Chống tham nhũng: Mặt trận chưa yên tĩnh
15:32', 16/12/ 2003 (GMT+7)

Những vụ tham nhũng được phát hiện trong năm 2003 đã làm thiệt hại tài sản của Nhà nước, tập thể hàng tỉ đồng, với hàng chục cán bộ, công chức sai phạm. Song đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng.

* Nhiều vụ việc đã được phát hiện

Năm 2003, ngành Thanh tra tỉnh đã phát hiện, làm rõ 11 vụ việc có hành vi tham nhũng với 58 cán bộ, công chức liên quan, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước và tập thể trên 1,3 tỉ đồng. Qua đó, đã kiến nghị xử lý hành chính 48 cán bộ công chức (kết quả đã xử lý 37 người); đề nghị xử lý pháp luật 5 vụ, 10 người; kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước và tập thể 1,084 tỉ đồng; trong đó, đã thu hồi trên 696 triệu đồng.

Đáng chú ý có một số vụ nghiêm trọng như: một số cán bộ tài chính các xã Tây Giang và Tây An (Tây Sơn) thu bỏ ngoài sổ sách để chiếm dụng, chiếm đoạt trên 314 triệu đồng. Qua thanh tra, đã thu về cho Nhà nước gần 200 triệu đồng; xử lý hành chính 14 cán bộ, nhân viên, trong đó có 2 chủ tịch và 1 phó chủ tịch UBND xã. Ban Tài chính xã Cát Hải (Phù Cát) thu bỏ ngoài sổ sách trên 339 triệu đồng; cá nhân chiếm dụng, chiếm đoạt trên 100 triệu đồng. Qua kiểm tra bước đầu đã thu hồi về cho Nhà nước trên 100 triệu đồng; đề nghị xử lý hành chính 12 cán bộ, trong đó có 1 chủ tịch và 1 phó chủ tịch xã; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ để xử lý pháp luật 5 người. Ban Quản trị HTX Nông nghiệp Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) thu - chi sai chế độ trên 50 triệu đồng, cá nhân lợi dụng tham ô, chiếm đoạt gần 100 triệu đồng; đã chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật để điều tra xử lý 2 cán bộ liên quan. Ban Quản lý HTX Nông nghiệp 1 Nhơn Hạnh (An Nhơn) thu - chi sai chế độ, gây thất thoát vốn quỹ của tập thể 84 triệu đồng, một cán bộ lợi dụng thu nợ chiếm đoạt trên 94 triệu đồng; qua thanh tra, thu hồi gần 100 triệu đồng, xử lý hành chính 8 cán bộ, nhân viên và chuyển sang cơ quan pháp luật để điều tra xử lý 1 người…

Cũng trong năm 2003, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và thụ lý hàng chục vụ tham nhũng. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2003, ngành Công an đã phát hiện, điều tra 10 vụ có hành vi tham nhũng với 22 đối tượng liên quan; trong đó có 1 giám đốc DN, 1 chủ tịch UBND xã; 3 chủ nhiệm HTX nông nghiệp, 3 cán bộ thôn; tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 480 triệu đồng. Cùng thời gian trên, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 10 vụ tham nhũng, với 24 đối tượng liên quan, trong đó có 5 vụ tham ô tài sản XHCN; 1 vụ lập quỹ trái phép để vụ lợi; 2 vụ lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản công dân; 1 vụ lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ công vụ để vụ lợi.

* Còn ít so với thực tế?

Tuy vậy, số vụ tiêu cực, tham nhũng được phát hiện, xử lý như vậy vẫn còn ít so với thực tế và mới tập trung trên lĩnh vực kinh tế, cấp cơ sở, mà chưa chú ý đúng mức đến hoạt động quản lý hành chính của bộ máy nhà nước cấp trên cơ sở. Ngay trong hoạt động kinh tế, một số lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng như quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, thu thuế, hải quan, kinh doanh xuất nhập khẩu… chưa được tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện và ngăn chặn, xử lý.

Vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng một số nơi, nhất là cấp cơ sở trong công tác chống tiêu cực, tham nhũng vẫn chưa được phát huy đúng mức. Có nơi, cấp ủy viên, đảng viên dính líu đến tiêu cực, tham nhũng, khiến quần chúng nhân dân bất bình, dẫn đến phát sinh những khiếu kiện gay gắt, phức tạp, kéo dài, tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn. Hiệu quả của công tác giám sát, kiểm tra, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia chống tham nhũng của Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở còn hạn chế.

Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng tuy có chú trọng nhưng vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ, nhất là việc quản lý, khai thác tài liệu kê khai tài sản trong đánh giá, quản lý cán bộ, phục vụ chống tham nhũng còn lúng túng. Tiến độ cải cách hành chính còn chậm, chưa tập trung vào những vấn đề bản chất và bức xúc, nhất là tinh thần trách nhiệm. Lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức và cơ chế vận hành của bộ máy hành chính Nhà nước chưa có sự chuyển biến tích cực so với yêu cầu đặt ra.

* Để chống tham nhũng đạt hiệu quả

Để tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa tham nhũng mà trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa", thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã phát hiện, nhất là các vụ án điểm. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tập trung có trọng điểm vào các lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, đất đai, tài chính, thu - chi ngân sách, thực hiện chính sách xã hội. Xem xét, giải quyết kịp thời đơn thư tố cáo, phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân về những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm minh những cá nhân sai phạm...

LÊ VIẾT THỌ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Núi Bà Hỏa đang bị... gặm dần   (15/12/2003)
Triển vọng từ "Bình Định Portal"  (14/12/2003)
Quy Nhơn vào mùa cưới   (12/12/2003)
Báo động nạn ăn trộm nước máy   (11/12/2003)
Khi Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại của nông dân   (10/12/2003)
Hồ Chí Minh với những quan điểm về nghệ thuật quân sự   (09/12/2003)
Chăm lo cho người tàn tật, trẻ mồ côi   (08/12/2003)
Cần có một cú hích để đưa tin học vào nhà trường  (07/12/2003)
Một ngày ở đầu cầu Nhơn Hội   (05/12/2003)
Liên hoan các cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa tỉnh Bình Định lần thứ I – 2003: Sôi động, thiết thực   (04/12/2003)
Nước sinh hoạt ở vùng cao An Lão: Niềm vui và nỗi lo   (03/12/2003)
Hồ Chủ tịch với phiên họp đầu tiên của Chính phủ   (02/12/2003)
Nghị quyết HR.427 của Hạ viện Hoa Kỳ và tiếng nói của một cư sĩ   (01/12/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu thương con người   (30/11/2003)
"Bày thêm một Giáo hội nữa thì có khác gì chia rẽ cộng đồng Phật giáo Việt Nam"   (28/11/2003)