trăm ngàn, nhưng có hôm chỉ được vài ba chục ngàn. Những ngày rỗi việc, anh Bông tranh thủ chèo đò đưa khách từ bờ ra thuyền, kiếm vài chục ngàn.

Cả khu vực 8 phường Hải Cảng, nơi anh Bông sống, có đến hàng trăm thợ lặn. Chỉ riêng trong gia đình, họ hàng của anh, đã có chừng chục người làm nghề này. "Người đông, của khó, tất tả suốt ngày mới kiếm được miếng ăn" - anh Bông nói vậy, nhưng so với những gia đình khác ở quanh chợ cá Hàm Tử này thì nhà anh cũng vào loại khá. Thậm chí anh còn sắm cả điện thoại di động để tiện bề cho khách hàng tìm gặp.

* Lặn bắt tôm giống: nối ngày và đêm

Vài năm trở lại đây, người dân ven biển có thêm nghề lặn bắt tôm hùm giống. Mùa lặn tôm bắt đầu vào tháng gần Tết, khi cữ trời bắt đầu trở gió lạnh, nước biển trở nên trong hơn và chỉ kéo dài cho đến khoảng tháng 5 năm sau. Cũng chỉ mấy dụng cụ nghề lặn, chỉ đèo thêm giỏ quẩy, dây điện và đèn chiếu sáng phục vụ cho việc bắt tôm giống.

Anh Nguyễn Văn Thanh, khu vực trưởng khu vực 1 phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) cho biết: "Khi mới phát hiện ra con tôm hùm giống, việc bắt tôm chủ yếu là lặn. Khi nghề này phát triển, ngư dân đã dần trang bị "công nghệ" bắt tôm bằng mành đèn và thả chà, nhưng nghề lặn vẫn tồn tại. Nhiều trai tráng, ngày đi thả chà bắt tôm, nhưng vẫn tranh thủ đi lặn tôm lúc đêm về".

Quãng 4, 5 giờ chiều cánh thợ lặn lên đường và công việc chỉ kết thúc vào lúc trời tờ mờ sáng hôm sau. Anh Nguyễn Đức Cầu, mới 21 tuổi nhưng đã có 4 năm làm nghề này, tâm sự: "Những ngày có tôm, lặn nguyên đêm, 2- 3 tiếng mới trồi lên một lần, buồn ngủ díp mắt, nhưng vẫn cố". Người lặn bắt tôm thường lặn ở độ sâu từ 15m nước trở lại. Phải lặn một lần khoảng hai, ba tiếng, thợ lặn mới ngoi lên một lần. Anh Nguyễn Văn Thanh nói vui: "Đời lặn thì cực đã đành, nhưng lặn bắt tôm còn cần tinh mắt, nhanh tay, lại phải lo giữ sao cho con tôm bắt lên, râu vẫn còn nguyên, nếu không sẽ mất giá". Nghề lặn tôm hùm giống khá phát triển ở vùng Bãi Xép. Nguyên nhân là vì vùng biển ở đây được che chắn bởi các đảo và bán đảo ngoài xa, nên ít sóng.

Người lặn giỏi, ngày cũng bắt được năm, bảy con, thường thì vài ba con, có ngày một hai con, thậm chí không được con nào. Tuy vậy, với thời giá tôm hùm giống dao động từ bảy, tám chục ngàn đến trên dưới trăm ngàn/con thì đây cũng là nghề kiếm ăn được.

* Phấp phỏng âu lo

Hiện nay, nhìn chung cánh thợ lặn vẫn lặn bằng không khí bơm trực tiếp từ các máy nén khí cổ lỗ trên ghe dẫn xuống bằng ống dẫn khí hàng trăm mét thay vì dùng bình dưỡng khí. Còn bộ đồ bơi thì cũng mới tậu từ ngày nghề bắt tôm hùm giống phát triển và chỉ có tác dụng chống chọi với cái lạnh là chính. 

