Phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng
17:34', 22/12/ 2003 (GMT+7)

Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng tiến bộ hơn

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, trong những năm qua sự nghiệp giáo dục, y tế tỉnh Bình Định đã được quan tâm đầu tư, tạo bước chuyển biến đáng kể.

Qui mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo trong tất cả các cấp học đã có chuyển biến tích cực. Theo báo cáo đánh giá của Tỉnh ủy, số học sinh phổ thông tăng bình quân 2%/năm; đã hoàn thành công tác phổ cập THCS ở thành phố Quy Nhơn và 7 huyện trong tỉnh. Hàng năm số học sinh tốt nghiệp các cấp học và học sinh khá giỏi, học sinh đạt giải quốc gia đều tăng. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục có bước phát triển. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc dạy và học được cải thiện một bước.

Để có kết quả đó, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách khuyến học, khuyến tài và thu hút nguồn nhân lực phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội như chính sách trợ cấp học phí, học bổng cho sinh viên đại học, cao đẳng, học sinh trung học chuyên nghiệp; chính sách khuyến khích học sau đại học và đi tu nghiệp ở nước ngoài; quy định về một số biện pháp khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ và thu hút nhân lực có trình độ cao nhằm thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Cùng với sự nghiệp giáo dục, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ. Công tác y tế dự phòng được duy trì tốt, không để xảy ra dịch. Kế hoạch củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở đến năm 2010 được triển khai bước đầu đạt kết quả tốt. Số trạm xá xã có bác sĩ chiếm 58% (mục tiêu Đại hội XVI đề ra là 80%). Bình quân toàn tỉnh cứ 1 vạn dân có 14,3 giường bệnh và 4,5 bác sĩ. Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật các cơ sở y tế, nhất là tuyến tỉnh, huyện được đầu tư, nâng cấp và sử dụng có hiệu quả hơn. Chất lượng khám, chữa bệnh có tiến bộ... Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đạt được kết quả tích cực. Tỷ suất sinh thô bình quân mỗi năm giảm 0,8%o, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,25% vào năm 2003. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng từ 34,9% năm 2000 giảm còn 27,5% năm 2003 (mục tiêu năm 2005: dưới 25%).

Tuy vậy, đến nay, chất lượng giáo dục toàn diện vẫn còn thấp. Còn có hiện tượng chạy theo thành tích trong dạy và học. Tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng qui định chưa được khắc phục. Công tác quản lý giáo dục còn nhiều bất cập. Giáo dục miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bức xúc.

Tình trạng quá tải về giường bệnh ở các bệnh viện công ngày càng tăng; chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến huyện và cơ sở còn nhiều hạn chế. Mạng lưới y tế ở miền núi, hải đảo còn nhiều khó khăn, nhất là trình độ, kinh nghiệm cán bộ y tế. Quản lý hành nghề y dược tư nhân chưa chặt chẽ.

Hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh đề ra yêu cầu phải đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực. Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả đào tạo ở các cấp học, ngành học, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chú trọng  công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, xây dựng trường chuẩn quốc gia, từng bước hiện đại hóa thiết bị dạy và học. Hoàn thành công tác phổ cập THCS đi đôi với củng cố và duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác giáo dục - đào tạo. Thực hiện tốt chính sách bồi dưỡng nhân tài, đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực, ngành nghề cần thiết phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát triển mạnh và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề; cơ cấu đào tạo ngành nghề phải phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và từng địa phương. Gắn kế hoạch đào tạo nghề với phát triển kinh tế, xã hội, đào tạo công nhân lành nghề cho các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp. Nâng cao năng lực, chất lượng các cơ sở đào tạo nghề của các thành phần kinh tế, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đào tạo nghề tại chỗ và đào tạo thợ lành nghề. Phấn đấu đến năm 2005, số lao động đã qua đào tạo nghề đạt 25% trên tổng số lao động trong độ tuổi.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo nâng cấp Bệnh viện tỉnh, các bệnh viện khu vực và các bệnh viện tuyến huyện; xây dựng y tế cơ sở đạt chuẩn quốc gia; tăng trợ cấp tiền thuốc điều trị cho các xã miền núi; nâng cao chất lượng các dịch vụ khám và điều trị. Thực hiện tốt chính sách chăm sóc sức khỏe cho người già, người dân tộc thiểu số và người nghèo; chú trọng giáo dục, nâng cao y đức cho cán bộ, nhân viên y tế. Tăng cường quản lý hành nghề y dược tư nhân. Làm tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tăng cường đầu tư cho các vùng khó khăn, đưa tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng xuống còn dưới 25% vào năm 2005. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đối với lĩnh vực y tế, đa dạng hóa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ và đào tạo bác sĩ cho các trạm y tế xã, phấn đấu đến năm 2005 đạt 80% số trạm xá xã có bác sĩ.

NGỌC MINH

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đêm bão tố  (21/12/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân  (21/12/2003)
Khi cựu tù chính trị làm kinh tế  (19/12/2003)
An cư để lạc nghiệp   (18/12/2003)
Trả lời cụ thể, đi thẳng vào vấn đề  (18/12/2003)
Đào tạo sau đại học ở Đại học Quy Nhơn: Quả đầu mùa   (17/12/2003)
Khuyến học, tôn trọng pháp luật - nét văn hóa của một chi họ   (16/12/2003)
Chống tham nhũng: Mặt trận chưa yên tĩnh   (16/12/2003)
Núi Bà Hỏa đang bị... gặm dần   (15/12/2003)
Triển vọng từ "Bình Định Portal"  (14/12/2003)
Quy Nhơn vào mùa cưới   (12/12/2003)
Báo động nạn ăn trộm nước máy   (11/12/2003)
Khi Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại của nông dân   (10/12/2003)
Hồ Chí Minh với những quan điểm về nghệ thuật quân sự   (09/12/2003)
Chăm lo cho người tàn tật, trẻ mồ côi   (08/12/2003)