Núi Bà Hỏa đang bị... gặm dần
16:48', 15/12/ 2003 (GMT+7)

Ai đuổi cứ đuổi, ai xây cứ xây - đó là điệp khúc của "bài ca" chiếm đất trái phép ven chân núi Bà Hỏa, một điểm nóng về vi phạm Luật Đất đai ở TP Quy Nhơn từ nhiều năm qua.

* Được thì ở, không được thì đi

Một miếng đất bị lấn chiếm ven núi Bà Hỏa

Luồn qua mấy con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi mới đến được hiện trường "phá núi" ở tổ 2, khu vực 11 phường Ngô Mây (Quy Nhơn). Hàng chục người bên kia con suối Cạn đang ngang nhiên chặt cây bạch đàn, san bằng đất. Bên này con suối, hàng chục người đứng xem. Bà Nguyễn Thị Bông nhà ở quanh đó, lớn tiếng: "Đêm qua, họ thắp điện làm cả đêm. Sáng ra đã thấy trên núi lố nhố những cọc rồi!". Trên cao, nhiều cọc gỗ cắm trên những khoảnh đất vừa được phát dọn vội vàng. "Vậy coi như đã có chủ rồi đó. Họ cắm để giành đất"(!). Không xa chỗ tôi đứng là một khoảnh đất trống rộng chừng 20m2 đã được san phẳng. "Đất của bà O. đó, bán rồi. Giá 26 triệu rưỡi", một anh thanh niên cho biết. Anh Khoa, cán bộ địa chính của phường Ngô Mây, lắc đầu: "Đây là đất nằm trong khu vực đường băng cản lửa của phường, vậy mà họ cũng dám san để bán. Mấy hôm không lên mà tình hình đã lộn xộn quá chừng".

Ông Võ Văn Bằng, tổ trưởng tổ 2 cho biết, tình hình chặt cây, san đất núi để cất nhà ở và mua bán đất ở đây xảy ra như cơm bữa. "Người ta nói là san đất để trồng trọt, nhưng thực chất là để bán. Tôi đã báo cho khu vực, cho phường, còn giải quyết như thế nào là tùy thuộc ở cấp trên", ông Bằng nói. Theo số liệu của phường Ngô Mây, đến nay số hộ dân sống trên dọc sườn núi Bà Hỏa thuộc địa phận quản lý của phường đã là 306 hộ với 1.050 nhân khẩu. Hàng năm, chính quyền địa phương đã phối hợp với Đội Kiểm tra trật tự đô thị thành phố tháo dỡ trung bình 30 trường hợp, chủ yếu là móng nhà và nhà tạm chưa lợp mái.

Ông Tô Ngọc Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn:

Tốc độ lấn chiếm đất trái phép ở ven chân núi Bà Hỏa ngày càng tăng trong khi nhân lực giải quyết mỏng; thủ tục hành chính, kinh phí tháo dỡ còn nhiều hạn chế nên tình hình ngày càng trở nên phức tạp. Hiện nay, hầu hết các hộ lấn chiếm đất trái phép đều đã có quyết định cưỡng chế nhưng các địa phương vẫn chưa tổ chức thực hiện được. Mới đây, qua khảo sát sơ bộ để thực hiện mở đường Ngô Mây nối dài qua đường Điện Biên Phủ cũng đã phát hiện thấy nhiều hộ lấn chiếm trái phép ở khu vực ven núi Bà Hỏa thuộc hai phường Ngô Mây và Quang Trung. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện cưỡng chế tháo dỡ đồng loạt tại các phường. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ xem xét các trường hợp các gia đình đã ở lâu năm và có hộ khẩu tại TP Quy Nhơn… Theo tôi, muốn quản lý được tình trạng nhập cư, xây dựng bất hợp pháp, trước hết phải có sự phối hợp đồng bộ từ chính quyền cơ sở. Ngoài ra, đó còn là trách nhiệm của các nhà hoạch định đô thị, phải quan tâm và dành quỹ đất, quỹ nhà cho các hộ nghèo, có thu nhập thấp trong thành phố và tạo điều kiện cho người nhập cư có nơi ở.

Không chỉ có phường Ngô Mây mà hiện nay các phường dọc theo chân núi Bà Hỏa như Đống Đa, Lê Hồng Phong, Quang Trung, tình trạng chặt cây, đào núi, san đất làm nhà để ở hoặc mua đi bán lại ở đã diễn ra ngày càng phức tạp. Ông Nguyễn Tấn Lung, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, cho biết: "Việc xây dựng trái phép ở phường diễn ra phổ biến tại các khu vực suối Ông Thừa, ven núi Bà Hỏa, Vũng Chua, ven các khu quy hoạch dân cư…".

