Chăm lo cho người tàn tật, trẻ mồ côi
16:20', 8/12/ 2003 (GMT+7)

Toàn tỉnh hiện có gần 32.000 người tàn tật (NTT) và 13.000 trẻ mồ côi (TMC). Những năm qua, tỉnh Bình Định đã có nhiều nỗ lực để chăm lo cho họ.

* Lo cho cuộc sống

Người khuyết tật tại Cơ sở dạy nghề Đồng Tâm - Báo Bình Định

Cách đây gần 4 năm, một đứa bé sinh ra không có bàn tay, bàn chân đã bị gia đình bỏ rơi tại Trung tâm Y tế huyện An Nhơn. Đứa  bé được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh sống nhờ sự thương yêu, chăm sóc của các cán bộ và của cả những người đồng cảnh. Bây giờ thì cu Lạc (tên do mọi người ở Trung tâm đặt cho) đã biết học chữ, còn bày lại cho các bạn nhỏ hơn. Mỗi khi bạn không nhớ, Lạc cũng biết bắt chước người lớn than: "Sao mà chậm hiểu vậy"... Cu Lạc chỉ là một trong số hàng trăm trẻ mồ côi đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Hiện nay, tỉnh có hai cơ sở nuôi dưỡng tập trung các đối tượng là người già cô đơn, NTT, TMC, người bệnh tâm thần là Trung tâm BTXH và Trung tâm Tâm thần Hoài Nhơn. Hiện Trung tâm BTXH đang nuôi dưỡng 160 đối tượng và Trung tâm Tâm thần Hoài Nhơn đang quản lý và nuôi dưỡng 260 người. Từ năm 1999 đến nay, tỉnh đã 4 lần nâng mức ăn cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở xã hội. Mức ăn hiện nay từ 130 ngàn đồng đến 170 ngàn đồng/người/tháng (cao hơn mức quy định hiện nay của Trung ương).

Ngoài việc nuôi dưỡng tập trung, những năm qua, hàng năm tỉnh Bình Định đã chi trên 827 triệu đồng để cứu trợ cho 1.532 NTT và TMC. Ngoài ra, các đối tượng này còn được mua và cấp thẻ BHYT hàng năm và con em NTT nghèo và TMC được miễn, giảm học phí. Đối với NTT là trẻ em, ngoài việc đầu tư kinh phí hàng năm của tỉnh cho các chương trình chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tỉnh còn hỗ trợ và được sự phối hợp của các tổ chức trong và ngoài nước, tổ chức 16 đợt phẫu thuật cho 1.038 lượt trẻ em sứt môi, hở hàm ếch; phẫu thuật chỉnh hình cho 353 trẻ em bị chấn thương, dị tật; phẫu thuật cho 19 em bị não úng thủy… Các hình thức hỗ trợ vật chất như: sách vở, quần áo, giày dép, phương tiện đi lại, dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng lao động…, đã tạo điều kiện thuận lợi cho NTT và TMC khắc phục khó khăn của bản thân.

* Và chắp cánh vào đời

"Lo chuyện ăn, chơi cho các cháu chưa đủ, còn phải kiếm cho các cháu một cái nghề để sau này ra đời các cháu có thể tự nuôi thân" - ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh, đã tâm sự như vậy. Những năm qua, ngoài bảo đảm chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hàng ngày, chăm sức khỏe cho các đối tượng, Trung tâm còn tổ chức dạy văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5 và dạy nghề cho các cháu lớn tuổi. Hiện Trung tâm có 6 em theo học nghề may, sửa xe đạp, uốn tóc tại các cơ sở tư nhân; 45 em theo học các lớp văn hóa cấp I và II ngoài cộng đồng. Ngoài ra, còn có 2 em đang theo học tại Trường CĐSP Quy Nhơn, 11 em học nghề tại Trường CNKT Quy Nhơn, 2 em học tại Trường trung cấp kỹ thuật An Nhơn và 1 em đang học năm thứ 3 Đại học Thủy sản Nha Trang.

