Đào tạo sau đại học ở Đại học Quy Nhơn: Quả đầu mùa
16:55', 17/12/ 2003 (GMT+7)

Là một trong những trường đại học lớn của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Đại học Quy Nhơn (ĐHQN) có "nguồn" rất lớn trong công tác đào tạo sau đại học (SĐH). Tuy nhiên, để khai thác được "nguồn", ngoài yếu tố khách quan từ phía người học, nhà trường cần phải phát triển và lớn mạnh về nhiều mặt.

* Nhu cầu lớn

Thạc sĩ Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định, cho biết: "Ngành GD-ĐT phải phấn đấu đến năm 2005 có ít nhất 5% số giáo viên THPT, THCN và 70% số giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Thế nhưng, hiện nay, ngành mới có 37 cán bộ, giáo viên có trình độ SĐH, chủ yếu là thạc sĩ. Do đó, mỗi năm ngành phải có thêm 30 giáo viên, cán bộ quản lý được đào tạo SĐH ở nhiều ngành học, cấp học". Cùng nhu cầu này, Tiến sĩ Trịnh Đào Chiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai, bộc bạch: "Tỉnh Gia Lai mới có 6 tiến sĩ và khoảng 60 thạc sĩ. Từ nay đến năm 2010, tỉnh sẽ phải có khoảng 8 ngàn lao động khoa học kỹ thuật có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (chiếm khoảng 2% số lao động khoa học kỹ thuật của tỉnh)."

Chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo giai đoạn 2001-2010 của Bộ GD-ĐT cũng đã xác định: Đào tạo đại học và SĐH là giải pháp để đáp ứng nhu cầu nhân lực có trình độ cao cho sự nghiệp CNH-HĐH và phát triển bền vững của đất nước, nâng cao năng lực hợp tác và cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ GD-ĐT cũng đã định hướng tăng quy mô đào tạo thạc sĩ từ 11.727 học viên năm 2000 lên 19.000 học viên vào năm 2005 và 38.000 học viên vào năm 2010; nghiên cứu sinh tiến sĩ từ 3.870 học viên năm 2000 lên 7.500 vào năm 2005… Do đó, nguồn  đào tạo SĐH của khu vực sẽ là rất lớn.

Trước nhu cầu, ngay từ năm 1993, ĐHQN đã liên kết với Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội đào tạo cao học ngành Phương pháp toán sơ cấp khóa đầu tiên với 15 học viên. Nhưng đến năm 1998, trường mới chính thức được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Phương pháp toán sơ cấp. Năm 2001, được mở thêm ngành Giải tích, Đại số và Lý thuyết đại số, Lịch sử Việt Nam, Sinh lý thực vật và Văn học Việt Nam. Số lượng tuyển sinh cao học cũng ngày càng tăng. Đến nay, trường đã và đang đào tạo được 6 khóa với 143 học viên. Tháng 4-2003, trường mới có 43 học viên tốt nghiệp và được cấp bằng thạc sĩ.

* Cần phát triển mạnh hơn về lượng và chất

Tiến sĩ Nguyễn Quý Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHQN, nhận xét: "Hiện tại, trường có 45 tiến sĩ nhưng chỉ tập trung ở một số khoa. Một số ngành chưa có tiến sĩ và giảng viên chính". Đây là một khó khăn lớn của trường để mở rộng các chuyên ngành đào tạo. Mặt khác, hệ thống tài liệu và thiết bị nghiên cứu chuyên sâu còn ít. Tuy trường đã có hệ thống thư viện điện tử, có phòng truy cập Internet nhưng hiệu quả khai thác từ giáo viên và sinh viên chưa cao. Kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước cho đào tạo SĐH còn thấp… Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT và cũng là một học viên cao học vừa được nhận bằng tốt nghiệp, nhận xét: "Vẫn còn những giáo viên tuy có trình độ SĐH nhưng ít phát huy được tác dụng trong giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi ở bậc phổ thông…".

Phần lớn đối tượng được đào tạo thạc sĩ ở trường đều là những cán bộ, giáo viên đang công tác, đi học "hàm thụ". Do đó chương trình và nội dung đào tạo cũng cần phải nghiên cứu sao cho phù hợp. Tiến sĩ Đinh Thanh Đức, giảng viên khoa Toán ĐHQN, cho biết: "Chương trình đào tạo phải vừa có tính chất cơ bản, tính hiện đại, đồng thời thật mềm dẻo, phù hợp với đối tượng theo học từng chuyên ngành để có bước thay đổi thực sự trong năng lực tư duy và tự nghiên cứu của người học. Từ đó, phục vụ tốt nơi công tác chứ không đơn giản là đi học để lấy bằng cấp".

So với số người có trình độ đại học ở nước ta và nhu cầu nhân lực có trình độ cao, đào tạo thạc sĩ như hiện nay vẫn còn ít. Nhưng không vì thế mà chạy theo số lượng trong khi chưa đủ lực để đầu tư cho chất lượng. Cùng với những chính sách ưu đãi, khuyến khích của mỗi tỉnh đối với người học SĐH, việc "được học gần nhà và gần nơi công tác" cũng là một thế mạnh của đào tạo SĐH của ĐHQN nếu nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng và mở rộng được các chuyên ngành đào tạo.

NGỌC QUỲNH

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khuyến học, tôn trọng pháp luật - nét văn hóa của một chi họ   (16/12/2003)
Chống tham nhũng: Mặt trận chưa yên tĩnh   (16/12/2003)
Núi Bà Hỏa đang bị... gặm dần   (15/12/2003)
Triển vọng từ "Bình Định Portal"  (14/12/2003)
Quy Nhơn vào mùa cưới   (12/12/2003)
Báo động nạn ăn trộm nước máy   (11/12/2003)
Khi Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại của nông dân   (10/12/2003)
Hồ Chí Minh với những quan điểm về nghệ thuật quân sự   (09/12/2003)
Chăm lo cho người tàn tật, trẻ mồ côi   (08/12/2003)
Cần có một cú hích để đưa tin học vào nhà trường  (07/12/2003)
Một ngày ở đầu cầu Nhơn Hội   (05/12/2003)
Liên hoan các cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa tỉnh Bình Định lần thứ I – 2003: Sôi động, thiết thực   (04/12/2003)
Nước sinh hoạt ở vùng cao An Lão: Niềm vui và nỗi lo   (03/12/2003)
Hồ Chủ tịch với phiên họp đầu tiên của Chính phủ   (02/12/2003)
Nghị quyết HR.427 của Hạ viện Hoa Kỳ và tiếng nói của một cư sĩ   (01/12/2003)