Nghị quyết HR.427 của Hạ viện Hoa Kỳ và tiếng nói của một cư sĩ
16:57', 1/12/ 2003 (GMT+7)

LTS: Việc Hạ viện Hoa Kỳ vừa thông qua Nghị quyết H.Res. 427 lên án Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo đã xúc phạm nghiêm trọng đến tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như danh dự, nhân phẩm và quyền lợi chính đáng của Tăng ni, Phật tử Việt Nam; khiến nhiều Tăng ni, Phật tử rất bất bình. Báo Bình Định xin trân trọng giới thiệu suy nghĩ và nhận xét của cư sĩ Nguyên Hiệp, một cư sĩ Phật giáo tại Bình Định, về Nghị quyết H.Res. 427.

Qua theo dõi phương tiện thông tin đại chúng trong nhiều ngày qua, tôi - một thiện tín phật tử - có nhiều băn khoăn suy nghĩ. Do vậy, để trình bày sự thật và nói rõ quan điểm, tôi có những nhận xét sau:

Từ khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam đã được nhân dân tiếp thu, vận dụng vào đời sống dân tộc và đóng một vai trò lịch sử nhất định trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, được nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Lang nói: "… như nước thấm vào lòng đất."

Ngược nhìn quá trình hình thành của Phật giáo Việt Nam, ta thấy đã trải qua hơn 2.000 năm và 6 lần thống nhất của Phật giáo Việt Nam.

1- Dưới đời Trần (1225-1400) Phật giáo Việt Nam đã thống nhất. Đây là khoảng thời gian dài và vàng son của Phật giáo Việt Nam. Đã thống nhất ba phái thiền, đó là: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường; được gọi là thời đại Phật giáo nhất tông.

2- Thống nhất Phật giáo năm 1951: Từ ngày 6 đến 9-5-1951 Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc được tổ chức tại chùa Từ Đàm - Huế, quy tụ 51 đại biểu gồm 6 hệ phái trong đó: 3 hệ phái Tăng già và 3 hệ phái cư sĩ. Đại hội đã suy tôn Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ.

3- Thống nhất Phật giáo năm 1952: Đúc kết tình hình hoạt động sau 1 năm (1951-1952), thấy rằng thực chất Tổng hội không có thực quyền lãnh đạo 6 tập đoàn phụ thuộc. Do vậy, để đạt được những kết quả hữu hiệu trong Tăng già cần có sự nhất quán trong ý chí và hành động, từ đó Tổng hội đã kịp thời chấn chỉnh và đề ra đường lối đúng đắn.

Mùa thu 1952 tại chùa Quán Sứ Hà Nội đã tổ chức và thành lập Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam, quy tụ đủ Giáo hội ba miền Bắc, Trung, Nam.

Sau khi Giáo hội Tăng già toàn quốc ra đời đã hoạt động một cách hữu hiệu dưới sự lãnh đạo nhất quán của cơ chế Giáo hội. Trong thời gian này Giáo hội đã quan hệ rộng rãi với các tổ chức Phật giáo thế giới và nhất là Hội liên hữu Phật giáo thế giới. Phật giáo Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập tổ chức này.

Sau khi đất nước chia hai miền Nam, Bắc (20-7-1954) Giáo hội Tăng già toàn quốc vẫn còn nhưng đã có nhiều sứt mẻ và cũng từ đây sự hoạt động của Phật giáo càng đi vào mờ nhạt.

4- Thống nhất Phật giáo miền Bắc năm 1958:

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ đọc sáng ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình đã thôi thúc và khơi dậy tâm hồn mọi người dân Việt.

Sau khi chiến tranh lắng dịu, các Tăng, Ni và Phật tử đã thao thức mong được thành lập Hội Phật giáo thống nhất.

Vào tháng 3-1958, Đại hội Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ Hà Nội, đã thành lập Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam và Hòa thượng Thích Trí Độ được suy tôn làm Hội chủ.

