|
Nhiều GV ở vùng sâu, vùng xa đang rất cần nhà ở tập thể. |
Trong 3 năm học vừa qua, ngành Giáo dục - Đào tạo Bình Định đã xây dựng 46 phòng ở tập thể cho giáo viên (GV). Tuy nhiên, số nhà ở này chỉ giải quyết chỗ ở cho 191 GV của một số trường đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Mỹ và 2 trường ở xã đảo Nhơn Lý, Nhơn Châu (Quy Nhơn). Trong khi đó, theo thống kê của ngành, toàn tỉnh hiện còn 1.014 GV ở các vùng sâu, vùng xa, trong đó có 705 GV nữ, đang có nhu cầu ở tập thể. Giải bài toán nhà ở tập thể cho GV này như thế nào?
Tốt nghiệp khoa Giáo dục tiểu học (trường Cao đẳng sư phạm Bình Định), với tấm bằng loại khá, dù là dân thành phố nhưng cô giáo trẻ Kim Loan vẫn quyết định nộp đơn thi tuyển công chức về một trường miền biển ở huyện Tuy Phước. Điều kiện nhà trường khó khăn, phòng ốc cho học sinh còn không đủ nên cô vui vẻ về ở nhờ nhà người quen. Đi dạy được hai năm, cô giáo Loan đã phấn đấu "rinh" về cái danh hiệu GV dạy giỏi cấp huyện và chuẩn bị đi thi cấp tỉnh. Vậy mà đùng một cái, cô nước mắt giọt ngắn giọt dài sang gặp thầy hiệu trưởng xin chuyển về một cụm khác của trường. Bị vặn hỏi mãi, cô mới ngập ngừng hé mở nguyên nhân sự việc: đó là sự bất đồng trong cách sống với chị chủ nhà mà cô đã cố hòa hợp 2 năm trời nhưng vẫn không được…
Những chuyện phải xin chuyển chỗ dạy "bất đắc dĩ" như cô giáo Loan không phải là hiếm, thậm chí còn "bi đát" hơn, mà nguyên nhân chính là do chưa có nhà ở tập thể.
Theo ông Phan Tấn Dũng, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục - Đào tạo Bình Định, sở dĩ có tình trạng này chính là do cơ chế thi tuyển công chức. Trước đây, Nhà nước chủ trương đào tạo GV theo kiểu "nằm vùng", GV ở đâu thì được phân về địa phương đó nên số GV cần nhà ở tập thể cũng chỉ đếm hàng chục. Những năm gần đây, việc thi tuyển công chức bắt buộc những sinh viên ra trường phải có sự lựa chọn. Và số GV đi về các huyện xa để dạy tích cóp lại cũng đã lên đến con số ngàn. GV ở xa đến không có nhà tập thể phải ở lẫn lộn với nhà dân nên rất khó khăn, nhất là chuyện sinh hoạt hằng ngày cho các GV nữ. Mặt khác, khi ở như thế, các trường không thể tường tận cuộc sống tinh thần của GV mình. Điều này ảnh hưởng không tốt đến công tác giảng dạy của GV.
Theo dự báo, trong vài năm tới số học sinh THCS, THPT ở Bình Định còn tiếp tục tăng thêm. Và hệ quả, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 20 GV về công tác tại các địa bàn khó khăn. Như thế, số GV có nhu cầu ở nhà tập thể sẽ càng tăng. Do đó, để đáp ứng, giai đoạn 2004-2007, toàn tỉnh phải xây mới 310 phòng, sửa chữa nâng cấp 25 phòng tại 114 điểm trường với kinh phí dự trù 5,6 tỷ đồng. Đây là một thách thức không nhỏ.
Bà Đoàn Thị Trung Hiếu - Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Định, cho biết: "Với nhu cầu nhà ở quá lớn, bên cạnh nguồn kinh phí của Nhà nước, chúng tôi đã triển khai cuộc vận động đóng góp trong ngành và sự hỗ trợ từ phía địa phương cũng như các tổ chức và cá nhân để xây dựng nhà ở tập thể cho GV vùng sâu, vùng xa. Trước mắt, trong năm học 2003-2004, ngành sẽ xây dựng 5 nhà ở tập thể cho GV tại 3 huyện: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão và 2 điểm trường THPT Nguyễn Du (Hoài Hương - Hoài Nhơn) và THPT An Lương (Mỹ Chánh - Phù Mỹ)."
Đó là một giải pháp đúng và ngành giáo dục tỉnh nhà đang cố gắng huy động mọi nguồn lực để đến năm học 2006-2007, 100% GV vùng khó khăn trong tỉnh có nhà ở tập thể. Hy vọng với giải pháp "xã hội hóa" công tác xây dựng nhà ở tập thể cho GV như vậy, trên một ngàn GV đang công tác ở vùng sâu, vùng xa ở Bình Định sẽ có một mái nhà để "an cư", toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
LÊ THU HIỀN |