|
Mít tinh hưởng ứng ngày dân số VN tại Quy Nhơn (ảnh: Cát Hùng) |
42 năm trước, giữa lúc đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã thông qua Quyết định số 216 ngày 26-12-1961, hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Ngày 19-5-1997, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 26 tháng 12 hàng năm làm Ngày Dân số Việt Nam nhằm điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cho trước mắt và lâu dài.
Mục tiêu hàng đầu được chính sách dân số lúc bấy giờ nhấn mạnh không phải là số lượng mà chính là chất lượng dân số. Đó là sức khỏe người mẹ, là việc nuôi dạy con nên người. Chính sách dân số ban hành năm 1961 còn nhấn mạnh tới quan hệ giữa việc sinh con với hạnh phúc gia đình, hàm ý rằng số con trong mỗi gia đình phải phù hợp với điều kiện sức khỏe, điều kiện kinh tế - khả năng chăm sóc và nuôi dạy, thì gia đình mới hòa thuận, hạnh phúc. Đối chiếu lại những điều khoản quy định trong Pháp lệnh Dân số vừa được ban hành trong năm 2003 sẽ thấy sự nhất quán của Đảng và Nhà nước ta qua 42 năm thực thi công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).
Chính sách của Nhà nước ta từ trước đến nay về công tác DS-KHHGĐ xác định một nguyên tắc mà các văn bản pháp lý quốc tế cũng như Pháp lệnh Dân số hiện nay thể hiện đó là việc cung cấp dịch vụ phải thuận lợi và phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của người sử dụng. Điều 4 của Quyết định 216-CP năm 1961 nhấn mạnh: "Cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm các biện pháp thích hợp nhất với hoàn cảnh sinh hoạt của cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội ta, phù hợp với hoàn cảnh sinh hoạt của nhân dân ta, Bộ Y tế có trách nhiệm cung cấp phương tiện tránh thai với giá rẻ, một cách dễ dàng và thuận lợi nhất cho những người cần dùng các biện pháp liên quan đến việc sinh đẻ có hướng dẫn". Điều này cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị của nó khi chính sách dân số hiện nay vẫn nhấn mạnh tới chất lượng của dịch vụ KHHGĐ. Người dân được đáp ứng các dịch vụ KHHGĐ để thực hiện chăm sóc về sức khỏe sinh sản một cách tự giác và tự nguyện. Việc thông tin - giáo dục - tuyên truyền về DS-KHHGĐ phải thường xuyên, liên tục và lâu dài. Đối tượng tuyên truyền không chỉ là những người trong độ tuổi sinh đẻ, mà cho cả vị thành niên, lớp người lớn tuổi từ thành thị tới nông thôn, đặc biệt là phương pháp truyền thông phải phù hợp đối với đồng bào các dân tộc ít người, ở những vùng sâu - vùng xa, vùng dân trí thấp. Đó là công việc của mọi cấp, mọi ngành, nhất là vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội.
Dịch vụ KHHGĐ tốt sẽ giúp cho các cặp vợ chồng điều chỉnh số con và khoảng cách sinh con thông qua sự lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp, cũng như được sinh con tại các cơ sở y tế. Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em đang phối hợp với ngành Y tế tổ chức hướng dẫn và thực hiện dịch vụ KHHGĐ đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh, làm cho các đối tượng nhân dân được phục vụ ngày càng tốt hơn, bảo đảm hiệu quả và uy tín.
Công tác DS-KHHGĐ hiện nay thực sự đã trở thành vấn đề trọng tâm của tất cả các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Đảng và Nhà nước ta sớm ý thức được vấn đề, đã có chủ trương và nhiều biện pháp thực hiện và sự nhất quán trong một quá trình dài chứng tỏ tính đúng đắn của một chính sách, dù lúc đó hãy còn rất mới mẻ.
TÚ ÂN |