Ngoài Trung tâm BTXH, các lớp học tình thương dạy chữ, dạy nghề cho các TMC, tàn tật, lang thang kiếm sống vẫn luôn được duy trì ở các địa phương trong tỉnh. Đến nay đã có trên 1.500 trẻ trong diện này đã được dạy nghề, dạy chữ… Nổi bật nhất là hai lớp học tình thương được duy trì thường xuyên tại phường Lê Lợi (thành phố Quy Nhơn) nhiều năm qua, với trên 50 em theo học. Bà Lê Thị Minh Tâm, người khởi xướng các lớp học tình thương ở phường Lê Lợi, đã có lần nói: "Chỉ mong các cháu có thể biết viết được cái tên của mình, biết đọc cái thư của người thân gởi và biết nuôi dưỡng những điều thiện, ước mơ để trở thành người tốt".

Các cơ sở từ thiện do các cơ quan, cá nhân tổ chức như Cơ sở dạy nghề Đồng Tâm (Ban Từ thiện - Xã hội Báo Bình Định), Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga, nhiều năm qua đã duy trì việc tổ chức dạy nghề, dạy chữ cho NTT và TMC. Nhiều người trong số họ đã có thể tự nuôi thân bằng nghề, và điều quan trọng hơn cả là họ đã trở nên tự tin, vững vàng hơn trong cuộc sống. Chị Hương ở Cơ sở Đồng Tâm tâm sự: "Trước ở nhà buồn thiu, lại mặc cảm nữa. Giờ vô đây làm thấy nhiều người đồng cảnh, thậm chí còn khổ hơn mình nên được an ủi, thấy yêu đời và tự tin hơn trước rất nhiều. Tôi đã có thể tự nuôi thân bằng nghề đan song mây xuất khẩu".

Tuy nhiên, theo điều tra của các ngành chức năng, vẫn còn có nhiều NTT và TMC còn gặp khó khăn trong cuộc sống, nhiều người vẫn phải làm thuê, xin ăn để kiếm sống. Mới đây, Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh Bình Định đã được thành lập với chức năng và nhiệm vụ vận động các tầng lớp xã hội đùm bọc và giúp đỡ những người bất hạnh, giúp họ phục hồi chức năng, tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng… Hy vọng, với sự ra đời của Hội, NTT và TMC sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa.

THU HÀ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cần có một cú hích để đưa tin học vào nhà trường  (07/12/2003)
Một ngày ở đầu cầu Nhơn Hội   (05/12/2003)
Liên hoan các cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa tỉnh Bình Định lần thứ I – 2003: Sôi động, thiết thực   (04/12/2003)
Nước sinh hoạt ở vùng cao An Lão: Niềm vui và nỗi lo   (03/12/2003)
Hồ Chủ tịch với phiên họp đầu tiên của Chính phủ   (02/12/2003)
Nghị quyết HR.427 của Hạ viện Hoa Kỳ và tiếng nói của một cư sĩ   (01/12/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu thương con người   (30/11/2003)
"Bày thêm một Giáo hội nữa thì có khác gì chia rẽ cộng đồng Phật giáo Việt Nam"   (28/11/2003)
Kiếm sống dưới đáy biển  (26/11/2003)
Sau ngày giải phóng, Phật giáo ở Việt Nam mới thật sự thống nhất  (26/11/2003)
Đảng bộ Trường Đại học Quy Nhơn: Phát huy nội lực, xây dựng nhà trường tiên tiến, hiện đại   (25/11/2003)
Giáo hội Phật giáo gửi thư phản đối đến Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ   (25/11/2003)
Người giữ rừng tận tụy   (24/11/2003)
"Bà ngoại" thuê  (23/11/2003)
Những bước phát triển của Phật giáo Bình Định  (23/11/2003)