Kỷ niệm 59 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/2003)
Đêm bão tố
15:31', 21/12/ 2003 (GMT+7)

. Bút ký của NGUYỄN DỰ

Vừa về đến nhà, thằng con tôi đã lon ton chạy lại đưa mảnh giấy và bảo của bác nào đó gửi cho bố. Mảnh giấy ghi vắn tắt: "Nhân ngày làm tuần cho cháu và cũng là lần sinh nhật thứ hai của tôi, rất mong chú về chơi. Ký tên: Phan Ngọc Nhuận."

À! Thì ra chuyện cách nay đã gần một năm rồi.

***

14 giờ 30 phút ngày 27 tháng 12 năm 2002, nhận lệnh đi cứu nạn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định phối hợp với Công ty 128 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam khẩn cấp lên đường. Hai con tàu mang số hiệu HQ - 786 và 787 rẽ sóng rời Cảng Quy Nhơn, ngược chiều với những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân bươn bả trên mặt biển lồi lõm, đục ngầu, tìm đường trú ẩn.

Gió mùa đông bắc rùng rùng kéo mây phủ không gian một màu xám sẫm.

- Tàu bị nạn, cách bờ có xa không anh? Tôi quay sang hỏi Thượng tá Nguyễn Thanh An, Phó tham mưu trưởng đang đứng nhìn hải đồ.

- Tại cửa biển Đề Gi - Anh trả lời nhưng mắt vẫn đăm đăm nhìn về phía trước.

- Cứu ai vậy anh?

- Dân! Cách trả lời của con nhà tham mưu gọn chắc như khẩu lệnh.

Vòng qua khỏi mũi Yến, gió mỗi lúc một mạnh, liên tiếp những đợt sóng cuồn cuộn tưởng chừng sẽ nhấn chìm mọi thứ trên đường đi của nó, nối đuôi nhau lao về phía đoàn tàu. Cảm thấy hơi ngầy ngật, tôi vội tìm chỗ dựa lưng và nghe ngay bên tai tôi lẫn trong tiếng gào thét của sóng biển là tiếng nôn tháo thốc của những chiến sĩ trong đoàn cứu nạn vì không từng qua sóng cả. Thuyền trưởng - Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển ra lệnh: "Tất cả ở tại chỗ, không ai được bước ra boong". Tiếng chân chệnh choạng từng bước ngang dọc theo chiều sốc của con tàu, anh Báo vụ mang lại đặt trước mặt mỗi người một cái thau của nhà ăn tập thể bộ đội. Tôi đưa tay nhìn đồng hồ để liệu sức với thời gian: 18 giờ 21 phút ngày 27 tháng 12 năm 2002.

Tựa đầu vào vách buồng lái, tôi sốt ruột hỏi thuyền trưởng:

- Gần đến nơi chưa anh?

- Cứ nằm nghỉ cho khỏe. Sóng quá dữ nên tốc độ tàu chạy chậm lắm, phải mất ít nhất sáu giờ nữa mới đến tọa độ cứu nạn. Ngủ đi, đến nơi tôi gọi dậy.

Trời xuống tối. Mặt biển đen ngòm. Gió thét từng cơn, nước tung rào rào lên mặt kính. Tiếng biển sôi, tiếng máy gầm, tiếng chuông điện thoại thay nhau reo từ các hướng gọi… Bất thần những đợt sóng đen thẫm chồm lên ràng kín cả thân tàu, chòng chành giữa biển đêm bão tố.

Miệng đắng nghét, cổ họng khô cứng, đầu óc quay cuồng với những ý nghĩ chao đảo theo chiều của con tàu, tôi lơ mơ qua hàng loạt âm thanh hỗn tạp, đầu óc bồng bềnh trong một trạng thái khó phân định. Tôi gắng ngồi dậy. Anh Báo vụ động viên, giọng nhuốm lạnh: "Anh em chúng tôi… đã quen với sóng gió". Đôi quân hàm nằm lệch trên đôi vai áo ướt sũng, có lẽ anh đã thấm mệt. Tuổi anh khoảng chừng hai mươi, người hơi gầy, sắc da rám nắng nước mặn.