5- Thống nhất Phật giáo tại miền Nam năm 1964:

Sau khi cáo chung chế độ độc tài nhà Ngô đã đưa Phật giáo thoát ra khỏi khúc quanh và bước vào giai đoạn mới. Từ ngày 31-12-1963 đến ngày 4-1-1964, Đại hội Phật giáo được khai mạc tại chùa Xá Lợi nhằm thống nhất, kết hợp hai hệ phái khác nhau và quy tụ khối tín đồ miền Trung và miền Nam. Đại hội thành công và mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (GHPGVNTN).

Ba năm sau (1967) sự rạn nứt nội bộ ngày càng lộ rõ, Giáo hội bị phân hóa thành 2 khối Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang, và hoạt động theo 2 bản hiến chương.

Trầm trọng hơn là sự chống đối kịch liệt giữa hai khối đêm 5-5-1970 tại Việt Nam Quốc tự. Đây là hệ quả của sự chia rẽ trong GHPGVNTN.

6- Đại hội Phật giáo Việt Nam 1981:

Mãi đến sau khi đất nước yên bình, giang sơn quy về một mối vào tháng 4-1975, sau thời gian hơn 5 năm với bao niềm ưu tư của Chư tôn Đức lãnh đạo, phải thống nhất Phật giáo trong cả nước là điều Chư tôn giáo phẩm các hệ phái ấp ủ từ lâu.

Phù hợp với nguyện vọng chính đáng, xuất phát từ đây và đã có Ban vận động thành lập Giáo hội Phật giáo được tiến hành.

Cơ duyên thuận hòa, từ ngày 4 đến 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, bao gồm 9 hệ phái và trong đó đã có GHPGVNTN.

Đại hội cũng đã xây dựng và biểu quyết thông qua Bản Hiến chương gồm 11 chương 48 điều. Tại Đại hội này Hòa thượng Thích Đức Nhuận được các đại biểu suy tôn vào ngôi Pháp chủ và Hòa thượng Thích Trí Thủ - Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN được các đại biểu suy cử Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cũng tại Đại hội này, Hòa thượng Thích Trí Thủ hân hoan xúc động và khẳng định trong diễn văn khai mạc: "Lần đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm Phật giáo Việt Nam, chúng ta có được Hội nghị gồm đầy đủ đại biểu các tổ chức, Giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ và Phật giáo Khmer, Tăng ni và nam nữ cư sĩ, già và trẻ gồm mọi miền trên đất nước đã vân tập về đây trong hội trường trang nghiêm và rực rỡ này, với một quyết tâm sắt đá: Xây dựng hoàn thành ngôi nhà thống nhất Phật giáo Việt Nam."

Qua diễn trình trên chúng ta thấy là Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thật sự thống nhất rồi và thống nhất từ năm 1981. Qua hơn 20 năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam càng thống nhất hơn nữa và đã qua 5 kỳ Đại hội (1981, 1987, 1992, 1997 và 2002). Vẻ vang hơn nữa là thành tích được nêu lên mỗi kỳ Đại hội lần sau đều rực rỡ và thành công hơn lần trước.

Như vậy cũng đủ tin tưởng mãnh liệt rằng: Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay đã và đang thực hiện tinh thần kế thừa truyền thống hộ quốc an dân của lịch sử 2.000 Phật giáo Việt Nam. Lý tưởng cao cả của Chư tôn Đức xuất trần thượng sĩ là hoằng hóa chúng sanh, mưu cầu hạnh phúc an lạc cho chúng sanh. Nhìn về tương lai lâu dài quan trọng cao cả là đào tạo tăng tài, xây dựng Chùa, Tự viện, Tịnh xá…

Tất cả những mục đích cao cả và thiết thực đó, quý Ngài trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện trong 20 năm qua (đến năm 2001) hệ thống tổ chức có:

- 10 ban, ngành, viện.

- 45 đơn vị Ban trị sự cấp tỉnh, thành, Hội đi vào hoạt động.