Tuy nhiên, không phải thợ lặn nào cũng tậu được máy nén khí mới. Một thợ lặn cho biết: "Máy mới, vài ba triệu một cái. Trong khi xài máy cũ, giá chỉ vài trăm đến non một triệu". Nhiều thợ lặn không có tiền, đành mua máy cũ, nên rất dễ xảy ra sự cố. Có khi, cứ mê mải lặn, người trên bờ lại không để ý vì cứ thấy máy nén khí chạy, không biết rằng máy chạy nhưng không có không khí, mất mạng như chơi. Một nỗi kinh hoàng khác với thợ lặn tôm vào ban đêm là sự cố ở dây dẫn nối từ bình nén xuống nước. Thời điểm này người ngồi trên thuyền rất dễ buồn ngủ. Và chỉ cần dây dẫn khí vướng vào một vật nào đó, không khí không xuống được, thợ lặn không được kéo lên kịp thời, vậy là xảy ra chuyện. Năm 1999, đã xảy ra trường hợp hai anh em ở khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, đi lặn bắt tôm vào ban đêm. Người em trực trên ghe ngủ quên. Trời sáng, giật mình choàng tỉnh thì anh đã chết tự bao giờ. Còn với thợ lặn sắt, năm 2002, cũng xảy ra trường hợp ống dẫn không khí bị vướng vào máy tàu, không xoay trở kịp, bị cắt đứt cả cánh tay.

Bên cạnh đó, để lấy sức nặng, mỗi thợ lặn phải đeo thêm 12-14 kg chì bên lưng. Dưới áp lực của nước, cộng thêm chừng ấy trọng lượng mang theo trên lưng, cứ mười thợ lặn thì không dưới bảy, tám người đau lưng, đau cột sống, đau thận. Cánh thợ lặn bảo nhau: đấy là bệnh nghề nghiệp của đời lặn. Ngoài ra, khi lặn xuống nước cũng như khi trồi lên, do thay đổi áp suất khi lặn có thể làm thủng màng nhĩ, tê liệt nửa thân dưới… Người dân vùng biển vẫn thường nói với nhau về "hội chứng thợ lặn". Nhiều thợ lặn sau một thời gian làm việc đã có biểu hiện liệt. Đây là một bệnh nghề nghiệp cấp tính hay một tai biến nghề nghiệp, xuất hiện khi lặn sâu trên 15m và ngoi lên mặt nước nhanh, làm hình thành các bọt khí tác động đến thần kinh, gây tắc các động mạch nhỏ, dẫn đến tử vong nếu các bọt khí làm tắc động mạch vành, động mạch sọ não. Năm 2000, anh Dũng (khu vực 2, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) mới lặn sâu 5m đã chết do bị ép tim. Tuy vậy, để đề phòng tình trạng này, cánh thợ lặn chỉ truyền nhau một "bí kíp" khá đơn sơ: khi đã lặn sâu quá 10m nước, thì cứ lặn xuống thêm 1m, phải tạm nghỉ khoảng vài giây, nếu không muốn về chầu thủy thần.

"Tại sao các anh không mua lấy bộ đồ lặn mà dùng?" - tôi hỏi anh Bông. "Một bộ đồ lặn hoàn chỉnh, có bình khí, giá hiện nay khoảng 20 triệu. Mắc quá, tiền đâu sắm. Với lại, làm vầy hoài cũng quen rồi". Còn cánh thợ lặn tôm thì bảo: "Hiểm nguy thì cũng vậy thôi, người chết cũng đã có rồi, nhưng người ta vẫn làm vì không làm chẳng lẽ treo niêu? Cần nhất là trước khi lặn phải rất cẩn thận, kiểm tra lại máy móc, dây nhợ. Rồi dặn người trên bờ dòm chừng, có sự cố báo hiệu liền để lên kịp. Những vụ tai nạn xảy ra đều là do không cẩn thận cả".

L.V.T

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sau ngày giải phóng, Phật giáo ở Việt Nam mới thật sự thống nhất  (26/11/2003)
Đảng bộ Trường Đại học Quy Nhơn: Phát huy nội lực, xây dựng nhà trường tiên tiến, hiện đại   (25/11/2003)
Giáo hội Phật giáo gửi thư phản đối đến Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ   (25/11/2003)
Người giữ rừng tận tụy   (24/11/2003)
"Bà ngoại" thuê  (23/11/2003)
Những bước phát triển của Phật giáo Bình Định  (23/11/2003)
Bao giờ người lao động hết thiệt?   (21/11/2003)
Tâm sự của những nhà giáo về "Tôn sư trọng đạo"   (20/11/2003)
Một hiệu trưởng năng động   (19/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân   (18/11/2003)
Cuộc chiến chống lâm tặc ở Ân Nghĩa   (17/11/2003)
Bình Định lại phải đương đầu với lũ dữ   (16/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của nhân dân và của khối đại đoàn kết toàn dân tộc   (16/11/2003)
Thư viện trường học   (14/11/2003)
Một ngày ở Hải Minh  (13/11/2003)