Ngoài trời, một màu đen kịt. Sóng và gió rít gào kinh khủng. Có lúc con tàu như một vật rơi tự do, thuyền trưởng chồm người ghì chặt tay lái và tiếng máy gầm lên hạ xuống qua từng đợt sóng dữ. Hơn một giờ nữa trôi qua, con tàu vẫn không tiếp cận được mục tiêu cứu nạn. Thuyền trưởng ra lệnh cho Báo vụ xin ý kiến cấp trên. Giọng nghe qua điện thoại: động viên cán bộ chiến sĩ trên tàu khắc phục khó khăn, tỉnh táo vượt qua sóng gió, bật đèn tín hiệu để ngư dân yên tâm, đợi trời sáng triển khai cứu nạn. Thuyền trưởng hạ lệnh thả neo.

- Anh gì đó ơi, dậy đi.

5 giờ 45 phút ngày 28 tháng 12 năm 2002. Cơn bão đã có phần giảm dần. Lờ mờ trong lớp sương mù vây kín mặt biển, cách tàu cứu nạn khoảng chừng một trăm mét, hai chiếc thuyền của ngư dân đang vật vã, mong manh như hai chiếc lá tre nhũng nước rã rượi. Trước sự sống còn của đồng loại, một sức mạnh lạ thường bỗng bật dậy từ trong tâm thức. Cả con tàu tràn ngập không khí khẩn trương, mọi người làm việc còn nhanh hơn khẩu lệnh cứu nạn. Sau một lúc triển khai hết sức vất vả, lần lượt 14 ngư dân được chuyển sang. Một ông lão, có lẽ người lớn tuổi nhất trong số ngư dân gặp nạn, trong bộ quần áo tơi tả ngồi bó gối khóc rấm rứt. Hỏi ra mới biết, trước khi đoàn cứu nạn đến thì đứa cháu trai hai mươi lăm tuổi và chiếc thuyền của ông đã vùi vào biển sâu.

Nhìn đôi mắt quầng thâm của thuyền trưởng và anh Báo vụ sau nhiều giờ vật lộn với sóng gió, tôi nghĩ sao thời gian quá dài cho sự rủi ro.

- Anh có khi nào nghĩ về một chuyến ra khơi và không trở lại? Tôi hỏi chuyện thuyền trưởng.

- Cũng có lúc tôi nghĩ đến, nhưng liền sau đó tôi nhanh chóng khỏa lấp bằng một ý nghĩ tốt đẹp và bình yên hơn - bẻ miếng bánh đậu xanh, thuyền trưởng đưa cho tôi một nửa.

Con tàu đang tiến dần vào bờ. Sau bão, vài cánh hải âu xao xác tìm đàn. Tôi nhìn về phía trước, đầu óc vẫn chưa dứt nghĩ về số phận con người trước đại dương. Và những người lính biển.                      

***

- Lần sau có đi thì nhớ báo cho tao biết trước rồi hẳn đi, thân già cứ bắt ngồi chong ngóc.

Dì nói lẩy sau lần tôi đi ra khơi cứu nạn, rồi lặng lẽ đến trước bàn thờ thắp hương. Chồng của dì đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, dì ở vậy, ăn chay trường từ năm hai mươi tuổi. Nhà dì, là nơi tôi gửi con trong những lần đi công tác xa, dài ngày.

Đêm thao thức. Tôi thương dì, thương nỗi ám ảnh của sự ra đi không nói trước và không ngày trở lại, thương những người đàn bà gầy guộc bóng thời gian.

N.D

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân  (21/12/2003)
Khi cựu tù chính trị làm kinh tế  (19/12/2003)
An cư để lạc nghiệp   (18/12/2003)
Trả lời cụ thể, đi thẳng vào vấn đề  (18/12/2003)
Đào tạo sau đại học ở Đại học Quy Nhơn: Quả đầu mùa   (17/12/2003)
Khuyến học, tôn trọng pháp luật - nét văn hóa của một chi họ   (16/12/2003)
Chống tham nhũng: Mặt trận chưa yên tĩnh   (16/12/2003)
Núi Bà Hỏa đang bị... gặm dần   (15/12/2003)
Triển vọng từ "Bình Định Portal"  (14/12/2003)
Quy Nhơn vào mùa cưới   (12/12/2003)
Báo động nạn ăn trộm nước máy   (11/12/2003)
Khi Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại của nông dân   (10/12/2003)
Hồ Chí Minh với những quan điểm về nghệ thuật quân sự   (09/12/2003)
Chăm lo cho người tàn tật, trẻ mồ côi   (08/12/2003)
Cần có một cú hích để đưa tin học vào nhà trường  (07/12/2003)