- 33.066 Tăng Ni (gồm Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ).

- 14.043 Tự viện trong cả nước.

- 3 Học viện cao cấp Phật giáo (tại Hà Nội, Huế và TP HCM).

- 4 trường Cao đẳng (tại TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và Lâm Đồng).

- 28 trường Trung cấp Phật học tại 28 tỉnh thành.

- 257 Tự viện được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia.

- 945 đơn vị Gia đình Phật tử có 25.000 Đoàn sinh và 1.895 Huynh trưởng.

- Phật giáo Việt Nam trong 20 năm qua cũng đã tham gia hoạt động quốc tế tại các nước: Mông Cổ, Liên Xô, Cộng hòa Séc, Ấn Độ, Ý, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Đài Loan, Pháp, Srilanka, Thái Lan, Đức, Trung Quốc, Hoa Kỳ…

Và còn rất nhiều lĩnh vực thành tựu đáng kể và quan trọng hơn. Đó không phải là việc làm thiết thực, ích đạo đẹp đời mà Chư tôn giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi đúng chân lý Đức Thế Tôn đó sao?

Nếu có sự so sánh hiện nay và trước đây 20 năm thì chúng ta không sao tưởng nổi.

Thế thì còn gì để gọi là phục hồi GHPGVNTN? Chính sự xuyên suốt, nhất tâm, cộng hành của Chư tôn Giáo phẩm trong 20 năm qua đã mang lại những thành tựu to lớn đáng kể là tự thân đã thống nhất rồi. Tiếc thay, việc Quốc hội Mỹ đưa ra Nghị quyết HR.427 nhằm vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo là một điều hết sức phi lý và thô bạo, trắng trợn xâm phạm chủ quyền quốc gia của một đất nước. Không thể vì một số ít cá nhân đứng ra nhân danh đại diện này, đại diện khác để rồi khuynh lót sự thật, lồng ghép yếu tố chính trị nhằm phá hoại khối Đại đoàn kết toàn dân, tôn giáo, vi phạm pháp luật và cố tình đi ngược lại tư tưởng Giáo lý Đức Phật. Đó là những việc hoàn toàn không phù hợp nguyện vọng và mục đích tối cần của Chư Tôn Đức và Thiện Tín Phật tử Việt Nam.

Ước muốn chung của hàng thiện tín Phật tử chúng tôi là được sống yên ổn hòa bình trong lòng dân tộc. Được tự do tín ngưỡng lễ bái, được góp phần xây dựng đất nước và đạo pháp, được nhìn sự rạng rỡ đi lên của dân tộc ngày càng vươn cao trong cộng đồng trên thế giới.

NGUYÊN HIỆP

(Một cư sĩ Phật giáo tại Bình Định)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu thương con người   (30/11/2003)
"Bày thêm một Giáo hội nữa thì có khác gì chia rẽ cộng đồng Phật giáo Việt Nam"   (28/11/2003)
Kiếm sống dưới đáy biển  (26/11/2003)
Sau ngày giải phóng, Phật giáo ở Việt Nam mới thật sự thống nhất  (26/11/2003)
Đảng bộ Trường Đại học Quy Nhơn: Phát huy nội lực, xây dựng nhà trường tiên tiến, hiện đại   (25/11/2003)
Giáo hội Phật giáo gửi thư phản đối đến Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ   (25/11/2003)
Người giữ rừng tận tụy   (24/11/2003)
"Bà ngoại" thuê  (23/11/2003)
Những bước phát triển của Phật giáo Bình Định  (23/11/2003)
Bao giờ người lao động hết thiệt?   (21/11/2003)
Tâm sự của những nhà giáo về "Tôn sư trọng đạo"   (20/11/2003)
Một hiệu trưởng năng động   (19/11/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân   (18/11/2003)
Cuộc chiến chống lâm tặc ở Ân Nghĩa   (17/11/2003)
Bình Định lại phải đương đầu với lũ dữ   (16/11/2003)