Khuyến học, tôn trọng pháp luật - nét văn hóa của một chi họ
15:42', 16/12/ 2003 (GMT+7)

Trong lời tựa cuốn "Phả hệ họ Đặng" ở thôn Vĩnh Phú (xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ) viết ngày 13 tháng chạp, năm Ất Sửu - Khải Định năm thứ 10, có ghi: "Muốn có phúc phải trồng đức, muốn có đức phải có học, con cháu họ ta hãy ghi nhớ lấy.". Ngày nay, các thế hệ của họ Đặng vẫn bảo ban nhau hiếu học đi đôi với tôn trọng pháp luật để lập thân, lập nghiệp và xây dựng nhân cách. Điều này đã trở thành truyền thống và là nét văn hóa của chi tộc họ Đặng ở Vĩnh Phú.

Theo các cụ cao tuổi và gia phả họ Đặng ở Vĩnh Phú, thì thủy tổ của chi họ này có tên là ông Khẩn. Ông Khẩn đã theo chúa Nguyễn Hoàng từ Bắc vào khai cơ lập nghiệp ở phía Nam và ông đã dừng chân ở mảnh đất này. Đến nay, dòng họ Đặng đã sống ở đây gần 400 năm, trải qua 15 đời, hiện còn các thế hệ từ đời 11 đến đời thứ 15. Những người họ Đặng đầu tiên ở đây, đã cùng với một vài dòng họ khác có công khai phá đất hoang, làm thủy lợi, cải tạo thiên nhiên, chống chọi với thú dữ, lập nên làng xóm để cùng nhau sinh sống. Vốn có truyền thống hiếu học, ông Khẩn và nhiều con cháu đời sau đã mở các lớp học, để dạy chữ cho con cháu và bà con dân cư trong vùng.

Theo sự phát triển tự nhiên, con cháu họ Đặng ở thôn Vĩnh Phú ngày nay đã đông đúc; nhiều người đã thành danh ở khắp miền đất nước và ở nước ngoài. Con cháu họ Đặng gốc Vĩnh Phú vẫn nhớ lời truyền dạy của các bậc tổ tông: "Học, không cốt để làm vương, làm tướng mà là để có ích cho đời, vinh hiển cho bản thân. Có học mới hiểu biết mọi điều, làm chủ được tự nhiên, xã hội. Con cháu họ Đặng (thôn Vĩnh Phú) có thể nghèo khổ, có cuộc sống bình dân nhưng không thể thất học. Thất học là có lỗi với tông đường, bởi thất học đi đôi với thiếu hiểu biết; mà thiếu hiểu biết dễ dẫn đến vi phạm pháp luật và các tiêu cực xã hội khác. Đây là hai việc mà cụ Tổ đặc biệt quan tâm dặn dò con cháu." (Lời phát biểu của cụ Đặng Thanh Phương, Tộc trưởng đời thứ 12, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Khánh Hòa, trong ngày tế hiệp năm 2003).

Nối tiếp truyền thống khuyến học của dòng họ, hàng năm vào dịp hè và các dịp đột xuất, Hội đồng họ tộc có những khen thưởng kịp thời cho những con cháu họ Đặng nhà nghèo học giỏi, đỗ đạt cao bằng quỹ quyên góp của họ và của các mạnh thường quân của họ. Có những trường hợp gia đình nghèo nhưng nuôi dạy con ngoan, quan tâm đúng mức đến việc học tập của con cái, được Hội đồng dòng tộc cho vay vốn ưu đãi từ quỹ của họ Đặng. Việc lập Bia học hàm, học vị (từ cao đẳng trở lên) đã được Ban liên lạc các chi phái họ Đặng thôn Vĩnh Phú tiến hành sưu tập, biên khảo mấy năm nay, đang chuẩn bị hoàn chỉnh và xây văn bia tại nhà thờ từ đường họ Đặng.

Hiện nay con cháu họ Đặng thôn Vĩnh Phú có đến 19 tiến sĩ, phó tiến sĩ trong đó có một giáo sư kiêm Viện sĩ Hàn lâm Nga (ông Đặng Hữu, nguyên Trưởng ban khoa giáo Trung ương); có một phó giáo sư là nữ, có 138 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng và hàng trăm người đang theo học các trường đại học, cao đẳng, học viện, trung cấp chuyên nghiệp.

Từ một vùng quê nghèo đất chật, người đông, con cháu họ Đặng ở Vĩnh Phú muốn vươn xa thì không lựa chọn nào khác ngoài việc miệt mài học tập. Mỗi thế hệ trước đều có trách nhiệm khuyến học cho thế hệ sau. Những người họ Đặng (gốc thôn Vĩnh Phú) hiện ở các thành phố trong cả nước cũng đã góp phần cho việc khuyến học của con cháu ở quê hương bằng cách đóng góp tiền vào quỹ khuyến học. Hội đồng họ tộc sẽ phân bổ hợp lý và tổ chức trao tiền khuyến học cho con cháu các nhà nghèo ham học và học giỏi, nhất là học sinh phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Cùng với chi họ Đặng ở thôn Vĩnh Phú, chi họ Đặng ở Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) và ở Tây An, Tây Thuận (Tây Sơn) cũng có những hoạt động khuyến học tương tự.

Có thể nói, truyền thống hiếu học, khuyến học đi đôi với tôn trọng pháp luật của chi họ Đặng ở thôn Vĩnh Phú đã đóng góp một phần nhỏ vào việc xã hội hóa giáo dục, đồng thời tạo nên một nét văn hóa của dòng tộc mà không phải nơi nào, chi họ nào cũng làm được.

NGỌC DIÊN

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chống tham nhũng: Mặt trận chưa yên tĩnh   (16/12/2003)
Núi Bà Hỏa đang bị... gặm dần   (15/12/2003)
Triển vọng từ "Bình Định Portal"  (14/12/2003)
Quy Nhơn vào mùa cưới   (12/12/2003)
Báo động nạn ăn trộm nước máy   (11/12/2003)
Khi Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại của nông dân   (10/12/2003)
Hồ Chí Minh với những quan điểm về nghệ thuật quân sự   (09/12/2003)
Chăm lo cho người tàn tật, trẻ mồ côi   (08/12/2003)
Cần có một cú hích để đưa tin học vào nhà trường  (07/12/2003)
Một ngày ở đầu cầu Nhơn Hội   (05/12/2003)
Liên hoan các cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa tỉnh Bình Định lần thứ I – 2003: Sôi động, thiết thực   (04/12/2003)
Nước sinh hoạt ở vùng cao An Lão: Niềm vui và nỗi lo   (03/12/2003)
Hồ Chủ tịch với phiên họp đầu tiên của Chính phủ   (02/12/2003)
Nghị quyết HR.427 của Hạ viện Hoa Kỳ và tiếng nói của một cư sĩ   (01/12/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu thương con người   (30/11/2003)