Hầu hết những người lấn chiếm đều là dân nghèo tại chỗ hoặc những công nhân từ các huyện, các tỉnh khác đổ về tìm kiếm việc làm. "Chúng tôi cần một chỗ chui ra chui vào. Nhỏ cũng được, tạm bợ cũng xong. Chừng nào không cho ở nữa thì đi" - bà Phan Thị Thu Hảo, làm việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đang sống trên núi, đã nói với chúng tôi.

* Xử lý: Bắt cóc bỏ dĩa

Ông Đặng Ngọc Minh, Đội trưởng Kiểm tra trật tự đô thị thành phố cho biết, đã có khoảng 300-500 trường hợp lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép tại vùng ven núi Bà Hỏa. Trong năm 2003, tại các phường Ngô Mây, Quang Trung, Đội đã phát hiện 47 trường hợp xây dựng trái phép, trong đó 30 trường hợp xây dựng lại. Ông Minh nhận xét: "So với trước, tình hình lấn chiếm xây dựng mới có giảm hơn vì đơn giản là đã hết đất. Hiện nay, chủ yếu là tình trạng xây dựng lại, cơi nới thêm trên nền đất cũ. Chuyện mua, bán đất xảy ra liên tục và phức tạp. Một căn nhà đã bị lập biên bản nhiều lần vẫn được sang tay qua nhiều người".

Lực lượng làm công tác kiểm tra, kể cả của Đội lẫn của các phường đều mỏng. Trong khi đó người dân lại có nhiều phương thức để đối phó như lấn dần bằng cách cơi nới chuồng trại, công trình phụ..., tranh thủ làm nhà vào ngày nghỉ, ngày lễ, tết hoặc ban đêm dựng nhà "dã chiến"… nhà chừng 9-10 m2 không tô, lợp tôn. "Đến khi đoàn kiểm tra đến thì họ đã dọn vào ở, thậm chí còn bày cả bàn thờ trong nhà nên đành lập biên bản trình lên UBND thành phố chờ quyết định cưỡng chế" - anh Phan Cảnh Thịnh, cán bộ nhà đất địa chính phường Ngô Mây, cho biết thêm.

Hiện nay việc xử lý tình trạng lấn chiếm trái phép đất ven núi Bà Hỏa giống như chuyện "bắt cóc bỏ dĩa". Nhà mới xây móng, đoàn kiểm tra lên đập, tháo dỡ nhưng chỉ vài hôm sau đã thấy xây nhà kiên cố. Thậm chí nhiều nhà bị đập, tháo dỡ hai ba lần vẫn cứ tiếp tục xây. Việc cưỡng chế, tháo dỡ cũng gặp không ít khó khăn, nhiều hộ gia đình đã chống đối quyết liệt. Theo ông Đặng Ngọc Minh: "Nếu chỉ thu hồi đất rồi để đó thì tình trạng lấn chiếm lại là không thể tránh khỏi".

Việc các hộ dân đến ở bất hợp pháp trên núi gây không ít khó khăn cho công tác giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các địa phương. Tại phường Ngô Mây, các hộ sống trên núi phải mua nước dùng với giá 2.000 đồng/1 gánh 40 lít, điện sinh hoạt trên 1.000 đồng/kw; chỉ có 113 hộ sử dụng hố xí, 193 hộ "thải" ra núi. Chuyện "trên thải dưới chịu" dẫn đến mâu thuẫn là chuyện thường ngày tại các khu dân cư ven chân núi Bà Hỏa. Đó là chưa kể đến các vấn đề phát sinh khác như quản lý nhân khẩu, việc học hành của các cháu nhỏ…

Đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức năng ở thành phố Quy Nhơn phải có biện pháp mạnh để chấm dứt tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng nhà trái phép ven chân núi Bà Hỏa.

THU HÀ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Triển vọng từ "Bình Định Portal"  (14/12/2003)
Quy Nhơn vào mùa cưới   (12/12/2003)
Báo động nạn ăn trộm nước máy   (11/12/2003)
Khi Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại của nông dân   (10/12/2003)
Hồ Chí Minh với những quan điểm về nghệ thuật quân sự   (09/12/2003)
Chăm lo cho người tàn tật, trẻ mồ côi   (08/12/2003)
Cần có một cú hích để đưa tin học vào nhà trường  (07/12/2003)
Một ngày ở đầu cầu Nhơn Hội   (05/12/2003)
Liên hoan các cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa tỉnh Bình Định lần thứ I – 2003: Sôi động, thiết thực   (04/12/2003)
Nước sinh hoạt ở vùng cao An Lão: Niềm vui và nỗi lo   (03/12/2003)
Hồ Chủ tịch với phiên họp đầu tiên của Chính phủ   (02/12/2003)
Nghị quyết HR.427 của Hạ viện Hoa Kỳ và tiếng nói của một cư sĩ   (01/12/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu thương con người   (30/11/2003)
"Bày thêm một Giáo hội nữa thì có khác gì chia rẽ cộng đồng Phật giáo Việt Nam"   (28/11/2003)
Kiếm sống dưới đáy biển  (26/11/2003)