Một ngày ở đầu cầu Nhơn Hội
16:58', 5/12/ 2003 (GMT+7)

. Phóng sự của BÙI LỢI

Một góc công trường xây dựng đầu cầu Nhơn Hội

Xã bán đảo Nhơn Hội chỉ cách nội thành Quy Nhơn một tầm nhìn qua đầm Thị Nại, với chiều rộng mặt đầm chừng vài km; nhưng vì cách trở đò giang nên phải chấp nhận là vùng sâu, vùng xa, kinh tế - xã hội chậm phát triển. Người dân nơi đây từ bao đời nay đã quen với cuộc sống tĩnh lặng, gắn với sóng nước Thị Nại và tiếng gió hú qua những đồi cát nay đã xanh màu bạch đàn, phi lao... Từ tháng 9-2003 đến nay, Nhơn Hội bỗng trở nên sôi động nhịp sống công trường, khi dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội đồng loạt khởi động.

* Ấn tượng bán đảo

7g30 sáng, chuyến đò khách Quy Nhơn - Nhơn Hội khởi hành. Phía bên kia mặt đầm, những hàng dừa, những ngôi nhà ngói đỏ của xã bán đảo Nhơn Hội thấp thoáng sau làn sương mù bảng lãng mùa đông. Nhìn về phía tây của đầm Thị Nại, đường dây điện giăng ngang từ trong bờ ra đến giữa đầm; ở đó có cụm xà-lan chuyên chở thiết bị của Công ty cầu 12 (thuộc Tổng công ty Công trình giao thông 1 - Bộ Giao thông - Vận tải) đang neo đậu nhấp nhô trên sóng nước trông giống như một hòn đảo mới mọc lên. "Không khí công trường" đang râm ran qua những câu chuyện của hành khách trên chuyến đò ngang. Trong tiếng ầm ào của cơn gió mùa đông bắc len qua dãy Phương Mai, rú rít trên mặt đầm cuộn sóng, chúng tôi nghe rõ giọng nói của một người đàn ông - có lẽ là dân Nhơn Hội: "Bây giờ thì tôi và bà con quê tôi tin chắc rằng mấy năm nữa sẽ có cây cầu cho bà con chạy xe máy về Quy Nhơn; còn đò ngang thì dành cho cánh đàn bà đi chợ...".

Gần 30 phút vượt sóng, đò khách cập cầu tàu Nhơn Hội. Xôn xao tiếng mời gọi của giới xe ôm: "Anh đến công trình 12 hay 473, hay về UBND xã, để em đưa đi!...". "Bác về Hội Lộc, Hội Sơn, Hội Lợi hay Hội Giáo, xin mời lên xe!...". Hóa ra, ở Nhơn Hội bây giờ xe máy chạy đầy trên những con đường đất đỏ. Chỉ vài năm không sang bên này, tôi đã trở thành người lạc hậu với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của xã bán đảo ngoại thành Quy Nhơn. Ở ngay bến đò, quán điểm tâm - cà phê đang đông khách, âm nhạc xập xình. Phía bên kia đường, ngôi chợ quê đang hoạt động, mua bán đông vui...

* Nhộn nhịp công trường

Trên đầu con dốc dẫn xuống bến đò, tiếng xe, tiếng máy gầm gào, bụi tung mù trời. Nơi đây, con đường từ đầu cầu Nhơn Hội đến cảng nước sâu (trong tương lai) với chiều rộng 15m, dài trên 1,1km đang được thi công phần nền đường. Đường dẫn phía đô thị Nhơn Hội (rộng 15m, dài gần 788m) cũng đang được thi công. Để "hưởng ứng" khí thế ấy, UBND xã Nhơn Hội cũng đang cho đổ đất tu bổ trên 3km đường liên thôn từ Hội Lợi đến Hội Giáo, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân địa phương. Trên toàn bộ tuyến đường chính dọc theo chiều dài của xã bán đảo, những chiếc xe ben chở đất chạy đi chạy về như mắc cửi, cày nát con đường làng thành những bãi lầy. Việc đi lại tuy có khó khăn nhưng bà con Nhơn Hội không hề phàn nàn, vì họ biết chắc rằng, chỉ đến sang năm, con đường này sẽ trở thành... xa lộ!

Sau 15 phút loay hoay chụp ảnh cảnh làm đường, tôi ngoái lại bến đò thì phát hiện là cánh xe ôm đã "biến mất". Hóa ra họ chỉ tập trung đón khách ngày 3 lần: sáng - trưa - chiều, khi có chuyến đò từ Quy Nhơn sang. Đường đến khu vực đầu cầu còn xa trên vài km, tôi đành phải vẫy "tắc-xi công trường" (xe chở đất) để xin quá giang. Qua 3 chặng xe, tôi đã đến nơi. Khu rừng phi lao và bạch đàn rộng trên 3ha của ngày nào bây giờ đã quang quẽ, san sát lán trại, bãi tập kết thiết bị, xe máy... Phía dưới khu nuôi tôm Hội Lộc là nơi đóng quân của Công ty cầu 12. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm thi công gói thầu số 14, phần khó nhất của cầu vượt đầm Thị Nại, gồm 5 nhịp liên tục ở giữa đầm. Các công việc chuẩn bị lán trại, mặt bằng, điện nước (đưa đường điện và nước ngọt gần 2km từ trong bờ ra để phục vụ thi công), lắp đặt trạm trộn bê tông... để khoan 88 cọc của 6 trụ cầu thuộc khoang thông thuyền đều đã hoàn tất. Hàng trăm ống vách  f 1,5m đã được hàn nối để cắm xuống độ sâu 55-60m dưới đáy đầm, phục vụ việc đổ bê tông 88 cọc trụ. Nhìn ra ngoài khơi, trạm trộn bê tông 60 m3/giờ vươn cao ở giữa, vây chung quanh là 3 xà lan cát, đá, xi măng, và các xà lan chở máy khoan, máy bơm bê tông... hợp thành một cụm đảo. Ở đó, 70 cán bộ kỹ thuật và công nhân của Công ty cầu 12 đang bước vào "trận chiến".

Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó giám đốc công ty, chỉ huy trưởng công trường - cho biết: "Đến nay, nơi ăn chốn ở của anh em đã ổn định, điện và nước ngọt dùng cho sinh hoạt và thi công rất đầy đủ. Tuy là hạng mục khó nhưng với công nghệ mới, bằng phương pháp khoan nhồi, đường kính lớn, trong vòng 4 tháng chúng tôi sẽ hoàn tất công đoạn khoan và đổ bê tông cọc trụ. Chỉ mong thời tiết tốt để việc thi công được ổn định...".

Nằm ở phía ngoài Công ty cầu 12 là "hành dinh" của Công ty cầu 473 (thuộc Tổng Công ty Công trình giao thông 4). Đây là B thi công 2 gói thầu 13 và 15 gồm 25 nhịp dẫn của cầu chính phía Quy Nhơn và 24 nhịp dẫn phía Nhơn Hội. Hiện nay đơn vị đang hoàn thành các điều kiện chuẩn bị cho công tác thi công.

* Để "cỗ máy công trường" vận hành trơn tru

Trên địa bàn xã Nhơn Hội hiện có 7 B thi công với hàng nghìn tấn thiết bị, máy móc cùng nhiều phương tiện cơ giới, với trên 200 công nhân đang tập trung thi công các hạng mục thuộc dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội. Để công tác thi công có thể khởi động, vấn đề giải tỏa - đền bù là yếu tố quan trọng nhất. Ông Nguyễn Đình Sô - Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội cho biết: "Thời gian qua, chính quyền địa phương rất vất vả, công việc giải tỏa - đền bù chiếm đến 40% thời gian làm việc, song kết quả rất đáng phấn khởi. Có thể nói có trên 95% hộ trong tổng số trên 200 hộ liên quan đến công tác này đã đồng tình ủng hộ, nên việc thi công mới diễn ra suôn sẻ như hiện nay. Chỉ còn một số ít hộ vướng mắc, địa phương đã báo cáo UBND tỉnh xin phương án giải quyết. Trước mắt, công trường đã góp phần cho các dịch vụ thương mại ở đây phát triển, giải quyết việc làm... Trong thời gian tới, số công nhân lao động trên công trường sẽ ngày càng đông hơn, nên UBND xã đã thường xuyên quan hệ chặt chẽ với các B để bảo đảm tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường...".

Ông Nguyễn Thành Đồng - Bí thư Đảng ủy xã - cho biết thêm: "Bà con Nhơn Hội rất phấn khởi khi tương lai phát triển đang đến gần, nên đã tạo điều kiện tốt cho các B thi công, như là cho công nhân ở nhờ khi họ chưa xây dựng xong lán trại, cung cấp gỗ, vật liệu xây dựng... Ủy ban xã cũng đã giải phóng nhanh trên 3ha đất để các đơn vị có mặt bằng tập kết thiết bị, phương tiện, làm lán trại... Điều mong muốn của chính quyền địa phương là xin Công an thành phố tăng cường một công an chuyên trách để phụ trách khâu trật tự trị an ở công trường, nhằm phòng tránh các trường hợp xấu có thể xảy ra...".

Buổi chiều, chia tay công trường đầu cầu Nhơn Hội, ngồi trên chuyến đò ngang trở về, tôi thầm nghĩ đến khu "phố Đông" của thành phố Quy Nhơn sẽ hình thành sau khi công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội hoàn tất và đưa vào sử dụng vào năm 2006.

B.L

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Liên hoan các cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa tỉnh Bình Định lần thứ I – 2003: Sôi động, thiết thực   (04/12/2003)
Nước sinh hoạt ở vùng cao An Lão: Niềm vui và nỗi lo   (03/12/2003)
Hồ Chủ tịch với phiên họp đầu tiên của Chính phủ   (02/12/2003)
Nghị quyết HR.427 của Hạ viện Hoa Kỳ và tiếng nói của một cư sĩ   (01/12/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu thương con người   (30/11/2003)
"Bày thêm một Giáo hội nữa thì có khác gì chia rẽ cộng đồng Phật giáo Việt Nam"   (28/11/2003)
Kiếm sống dưới đáy biển  (26/11/2003)
Sau ngày giải phóng, Phật giáo ở Việt Nam mới thật sự thống nhất  (26/11/2003)
Đảng bộ Trường Đại học Quy Nhơn: Phát huy nội lực, xây dựng nhà trường tiên tiến, hiện đại   (25/11/2003)
Giáo hội Phật giáo gửi thư phản đối đến Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ   (25/11/2003)
Người giữ rừng tận tụy   (24/11/2003)
"Bà ngoại" thuê  (23/11/2003)
Những bước phát triển của Phật giáo Bình Định  (23/11/2003)
Bao giờ người lao động hết thiệt?   (21/11/2003)
Tâm sự của những nhà giáo về "Tôn sư trọng đạo"   (20/11/2003)